Hàng triệu người ở Thượng Hải đã xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 hàng loạt hôm 7.7 khi chính quyền một số thành phố của Trung Quốc cố gắng dập tắt các đợt bùng phát mới, làm dấy lên lo lắng về tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Hàng triệu người xét nghiệm, Thượng Hải lại cảnh giác cao độ khi Trung Quốc chống đợt dịch mới

Sơn Vân | 07/07/2022, 21:27

Hàng triệu người ở Thượng Hải đã xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 hàng loạt hôm 7.7 khi chính quyền một số thành phố của Trung Quốc cố gắng dập tắt các đợt bùng phát mới, làm dấy lên lo lắng về tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Trừ khi thành công trong việc ngăn chặn vi rút SARS-CoV-2, các quan chức địa phương có thể bị buộc phải đưa ra những hạn chế kéo dài với việc di chuyển của người dân, theo chiến lược dynamic Zero COVID của Trung Quốc.

Vừa dần trở lại cuộc sống bình thường sau 2 tháng phong tỏa nghiêm ngặt, Thượng Hải một lần nữa được đặt trong tình trạng cảnh giác cao độ khi họ chạy đua để cách ly các ca nhiễm SARS-CoV-2 liên quan đến các dịch vụ karaoke đang diễn ra bất hợp pháp.

Thúc giục các cơ sở kinh doanh karaoke tuân thủ các quy tắc COVID-19 và đảm bảo rằng khách hàng trải qua các cuộc xét nghiệm, Qiu Shijia, cư dân Thượng Hải, đã gửi lời nhắn nhủ các chủ quán: "Đừng đẩy đi vận may của bạn".

Qiu Shijia nằm trong số những cư dân mà Reuters đã nói chuyện tại Thượng Hải, thành phố đông dân nhất và là trung tâm tài chính của Trung Quốc, đang sợ bị quay trở lại các hạn chế đã gây ra căng thẳng về tinh thần, khó khăn tài chính cho nhiều người, đồng thời làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và thương mại nước ngoài.

Những đợt bùng phát dịch COVID-19 mới nhất ở Trung Quốc đã ảnh hưởng đến giá trị tài sản toàn cầu trong tuần này.

"Sự hồi sinh của biến thể Omicron không phải là vấn đề ở hầu hết quốc gia khác, nhưng nó vẫn là vấn đề nổi bật của nền kinh tế Trung Quốc", các nhà phân tích của công ty Nomura Holdings (Nhật Bản) viết trong một ghi chú.

Họ nói thêm rằng Trung Quốc là "trung tâm sản xuất lớn nhất thế giới đến nay, nên bất kỳ làn sóng Omicron mới nào đều có thể gây ra tác động không đáng kể".

Cư dân ở nhiều trong số 16 quận của Thượng Hải đã được yêu cầu làm hai bài xét nghiệm COVID-19 bắt buộc từ ngày 5.7 đến 7.7.

Người dân thường làm bài xét nghiệm tự quản để vào trung tâm mua sắm hoặc di chuyển bằng phương tiện giao thông công cộng. Họ cũng phải tham gia xét nghiệm toàn thành phố vào mỗi cuối tuần cho đến cuối tháng 7.2022.

Thượng Hải đã báo cáo 54 ca mắc COVID-19 mới tại địa phương vào ngày 6.7, so với 24 trường hợp vào hôm trước. Chỉ có 2 trong số 54 ca mắc COVID-19 được tìm thấy trong cộng đồng, số còn lại đang bị cách ly.

50 cơ sở và địa điểm khác ở Thượng Hải đã bị phong tỏa hôm 7.7, nâng tổng số lên 81.

Trung Quốc đã ghi nhận 338 ca mắc COVID-19 mới trong cộng đồng vào ngày 6.7, giảm từ 353 trường hợp của ngày hôm trước, con số mà hầu hết quốc gia hiện nay sẽ coi là không đáng kể. Không có ca tử vong do COVID-19 mới ở Trung Quốc. Hầu hết ca mắc COVID-19 mới (167 người) là tại tỉnh An Huy, nơi có hơn 1 triệu người ở các thị trấn nhỏ bị phong tỏa.

Tại thủ đô Bắc Kinh, 4 ca mắc COVID-19 mới đã được ghi nhận, giảm so với 6 ca của ngày hôm trước.

Từ ngày 11.7, hầu hết những người đến các địa điểm đông đúc, chẳng hạn như thư viện, rạp chiếu phim và phòng tập thể dục, sẽ phải tiêm vắc xin COVID-19.

Sau khi phát hiện 1 ca mắc COVID-19 liên quan đến một người đến từ Thượng Hải, thị trấn Tân Cương ở tỉnh Sơn Tây phía bắc Trung Quốc đã xét nghiệm gần như toàn bộ 280.000 dân, đình chỉ taxi, dịch vụ gọi xe và xe buýt, đồng thời đóng cửa nhiều địa điểm giải trí khác nhau.

Tại tỉnh Thiểm Tây, nơi báo cáo 4 ca COVID-19 mới, cơ quan văn hóa và du lịch đã yêu cầu các công ty hủy các chuyến du lịch theo nhóm ở Tây An (thủ phủ tỉnh này), nổi tiếng với Đội quân đất nung.

Tỉnh Giang Tô phía đông Trung Quốc, nơi đã hủy bỏ sự kiện thể thao lớn dự kiến ​​diễn ra vào tháng 11.2021, đã ghi nhận 61 ca mắc COVID-19 mới.

Trung Quốc cho biết chính sách COVID-19 không khoan nhượng của họ, trái ngược với xu hướng sống chung với vi rút SARS-CoV-2 trên toàn cầu, là nhằm cứu sống nhiều người và chấp nhận gánh chịu chi phí kinh tế tạm thời.

Để biện minh cho chiến lược này, các quan chức đã đối chiếu hàng triệu ca tử vong liên quan đến COVID-19 trên khắp thế giới, so với con số thiệt mạng được báo cáo ở Trung Quốc đến nay là 5.226.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo rằng một số chi phí có thể trở thành vĩnh viễn nếu gánh nặng nợ của Trung Quốc gia tăng và nếu các biện pháp hạn chế dẫn đến việc các nhà đầu tư cùng nhân tài xem xét lại sự hiện diện của họ ở nước này.

hang-trieu-nguoi-o-thuong-hai-cho-xet-nghiem.jpg
Nhiều người xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại một địa điểm xét nghiệm axit nucleic ở Thượng Hải ngày 7.7 - Ảnh: Reuters

Trung Quốc đang có kế hoạch thành lập quỹ cơ sở hạ tầng nhà nước trị giá 500 tỉ nhân dân tệ (75 tỉ USD) để vực dậy nền kinh tế, hai người có hiểu biết về vấn đề này nói với Reuters.

Nền kinh tế Trung Quốc đã bắt đầu phục hồi chậm lại sau những cú sốc về nguồn cung gây ra bởi các đợt phong tỏa trên diện rộng, thị trường bất động sản vẫn còn trầm lắng, chi tiêu của người tiêu dùng thấp và lo sợ về bất kỳ làn sóng dịch COVID-19 tái diễn nào.

Các nguồn tin cho biết quỹ dự kiến ​​sẽ được thành lập vào quý 3/2022 mà không cung cấp thêm thông tin chi tiết.

Trung Quốc đã công bố một loạt các biện pháp hỗ trợ kinh tế trong những tuần gần đây, dù các nhà phân tích cho rằng mục tiêu tổng sản phẩm quốc nội (GDP) chính thức khoảng 5,5% cho năm nay sẽ khó đạt được nếu không từ bỏ chiến lược Zero COVID nghiêm ngặt.

Phần lớn sự hỗ trợ cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đến từ chính sách kích thích tài khóa nhằm chống lại tác động từ COVID-19 trong năm nay, với việc ngân hàng trung ương dần dần nới lỏng các điều kiện thanh khoản để giảm chi phí tài chính.

Các nhà chức trách đang tăng gấp đôi việc thúc đẩy cơ sở hạ tầng, xóa sổ chính sách cũ để phục hồi nền kinh tế, cam kết 800 tỉ nhân dân tệ trong hạn ngạch tín dụng mới và 300 tỉ nhân dân tệ trái phiếu tài chính cho các ngân hàng chính sách tài trợ với các dự án lớn.

Người tiêu dùng Trung Quốc đang thắt lưng buộc bụng trong bối cảnh mất việc làm và thu nhập giảm khi các nhà xuất khẩu phải đối mặt với khó khăn từ cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu tiềm ẩn với các ngân hàng trung ương lớn thắt chặt chính sách để chống lại lạm phát tăng cao.

Các nhà phân tích nhận định, cuộc chiến ở Ukraine, chi phí nguyên liệu thô cao và chuỗi cung ứng gặp khó khăn cũng gây ra rủi ro cho triển vọng.

Hiện tại, lạm phát tiêu dùng của Trung Quốc phần lớn đã được kiểm soát, tạo cơ hội cho các nhà chức trách kích thích nền kinh tế, nhưng một số nhà phân tích cảnh báo rằng các yếu tố đẩy chi phí toàn cầu có thể bắt đầu xuất hiện trong giá nội địa vào cuối năm nay.

Chuyển nhiều tiền hơn vào các dự án cơ sở hạ tầng có giá bán cao là động thái khả thi nhất của Trung Quốc, nhưng điều đó có thể không đủ để giải quyết vấn đề này khi chi tiêu bất động sản suy yếu.

Với lợi nhuận từ các dự án truyền thống như đường cao tốc, đường sắt và sân bay hiện thấp hơn nhiều, Trung Quốc đang cố gắng mở rộng cơ sở hạ tầng mới tập trung vào 5G, trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu.

Các nguồn tin nói với Reuters rằng Trung Quốc sẽ cấp hạn ngạch trước năm 2023 cho trái phiếu đặc biệt của chính quyền địa phương trong quý 4/2022, với hạn ngạch mới có thể lớn hơn 1,46 ngàn tỉ nhân dân tệ cho năm 2022.

Quốc vụ viện Trung Quốc đã yêu cầu các chính quyền địa phương đảm bảo 3,45 ngàn tỉ nhân dân tệ phát hành trái phiếu đặc biệt cho cơ sở hạ tầng, một phần của hạn ngạch trái phiếu đặc biệt năm 2022 là 3,65 ngàn tỉ nhân dân tệ, sẽ hoàn thành cuối tháng 6.2022.

Một số cố vấn chính phủ Trung Quốc đã kêu gọi phát hành trái phiếu kho bạc đặc biệt vào cuối năm nay để tài trợ cho các dự án lớn.

Wang Yiming, cố vấn chính sách của ngân hàng trung ương, phát biểu tại một diễn đàn vào cuối tháng 6.2022 rằng Trung Quốc gặp khó khăn lớn trong việc đạt được mục tiêu tăng trưởng và đề xuất nước này nên xem xét tăng thâm hụt ngân sách hoặc phát hành trái phiếu kho bạc đặc biệt.

Theo ông Wang Yiming, để đạt được mục tiêu cả năm, Trung Quốc phải đạt mức tăng trưởng kinh tế 7-8% trong nửa cuối năm 2022, cao hơn 3-4 điểm % so với mức tăng trưởng trong quý 3 và quý 4/2021.

Ông kỳ vọng nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng khoảng 1% trong quý 2/2022 so với cùng kỳ năm ngoái, chậm lại so với tốc độ 4,8% của quý 1/2022.

Trong một báo cáo được công bố hôm 4.2022, các nhà phân tích tại Citi ước tính mức thiếu hụt tài chính khoảng 1-2 ngàn tỉ nhân dân tệ vào năm nay, nhưng cơ hội phát hành trái phiếu đặc biệt có thể giảm khi chính phủ sử dụng nguồn vốn bán tài khóa, chẳng hạn như thông qua các ngân hàng chính sách.

Chúng tôi nghĩ rằng TPCP đặc biệt (trái phiếu chính phủ Trung Quốc) vẫn còn trên bàn nhưng cơ hội đã giảm”, họ nói.

Bài liên quan
Cuộc sống 'bình thường mới' ở Thượng Hải với xét nghiệm COVID-19 vô tận, nỗi lo kết quả hết hạn
Việc phong tỏa kéo dài 2 tháng đã kết thúc nhưng xét nghiệm COVID-19 vẫn tiếp tục diễn ra ở Thượng Hải.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hàng triệu người xét nghiệm, Thượng Hải lại cảnh giác cao độ khi Trung Quốc chống đợt dịch mới