Khi V.League và các giải đấu vẫn "án binh bất động" vì dịch COVID-19, nhiều đội bóng bắt đầu giảm lương cầu thủ để bớt gánh nặng kinh tế.
Tính đến thời điểm này, 6/14 đội bóng cho biết đã thực hiện phương án giảm lương cầu thủ. Trong đó, những đội đầu tiên là TP.HCM, Nam Định, Thanh Hoá, gần đây có Sài Gòn FC, Hồng Lĩnh Hà Tĩnh và Quảng Nam.
Nam Định thông báo giảm 25%, Quảng Nam 30%, Sài Gòn 20%, Thanh Hoá và TP.HCM tháng 4 giảm 30% nếu tháng 5 và tháng 6 chưa thể đá lại tiếp tục giảm mức 40, 50%. Riêng tân binh Hồng Lĩnh Hà Tĩnh, cầu thủ nội và cầu thủ ngoại mức lương từ 30 triệu đồng trở lên sẽ giảm 30%; cầu thủ lương từ 20 - 29 triệu đồng giảm 25%, cầu thủ lương dưới 20 triệu giảm 20%. Phương án này chỉ áp dụng từng tháng và sẽ áp dụng từ tháng 4.
Như vậy, tính đến nay đã có 6/14 đội đã đồng ý giảm lương, trong đó 8 đội bóng còn lại vẫn chưa thông báo. Theo vài nguồn tin, những đội bóng còn lại sở dĩ không giảm lương là vì quỹ lương của họ hoặc quá nhiều hoặc quá ít.
Điển hình là CLB Hà Nội tuyên bố giữ lương cầu thủ ít nhất đến tháng 9. Trong khi nhiều đội bóng phải đau đầu nghĩ đến phương án giảm lương để bớt gánh nặng kinh tế thì ĐKVĐ lại khá thoải mái khi quỹ lương còn nhiều. Theo chủ tịch đội bóng này, lương cầu thủ bảo toàn ít nhất đến tháng 9. Nếu lúc đó giải vẫn chưa thể đá lại thì ban giám đốc mới tính đến phương án giảm. Bên cạnh Hà Nội là Viettel cũng có tiềm lực kinh tế mạnh nên chưa tính đến chuyện giảm lương cầu thủ.
Ngoài hai đội Hà thành, HAGL cũng lên tiếng đảm bảo lương cầu thủ. Với đội bóng phố núi, bầu Đức luôn tuyên bố phải lo đủ cho cầu thủ cuộc sống sung túc nên dù dịch bùng phát nhưng đội vẫn tập trung tập luyện bình thường ở Gia Lai.
CLB Bình Dương cũng chưa có chỉ đạo giảm lương đội bóng. Theo lãnh đạo đội, họ chưa tính đến phương án này vì không muốn đời sống của cầu thủ bị ảnh hưởng. Hơn nữa, nếu giải hoãn 1 - 2 tháng mà tính đến giảm lương thì số tiền tiết kiệm được cũng không đáng là bao mà lại khiến anh em tâm tư.
Bên cạnh những đội bóng trên thì có những đội không thể giảm lương vì vốn dĩ lương cầu thủ quá thấp. Điển hình là SLNA. Thời gian gần đây đội bóng xứ Nghệ khó khăn nhiều. Thậm chí sân thi đấu cũng không có tiền để nâng cấp. Đại diện SLNA cho biết ở đội bóng, ban lãnh đạo mặc dù rất khó khăn nhưng không thể giảm lương, cũng không tính đến chuyện giảm vì nếu giảm nữa thì cầu thủ không thể sống nổi. Hiện tại, lương cầu thủ SLNA rất thấp, bình quân chỉ 8 - 10 triệu đồng/tháng. 2/3 số cầu thủ trong đội hưởng mức thấp. Chỉ số ít được hưởng mức cao, mà gọi là cao so với đội chứ cũng không thấm tháp gì so với các đội khác. Ví dụ như Phan Văn Đức được khoảng 20 triệu đồng/tháng.
Đã Nẵng tương tự như SLNA. Đội bóng sông Đà không có mức lương cao nên ban lãnh đạo cũng không thể tính đến chuyện giảm lương. Theo ước tính, lương cầu thủ Đà Nẵng chỉ từ 10 - 20 triệu đồng mỗi tháng. Cầu thủ trẻ U.21 chỉ hơn 2 triệu đồng, khi lên đội 1 được tăng một chút, khoảng 7 - 8 triệu đồng. Tiền đạo Hà Đức Chinh gần đây lương mới tăng lên 25 triệu đồng...
Như vậy, tính thời điểm này đã có gần nửa số CLB giảm lương và cầu thủ đang được xem bị giảm lương nhiều nhất ở Việt Nam không ai khác là tiền đạo Nguyễn Công Phượng. Tại TPHCM, lương của Công Phượng vào khoảng 120 triệu đồng/tháng. Nếu giảm 30% thì anh cũng nhận 80 triệu đồng trong tháng 4 nhưng vẫn là cầu thủ Việt Nam nhận lương cao nhất V-League 2020. Thậm chí, nếu sắp tới đội bóng Sài thành giảm 40-50% thì lương Công Phượng vẫn hơn gấp nhiều lần so với các đồng đội ở tuyển Việt Nam như Hà Đức Chinh, Phan Văn Đức...
Trần Anh