14 trang web sân bay công cộng, bao gồm cả một số sân bay lớn nhất Mỹ, đã hiện thông báo không thể truy cập sáng 10.10 và các hacker nói tiếng Nga đã lên tiếng nhận trách nhiệm.

Hacker nói tiếng Nga thừa nhận đánh sập nhiều website sân bay Mỹ

Sơn Vân | 10/10/2022, 23:23

14 trang web sân bay công cộng, bao gồm cả một số sân bay lớn nhất Mỹ, đã hiện thông báo không thể truy cập sáng 10.10 và các hacker nói tiếng Nga đã lên tiếng nhận trách nhiệm.

Không có dấu hiệu ảnh hưởng ngay lập tức đến việc di chuyển bằng đường hàng không thực tế, cho thấy vấn đề này có thể gây bất tiện cho những người tìm kiếm thông tin du lịch.

14 trang web bị hack, gồm cả một trang Sân bay Quốc tế Hartsfield-Jackson của bang Atlanta, thủ phủ và là thành phố đông dân nhất bang Georgia (Mỹ). Một nhân viên ở đó nói với đài CNN rằng không có tác động liên quan đến hoạt động nào.

Trang web của Sân bay Quốc tế Los Angeles đã ngoại tuyến trước đó nhưng dường như được khôi phục ngay trước 9 giờ sáng 10.10 theo giờ miền Đông. Phát ngôn viên tại đây đã không trả lại ngay lập tức khi được đề nghị bình luận.

hacker-noi-tieng-nga-thua-nhan-danh-sap-nhieu-website-san-bay-my.jpg
Du khách đi qua Sân bay Quốc tế Hartsfield-Jackson ở Atlanta - Ảnh: CNN

Nhóm hacker Killnet đã liệt kê nhiều sân bay của Mỹ là mục tiêu tấn công.

Killnet đã tăng cường hoạt động nhắm vào các tổ chức ở các nước NATO sau khi Nga tấn công Ukraine vào cuối tháng 2. 

Killnet đã nhận trách nhiệm vào tuần trước vì đánh sập các trang web chính quyền một số bang ở Mỹ. Ngoài ra, Killnet bị cho đã đánh sập một trang web Quốc hội Mỹ vào tháng 7 và thực hiện các cuộc tấn công mạng nhắm vào một số tổ chức ở Lithuania.

Killnet ngày 27.6 lên tiếng nhận trách nhiệm về một cuộc tấn công mạng vào Lithuania. Nhóm hacker này nói rằng đây là hành động đáp lại quyết định của Lithuania về việc ngăn chặn vận chuyển hàng hóa đi qua nước này đến vùng Kaliningrad của Nga.

Kaliningrad là một tỉnh của Nga nhưng nằm lọt giữa Ba Lan và Lithuania, với một mặt giáp biển Baltic. Kaliningrad được kết nối với phần còn lại của Nga bằng tuyến đường sắt đi qua Lithuania, thành viên của cả Liên minh châu Âu (EU) và NATO.

"Vụ tấn công sẽ tiếp tục cho đến khi Lithuania dỡ bỏ phong tỏa. Chúng tôi đã phá hủy 1.652 tài nguyên web. Và con số đó mới chỉ là cho đến nay", người phát ngôn Killnet nói với Reuters vào thời điểm trên.

Trước đó, Trung tâm An ninh mạng Quốc gia Lithuania cho biết các cơ sở nhà nước và tư nhân ở nước này đã bị DDoS (tấn công từ chối dịch vụ phân tán).

Loại tấn công mạng mà Killnet sử dụng là DDoS, trong đó hacker làm quá tải các máy chủ bằng lưu lượng truy cập web giả để đánh sập chúng.

John Hultquist, Phó chủ tịch công ty an ninh mạng Mandiant thuộc sở hữu của Google, nói với CNN: “Các cuộc tấn công DDoS được ưa chuộng bởi các tác nhân có mức độ tinh vi khác nhau vì chúng có kết quả rõ ràng, nhưng những sự cố này thường diễn ra hời hợt và ngắn ngủi”.

Người phát ngôn của Cơ quan An ninh Vận tải Mỹ cho biết cơ quan này đang theo dõi vấn đề và làm việc với các đối tác sân bay.

Hồi tháng 3, Anonymous khởi động chiến dịch tấn công mạng nhắm vào Nga nhằm đánh sập một số trang web liên quan đến chính phủ nước này trong thời gian ngắn. Sau đó, Killnet đáp trả Anonymous.

Anonymous từng tuyên chiến với chính phủ Nga để phản đối các chiến dịch quân sự mà quân đội nước này tiến hành trên lãnh thổ Ukraine. Tiếp đến, Anonymous đã tấn công vào trang web Đài truyền hình quốc gia RT cùng hàng loạt trang web lớn của Nga như hãng tin TASS, tờ báo Kommersant, Izvestia… Một số trang web lớn, nhỏ của Nga cũng bị Anonymous tấn công, thay đổi giao diện và đăng tải các thông điệp kêu gọi Tổng thống Putin dừng tấn công Ukraine cũng như đưa quân đội về nước.

Sau nhiều ngày Anonymous tấn công các trang web Nga, Killnet tuyên bố đánh sập một trong những trang web chính thức của Anonymous, đồng thời chiếm quyền điều khiển nhiều tài khoản mạng xã hội của nhóm này.

Cuộc chiến trên không gian mạng giữa các nhóm hacker ủng hộ Nga và Ukraine diễn ra dài ngày, không thua kém gì những vụ xung đột vũ trang đang diễn ra.

Bài liên quan
FBI: Hacker dùng ứng dụng tiền mã hóa giả lừa các nhà đầu tư 42,7 triệu USD trong 8 tháng
FBI cảnh báo công khai về các ứng dụng đầu tư tiền mã hóa lừa đảo sau khi hacker giả danh là các dịch vụ hợp pháp đã đánh cắp hàng chục triệu USD từ các nhà đầu tư Mỹ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 3: Hiến kế phát triển nghề
Để nghề sản xuất muối vượt qua khó khăn, làm tiền đề để nâng cao đời sống và có nhiều hơn những hộ khá giàu, bà con diêm dân đã mạnh dạn hiến kế để chính quyền địa phương xem xét, lựa chọn kế sách phù hợp, từng bước đưa nghề muối ở Bạc Liêu phát triển bền vững, diêm dân sống được với nghề vốn được xem là truyền thống.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hacker nói tiếng Nga thừa nhận đánh sập nhiều website sân bay Mỹ