Hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng tiếp tục có những chuyển biến tích cực, đã xác định 1.497 vụ án điểm/2.162 bị can để điều tra, truy tố, xét xử.

Hà Nội xác định gần 1.500 vụ án điểm, 2.100 bị can để điều tra, truy tố, xét xử

Hoài Lam | 12/12/2022, 16:21

Hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng tiếp tục có những chuyển biến tích cực, đã xác định 1.497 vụ án điểm/2.162 bị can để điều tra, truy tố, xét xử.

Ngày 12.12, diễn ra Hội nghị Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Thành ủy Hà Nội để đánh giá kết quả công tác năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2023.

Báo cáo tại hội nghị cho thấy, hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng tiếp tục có những chuyển biến tích cực; đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu được giao; trong đó, đã xác định 1.497 vụ án điểm/2.162 bị can để điều tra, truy tố, xét xử (đạt 125% chỉ tiêu năm 2022).

Công tác hỗ trợ các cơ quan tư pháp, bổ trợ tư pháp luôn được quan tâm thực hiện. Tỷ lệ điều tra khám phá án chung đạt cao (đạt 87,3%); các vụ án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng được khám phá nhanh (đạt 100%); tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố đạt 91,01%.

Công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nội bộ trong các cơ quan tư pháp Thành phố được thực hiện nghiêm túc, xử lý nghiêm minh.

Phó bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đánh giá, hoạt động của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Thành ủy cũng như các quận, huyện, thị ủy, cơ quan tư pháp, bổ trợ tư pháp tiếp tục có nhiều đổi mới và hoạt động đi vào chiều sâu. Đồng thời, các nhiệm vụ trọng tâm đã được tập trung chỉ đạo triển khai đạt kết quả toàn diện và rõ nét trên các mặt công tác.

“Kết quả công tác năm 2022 của cơ quan tư pháp, hoạt động của các cơ quan khối nội chính đã góp phần quan trọng vào giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô”, bà Tuyến đánh giá.

hn.jpg
Phó bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến phát biểu tại hội nghị

Về nhiệm vụ thời gian tới, Phó bí thư Thường trực Thành ủy yêu cầu các cấp ủy, ngành, đơn vị có liên quan cần tập trung tổ chức triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9.11.2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; Nghị quyết của Bộ Chính trị “về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”…

Phó bí thư Thường trực Thành ủy yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố chỉ đạo UBND Thành phố tiếp tục phối hợp với Bộ Tư pháp nghiên cứu, đề xuất chính sách lập hồ sơ đề nghị và xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi). Chỉ đạo thực hiện Đề án đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật của Thành phố. Tập trung triển khai có hiệu quả Đề án “Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp”; đẩy mạnh việc xã hội hóa, nâng cao hiệu quả các hoạt động đăng ký giao dịch bảo đảm, thừa phát lại.

Ngoài ra, chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm những vi phạm. Tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả Quy hoạch “Hệ thống trụ sở làm việc của các cơ quan Tư pháp Thành phố đến năm 2030 và tầm nhìn 2050”. Đầu tư trang thiết bị làm việc, hỗ trợ kinh phí để tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động cải cách hành chính tư pháp.

Ban Cán sự Đảng TAND Thành phố chỉ đạo TAND hai cấp Thành phố đẩy nhanh tiến độ và nâng cao hơn nữa chất lượng xét xử, bảo đảm xét xử nghiêm minh, đúng pháp luật, không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm.

“Đẩy nhanh tiến độ, đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp và vụ án dư luận xã hội quan tâm. Các cơ quan tư pháp Thành phố tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra trong hoạt động công vụ, xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân có sai phạm gắn với trách nhiệm của người đứng đầu”, bà Tuyến nêu.

Đồng thời, tăng cường việc tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức các cơ quan tư pháp và bổ trợ tư pháp hai cấp Thành phố để tạo nguồn nhân lực có chất lượng. Thực hiện tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; kiện toàn tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế các cơ quan tư pháp, bổ trợ tư pháp. Thực hiện các đề án về phòng chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp.

“Năm 2023 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng, Nghị quyết Đại hội 17 Đảng bộ Thành phố. Nhiệm vụ đề ra rất nặng nề nên đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo phát huy tinh thần trách nhiệm, kết quả, kinh nghiệm và trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ đơn vị, ngành mình công tác để phân công nhiệm vụ và phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ công tác cải cách tư pháp năm 2023”, bà Tuyến nhấn mạnh.

Bài liên quan
Lần đầu tiên người dân Hà Nội trải nghiệm 'phở số' do robot phục vụ
Du khách có cơ hội thưởng thức các món phở truyền thống đặc trưng của Hà Nội và trải nghiệm "phở số" hoàn toàn mới lạ và hiện đại.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
5 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hà Nội xác định gần 1.500 vụ án điểm, 2.100 bị can để điều tra, truy tố, xét xử