Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần hối thúc các ngân hàng sớm niêm yết cổ phiếu tại các sàn chứng khoán, tuy nhiên, do diễn biến thị trường chưa thuận lợi, cổ phiếu ngành ngân hàng không thu hút được nhà đầu tư nên một số ngân hàng vẫn chưa thể lên sàn.

Hàng loạt ngân hàng lại lỡ hẹn lên sàn

Phan Diệu | 16/04/2016, 10:31

Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần hối thúc các ngân hàng sớm niêm yết cổ phiếu tại các sàn chứng khoán, tuy nhiên, do diễn biến thị trường chưa thuận lợi, cổ phiếu ngành ngân hàng không thu hút được nhà đầu tư nên một số ngân hàng vẫn chưa thể lên sàn.

Cụ thể, ngày 15.4, Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) đã tiến hành tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2016. Trong đại hội này, Nam A Bank tiếp tục xin cổ đông thông qua chủ trương tiếp tục thực hiện niêm yết chứng khoán nhằm nâng cao tính minh bạch của ngân hàng. Tuy nhiên, HĐQT ngân hàng này nói rằng việc niêm yết này sẽ được cân nhắc, bởi diễn biến thị trường hiện tại chưa thuận lợi, cổ phiếu ngành ngân hàng không thu hút được nhà đầu tư.

Chưa kể, việc niêm yết cổ phiếu có thể dẫn tới khó khăn là việc giao dịch cổ phiếu sẽ được thực hiện tại trung tâm lưu ký chứng khoán. Vì vậy, ngân hàng sẽ không cập nhật kịp thời dữ liệu về việc mua bán, sở hữu cổ phần. Không những vậy, trở thành cổ đông lớn của ngân hàng phụ thuộc vào việc công bố thông tin của các cổ đông, dẫn tới không kiểm soát được cơ cấu cổ đông, dễ bị phạt khi cổ đông vi phạm công bố thông tin nên HĐQT quyết định chưa thực hiện niêm yết trong năm 2015.

Thay vì “sốt ruột” việc lên sàn, ông Phan Đình Tân, Chủ tịch HĐQT Nam A Bank nói trong năm 2016, Nam A Bank sẽ tập trung vào việc mở rộng mạng lưới để phát triển.

“Không thể không đầu tư vào hệ thống, cơ sở vật chất, công nghệ, nhân sự... bởi nó phụ thuộc vào tương lai của Nam A Bank. Nếu không đầu tư thì không thể cạnh tranh, thương hiệu không thể có mặt tốt trên thị trường”, ông Tân nói.

Được biết, hết năm 2015, Nam A Bank có một hội sở, 1 công ty trực thuộc, 18 chi nhánh và 40 phòng giao dịch. Năm 2016, ngân hàng này dự định sẽ mở thêm 20 điểm giao dịch, trong có có 5 chi nhánh và 15 phòng giao dịch.

Ngân hàng này cũng lên kế hoạch tăng vốn điều lệ của năm trước lên 4.000 tỉ đồng trong năm 2016. Đồng thời, HĐQT đã thống nhất đề ra kế hoạch 2016 lợi nhuận đạt 300 tỉ, tổng tài sản 40.000 tỉ, huy động vốn 28.500 tỉ, cho vay 25.000 tỉ, tỷ lệ nợ xấu dưới 3%.

Hay tại Techcombank, theo kế hoạch trình cổ đông trong ĐHĐCĐ diễn ra vào ngày 23.4 tới, ngân hàng này dự định sẽ lênsàn chứng khoánnếu lợi nhuận trước thuế hợp nhất trên 3.543 tỉ đồng.

Tại ĐHĐCĐ của VPBank mới diễn ra gần đây, ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT VPBank, cho biết ngân hàng này đang tiến hành các thủ tục để lên sàn theo đúng tiến độ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, thời gian và việc niêm yết như thế nào vẫn đang chờ các hướng dẫn cụ thể của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước.

Đáng chú ý, ngân hàng HDBank từng nhiều lần trình cổ đông kế hoạch lên sàn, thế nhưng đến nay cổ phiếu của ngân hàng vẫn chưa được niêm yết theo như kế hoạch. Bởi lẽ, ngân hàng này đang phải thực hiện kế hoạch sáp nhập với DaiA Bank và mua lại Công ty Tài chính SGVF.

Cũng chung hoàn cảnh, cổ đông của PVcomBank đã nhiều lần đề cập đến việc đưa cổ phiếu niêm yết trên sàn chứng khoán, thế nhưng theo lãnh đạo của ngân hàng này, việc niêm yết như thế nào và thời gian cụ thể còn phải phụ thuộc vào quy định của Nhà nước.

Trước đó, vào hồi đầu năm 2015, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước từng có văn bản số 657/NHNN-TTGSNH yêu cầu các thành phố tiếp tục đôn đốc các ngân hàng thương mại cổ phần đặt trụ sở chính trên địa bàn chưa niêm yết cổ phiếu hoàn thiện kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Theo Ngân hàng Nhà nước, việc niêm yết nhằm nâng cao tính minh bạch trong hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng. Đồng thời, tăng cường kiểm soát và bóc tách dần tình trạng sở hữu chéo.

Tuy nhiên, việc ngân hàng niêm yết cổ phiếu tại các sàn chứng khoán trong bối cảnh hiện nay là khá bất lợi do thị trường còn nhiều khó khăn. Do đó, khả năng thị trường phải đón nhận một làn sóng niêm yết mới vẫn chưa thể kết luận được.

Hiện tại, trên hai sàn chứng khoán chỉ có 9 ngân hàng đang niêm yết cổ phiếu. Cụ thể như Vietcombank, Vietinbank, BIDV,ACB, Eximbank, Sacombank, MBB, SHB và NCB.

Phan Diệu

Bài liên quan
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong phòng ngừa tội phạm cướp ngân hàng
Ngày 21.11, Công an TP.HCM tổ chức Hội nghị sơ kết 1 năm triển khai thực hiện các giải pháp phòng ngừa tội phạm cướp tài sản tại các ngân hàng trên địa bàn TP.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh quản lý nhà nước về thương mại điện tử
một giờ trước Theo dòng thời sự
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 119/CĐ-TTg ngày 25.11.2024 yêu cầu một số bộ liên quan và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hàng loạt ngân hàng lại lỡ hẹn lên sàn