Giám đốc Sở Y tế Hà Nội tiên lượng sắp tới Hà Nội sẽ phát hiện thêm ổ dịch COVID-19 trong cộng đồng vì tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố đang diễn biến hết sức phức tạp khi có những ca mắc chưa rõ nguồn lây.
Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2: Ổ dịch có nguy cơ cao
Nhận định về chùm ca bệnh tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, tại phiên họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Hà Nội với các quận, huyện, thị xã, chiều nay 6.5, Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà khẳng định: Đây là ổ dịch có nguy cơ và phức tạp nhất.
Theo Báo cáo của Sở Y tế, từ ngày 27.4 đến nay, cả nước ghi nhận 64 ca mắc ngoài cộng đồng tại 10 tỉnh, thành phố là Vĩnh Phúc (14 ca); Hà Nam (14 ca); Hà Nội (5 ca); Đà Nẵng (2 ca); Hưng Yên (2 ca); Yên Bái (1 ca); Hải Dương (1 ca); Quảng Nam (1 ca); Đồng Nai (1 ca); TP.HCM (1 ca) và chùm ca bệnh tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.
Riêng Hà Nội, từ ngày 4-6.5, ghi nhận 5 ca mắc tại cộng đồng và 42 ca mắc của chùm ca bệnh tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh nhấn mạnh: "Các đơn vị cần khẩn trương rà soát, lập danh sách toàn bộ những người đã đến Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, trong khoảng thời gian 14.4 đến ngày 5.5, để lấy mẫu xét nghiệm và cách ly theo quy định. Trong công tác cách ly tập trung, phải đủ 21 ngày và cách ly tại nhà thêm 7 ngày, lấy mẫu xét nghiệm đủ 4 lần".
Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà cho biết, tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố đang diễn biến hết sức phức tạp khi có nhiều ca mắc ngoài cộng đồng và có những ca mắc chưa rõ nguồn lây. Trước tình hình dịch bệnh, Sở Y tế Hà Nội nhận định ổ dịch có nguy cơ, phức tạp nhất là ổ dịch Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2. Trước mắt, Sở Y tế cũng nhận định các ca mắc tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 tiếp tục gia tăng.
"Hiện nay, có tình trạng phức tạp và đáng quan ngại nữa là người bệnh, người thân, người chăm sóc, người đến thăm non… đã rời bệnh viện trước khi bệnh viện được phong tỏa. Do đó, nguy cơ lây nhiễm ngoài cộng đồng rất là cao. Chúng tôi tiên lượng sắp tới Hà Nội sẽ tiếp tục phát hiện các ca dương tính, ổ dịch trong cộng đồng", bà Hà cho biết.
Sở Y tế cũng nhận định, khó khăn trong đợt dịch này là có các ca F0 không rõ nguồn lây và chưa xác định được, vì vậy rất cần người dân tự giác phối hợp với chính quyền trong khai báo y tế và có ý thức sàng lọc sớm. Đồng thời, Sở Y tế cũng đã xây dựng kế hoạch xét nghiệm sàng lọc cho các trường hợp và vùng có nguy cơ trên địa bàn.
Giám đốc Sở Y tế lưu ý, từ bài học của Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, các bệnh viện khác trên địa bàn cần tăng cường thêm các biện pháp. Về phía Sở Y tế, đã có hội nghị quán triệt tất cả các bệnh viện và trung tâm y tế nâng cao năng lực xét nghiệm, năng lực lấy mẫu đảm bảo trang thiết bị, vật tư y tế, có kịch bản phân luồng trong trường hợp Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 quá tải. Trước mắt, thành phố sẽ sử dụng bệnh viện dã chiến Mê Linh làm cơ sở cách ly các trường hợp F1. Trong thời gian tới, Sở sẽ phối hợp với các đơn vị mở rộng địa điểm cách ly.
Người dân không ra khỏi nhà khi không cần thiết
Trước tình trạng trên, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội - ông Chử Xuân Dũng đề nghị người dân không ra khỏi nhà nếu không cần thiết, thực hiện nghiêm thông điệp "5K"; tạm dừng dịch vụ không cần thiết....
Nhằm ngăn chặn dịch lây lan, Phó Chủ tịch thành phố Hà Nội đề nghị việc truy vết, cách ly, xét nghiệm cần được thực hiện khẩn trương hơn nữa. Các địa phương căn cứ vào thông báo của Sở Y tế lấy mẫu xét nghiệm của tất cả những người liên quan đến Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương từ ngày 14.4 đến ngày 5.5, và những trường hợp có nguy cơ, đồng thời yêu cầu cách ly tại nhà.
Thành phố yêu cầu các đơn vị, địa phương thực hiện đúng quy trình cách ly, tuyệt đối không để lây nhiễm chéo, bảo đảm thời gian cách ly 21 ngày, quản lý chặt chẽ nhân khẩu tại địa bàn; kịp thời phát hiện các trường hợp nhập cảnh trái phép...
Sở Y tế và các địa phương cần rà soát, đánh giá năng lực và chủ động xây dựng phương án phòng chống dịch theo phương châm "4 tại chỗ", gồm chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện và vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ, bảo đảm ứng phó với mọi diễn biến của dịch.
"Đây là thời điểm cần sự chủ động vào cuộc của toàn hệ thống chính trị thành phố và người dân để chung sức phòng chống dịch hiệu quả", ông Chử Xuân Dũng nhấn mạnh.