Chính quyền Đài Loan cho biết các công ty bán dẫn trên đảo rất coi trọng việc tuân thủ luật pháp, đồng thời báo hiệu rằng họ sẽ tuân thủ các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới của Mỹ nhằm làm chậm các tiến bộ công nghệ của Trung Quốc.

Các hãng chip Đài Loan sẽ tuân thủ biện pháp mới mà Mỹ trừng phạt Trung Quốc

Sơn Vân | 09/10/2022, 10:05

Chính quyền Đài Loan cho biết các công ty bán dẫn trên đảo rất coi trọng việc tuân thủ luật pháp, đồng thời báo hiệu rằng họ sẽ tuân thủ các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới của Mỹ nhằm làm chậm các tiến bộ công nghệ của Trung Quốc.

Chính quyền ông Biden hôm 7.10 đã công bố hàng loạt biện pháp kiểm soát xuất khẩu, gồm cả các quy định nhằm cắt đứt Trung Quốc khỏi một số chip bán dẫn được sản xuất ở mọi nơi trên thế giới với thiết bị từ Mỹ. Đây là động thái mở rộng phạm vi tiếp cận từ Mỹ trong nỗ lực làm chậm các tiến bộ công nghệ và quân sự của Trung Quốc.

Các quy tắc (một số có hiệu lực ngay lập tức) được xây dựng dựa trên các hạn chế được gửi trong thư đầu năm nay cho các nhà sản xuất công cụ hàng đầu KLA Corp, Lam Research Corp và Applied Materials Inc. Đây là cách hiệu quả yêu cầu các công ty Mỹ ngừng vận chuyển thiết bị đến các nhà máy sản xuất chip logic tiên tiến hoàn toàn thuộc sở hữu của Trung Quốc.

Một loạt các biện pháp có thể dẫn đến sự thay đổi lớn nhất trong chính sách của Mỹ với công nghệ vận chuyển đến Trung Quốc kể từ những năm 1990. Nếu hiệu quả, chúng có thể gây khó khăn cho ngành sản xuất chip của Trung Quốc khi buộc các công ty Mỹ và nước ngoài sử dụng công nghệ Mỹ ngừng hỗ trợ cho một số nhà máy và nhà thiết kế chip hàng đầu của Bắc Kinh.

Jim Lewis, chuyên gia công nghệ và an ninh mạng tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), một tổ chức tư vấn có trụ sở tại thủ đô Washington (Mỹ), cho biết: “Điều này sẽ khiến Trung Quốc lùi lại nhiều năm. Trung Quốc sẽ không từ bỏ sản xuất chip, nhưng điều đó thực sự sẽ làm họ đi chậm lại”. Jim Lewis nói các chính sách này quay trở lại các quy định cứng rắn trong thời kỳ đỉnh cao của Chiến tranh Lạnh.

Trong cuộc họp báo với các phóng viên hôm 6.10 về việc xem trước các quy tắc, các quan chức chính phủ Mỹ cho biết nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn các công ty nước ngoài bán chip tiên tiến cho Trung Quốc hoặc cung cấp những công cụ để sản xuất chip tiên tiến. Tuy nhiên, họ thừa nhận không đảm bảo được bất kỳ lời hứa nào rằng các quốc gia đồng minh sẽ thực hiện các biện pháp tương tự và những cuộc thảo luận với các nước đó đang diễn ra.

"Chúng tôi nhận ra rằng các biện pháp kiểm soát đơn phương đang áp dụng sẽ mất hiệu lực theo thời gian nếu các quốc gia khác không tham gia. Và chúng tôi có nguy cơ làm tổn hại đến sự dẫn đầu về công nghệ của Mỹ nếu các đối thủ cạnh tranh nước ngoài không chịu các biện pháp kiểm soát tương tự", một quan chức nói.

Việc chính quyền ông Biden mở rộng các quyền kiểm soát xuất khẩu sang Trung Quốc những chip được sản xuất bằng thiết bị của Mỹ dựa trên việc mở rộng quy tắc sản phẩm trực tiếp nước ngoài. Trước đây, nó đã được mở rộng để trao cho chính phủ Mỹ quyền kiểm soát xuất khẩu chip được sản xuất ở nước ngoài cho Huawei Technologies Co (tập đoàn viễn thông khổng lồ của Trung Quốc) và sau đó là ngăn chặn dòng chất bán dẫn sang Nga sau cuộc tấn công Ukraine.

Các quy tắc được công bố hôm 7.10 cũng chặn xuất khẩu hàng loạt chip để sử dụng trong các hệ thống siêu máy tính Trung Quốc. Các quy tắc xác định siêu máy tính là bất kỳ hệ thống nào có sức mạnh tính toán hơn 100 petaflop trong không gian sàn rộng hơn 594 m2. Định nghĩa này cũng có thể ảnh hưởng đến một số trung tâm dữ liệu thương mại tại các gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc.

Theo một chính sách mới được công bố hôm 7.10, nếu chính phủ Trung Quốc ngăn cản các quan chức Mỹ tiến hành kiểm tra địa điểm tại các công ty nằm trong danh sách chưa được xác minh, các nhà chức trách Mỹ sẽ bắt đầu quy trình thêm họ vào danh sách thực thể sau 60 ngày.

dai-loan-se-tuan-thu-cac-bien-phap-moi-ma-my-trung-phat-trung-quoc.jpg
Các công ty Đài Loan sẽ tuân thủ các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới của Mỹ nhằm gây khó khăn cho ngành công nghiệp chip Trung Quốc

Đài Loan là quê hương của TSMC - nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới và hãng cung cấp chính cho nhiều công ty, bao gồm cả Apple.

Trong một tuyên bố đáp lại thông báo của Mỹ, Cơ quan kinh tế Đài Loan cho biết các công ty Đài Loan đang tuân thủ luật pháp.

"Ngành công nghiệp bán dẫn của Đài Loan từ lâu đã phục vụ khách hàng toàn cầu và rất coi trọng việc tuân thủ luật pháp. Ngoài việc tuân thủ luật pháp và quy định trên đảo, chúng tôi cũng sẽ hợp tác với mong muốn của các khách hàng quốc tế và các tiêu chuẩn ở quốc gia của họ. Ngành công nghiệp bán dẫn của Đài Loan dẫn đầu về công nghệ và tiếp tục duy trì lợi thế trong cuộc cạnh tranh về các đơn đặt hàng quốc tế", Cơ quan kinh tế Đài Loan cho hay.

Theo Cơ quan kinh tế Đài Loan, chính quyền đảo tiếp tục duy trì mối liên hệ chặt chẽ với các nhà sản xuất và hỗ trợ họ đầu tư vào việc mở rộng nhà máy, cung cấp sản phẩm cho thế giới để phát triển công nghệ.

TSMC từ chối bình luận về các quy định của Mỹ, nói rằng công ty đang trong giai đoạn trầm lắng trước khi báo cáo thu nhập hàng quý vào tuần tới. United Microelectronics Corp (nhà sản xuất chip lớn thứ hai Đài Loan sau TSMC) cũng từ chối bình luận trước khi công bố thu nhập vào cuối tháng này.

Đài Loan có những lo ngại riêng về Trung Quốc, đặc biệt là nỗ lực của các công ty Trung Quốc nhằm săn lùng tài năng chip và bí quyết kỹ thuật. Chính quyền bà Thái Anh Văn hạn chế nghiêm ngặt việc đầu tư chip từ Đài Loan vào Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của đảo này.

Vương Mỹ Hoa, người đứng đầu Cơ quan kinh tế Đài Loan, sẽ thăm Mỹ vào tuần tới để trả lời điều mà văn phòng của bà gọi là "mối quan ngại" về chuỗi cung ứng và các vấn đề địa chính trị. Bà Vương Mỹ Hoa sẽ đến thăm các hãng công nghệ Mỹ là khách hàng lớn của các công ty bán dẫn Đài Loan.

Bài liên quan
Hãng chip nhớ số 1 Trung Quốc thay CEO trong bối cảnh sợ Mỹ trừng phạt vì quan hệ với Apple
Giám đốc điều hành Yangtze Memory Technologies Co (YMTC), nhà sản xuất chip nhớ lớn nhất Trung Quốc, đã từ chức khi công ty phải đối mặt với áp lực ngày càng lớn trong bối cảnh các lệnh trừng phạt của Mỹ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Đa dạng hóa loại hình và nguồn lực cho đào tạo nhân lực bán dẫn
7 giờ trước Nhịp đập khoa học
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp bán dẫn là "đột phá của đột phá" trong đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Các hãng chip Đài Loan sẽ tuân thủ biện pháp mới mà Mỹ trừng phạt Trung Quốc