Triều Tiên, một trong những quốc gia bí ẩn nhất thế giới, nổi tiếng về khả năng đào-xây cơ sở quân sự ngầm. Triều Tiên đã xây nhiều cơ sở này để có một ưu thế thời chiến, từ đường hầm dưới khu giới tuyến phi quân sự (DMZ) để có thể chuyển hàng ngàn quân trong một giờ, cho đến pháo đài ngầm bảo vệ lãnh đạo chế độ.

Hệ thống địa đạo quân sự kỳ ảo của Triều Tiên

08/11/2017, 07:18

Triều Tiên, một trong những quốc gia bí ẩn nhất thế giới, nổi tiếng về khả năng đào-xây cơ sở quân sự ngầm. Triều Tiên đã xây nhiều cơ sở này để có một ưu thế thời chiến, từ đường hầm dưới khu giới tuyến phi quân sự (DMZ) để có thể chuyển hàng ngàn quân trong một giờ, cho đến pháo đài ngầm bảo vệ lãnh đạo chế độ.

Một đoạn địa đạo của Triều Tiên bị Mỹ phát hiện - Ảnh: Bộ binh Mỹ

Địa đạo đào đến tận giữa thủ đô Hàn Quốc

Một ví dụ sớm nhất về khả năng đào địa đạo của Triều Tiên, là sự phát hiện nhiều địa đạo dẫn từ Triều Tiên xuống dưới khu DMZ để qua Hàn Quốc.

Địa đạo đầu tiên bị phát hiện dài 1km ở phía nam khu DMZ ngăn cách hai miền Triều-Hàn này. Nó đủ lớn để tối đa 2.000 quân di chuyển dưới DMZ trong 1 giờ. Và khi điều tra địa đạo này, một sĩ quan hải quân Mỹ, cùng một binh nhì thủy quân lục chiến Hàn Quốc chết vì bị sập bẫy.

Đến năm 1978, nhờ một người trốn khỏi Triều Tiên chỉ điểm, lại thêm một địa đạo lớn hơn nữa được phát hiện.

Kể từ đó, ít nhất 4 địa đạo khác bị phát hiện, có tường bê-tông, cài đặt điện, đèn và máy cấp không khí, cùng tuyến đường sắt để chở bùn đất và đá ra cổng địa đạo.

Tổng cộng 4 địa đạo này có thể giúp một lữ đoàn quân Triều Tiên di chuyển, ngay dưới tuyến phòng thủ của Hàn Quốc.

Không thể biết Triều Tiên có bao nhiêu địa đạo. Một báo cáo nói nhà lập quốc Kim Nhật Thành từng chỉ đạo: mỗi trong 10 sư đoàn quân biên phòng phải đào 2 địa đạo. Nếu hoàn tất thì về lý thuyết, Triều Tiên có hàng chục địa đạo chưa bị lộ.

Cựu tướng Hàn Quốc Han Sung-chu nói có ít nhất 84 địa đạo, gồm vài địa đạo được đào xa tới tận khu trung tâm thủ đô Seoul của Hàn Quốc.

Nhưng chính phủ Hàn Quốc không tin số liệu do tướng Han cung cấp, và dĩ nhiên bác bỏ thông tin quân Triều Tiên có thể chui lên giữa trung tâm thủ đô.

Nhưng vệ tinh không thể chụp ảnh một địa đạo dài khoảng 64km ở dưới khối đất đá nặng ước tính 700.000 tấn.

Bất chấp những cảnh báo, việc phát hiện địa đạo lớn lần đây nhất là vào năm 1990, đã khiến Hàn Quốc xem ra tin tưởng mối nguy hiểm từ địa đạo đã trôi qua.

Căn cứ ngầm cho không quân, hải quân

Nếu mối nguy này trôi qua, có thể vì Triều Tiên đã quyết đào hầm theo những cách khác. Không quân KPA được cho là đã có 3 căn cứ không quân ngầm ở các vùng Wonsan, Jangjin và Onchun.

Căn cứ ngầm ở Wonsan được cho là có đường băng dài 1.798 mét, rộng 28 mét và chạy xuyên một ngọn núi.

Theo một người từng sống ở Triều Tiên, khi có chiến tranh, chiến đấu cơ MiG-29 và máy bay cường kích Su-25 “Chân ếch” sẽ cất cánh từ các căn cứ không quân qui ước, nhưng trở về căn cứ ngầm. Lời giải thích này hợp lý, khi căn cứ không quân KPA có thể bị san bằng nhanh chóng trong thời chiến.

Một hướng phát triển hầm ngầm khác, là hàng loạt pháo đài chứa quân gần khu DMZ. Một người trốn khỏi Triều Tiên tiết lộ: từ năm 2004, Triều Tiên bắt đầu xây pháo đài có thể chứa từ 1.500 đến 2.000 quân được vũ trang đầy đủ tại khu vực này.

Triều Tiên đã xây ít nhất 800 pháo đài ngầm, không chỉ nhằm ngụy trang, mà còn để giấu các đơn vị quân, như các lữ đoàn bộ binh hạng nhẹ, và cho họ nghỉ ngơi cho đến khi bắt đầu một cuộc xâm lược.

Các cơ sở ngầm khác được cho là xây làm nơi trú ẩn của giới lãnh đạo. Theo một tờ báo quân đội Hàn Quốc, Mỹ cho rằng có từ 6.000 đến 8.000 cơ sở ngầm trú ẩn cấp cao trên toàn Triều Tiên.

Thông tin này thu thập từ những người trốn khỏi Triều Tiên, nhằm truy lùng những quan chức lãnh đạo, nếu xảy ra chiến tranh hoặc chính phủ Triều Tiên sụp đổ.

Triều Tiên được cho là có hàng trăm hang động giấu các ổ pháo ở phía bắc khu DMZ. Chúng thường là những đường hầm đào vào sườn núi. Một họng pháo như đại bác Koksan 170 li hoặc dàn phóng nhiều rocket 240 li có thể nã đạn từ cửa hang, sau đó sâu vào núi để an toàn và tái nạp đạn.

Theo nhà nghiên cứu Mizokami, vào năm 1986 có ước tính Triều Tiên sở hữu từ 200 đến 500 ổ pháo có tầm bắn tới tận thủ đô Seoul.

Theo một báo cáo của Viện Nautilus, Triều Tiên còn được cho là có “những trạm radar đặt trên thang máy trong núi, có thể nâng lên cao như kính viễn vọng của tàu ngầm. Và các căn cứ tàu ngầm, tàu tuần tra mang tên lửa nằm trong hầm đào vào vách đá, những đường hầm dài 1km để chứa xe cộ, hàng hậu cần, hoặc làm nơi trú ẩn của người dân của một thành phố lân cận”.

Mỹ đau đầu nghĩ cách xử lý căn cứ ngầm của Triều Tiên

Vậy Mỹ-Hàn xử lý các cơ sở ngầm này thế nào, nếu xảy ra chiến tranh với Triều Tiên?

Trước tiên, họ phải xác định vị trí của các cơ sở đó. Rất khó phát hiện chúng bằng vệ tinh, nên cách tốt nhất là trong thời bình, cần thu thập thông tin từ những người trốn khỏi Triều Tiên, để biết rõ về chúng.

Khi xảy ra chiến tranh, tín hiệu tình báo sẽ bắt sóng radio từ các cơ sở ngầm trước đây chưa bị phát hiện, quân địch sẽ tiến ra từ vị trí ẩn nấp hoặc cổng đường hầm, và radar chống pháo sẽ xác định vị trí của những ổ pháo trong hang động.

Một khi đã xác định được vị trí, có 3 cách xử lý những địa điểm ngầm. Cách thứ nhất an toàn nhất: trút bom xuyên thủng xuống để phá hầm sâu.

Cách này giảm nguy hiểm cho quân đồng minh, nhưng cũng khiến khó xác minh những đợt không kích hoặc pháo kích có đạt hiệu quả hay không.

Việc dùng bom xuyên thủng khiến quân đồng minh khó tiến vào hầm để tìm thông tin tình báo có thể chứa bên trong.

Cách thứ hai là cắm quân bên ngoài đường hầm, bắn chết bất kỳ quân địch nào bước ra. Đây cũng là biện pháp an toàn, nhưng sẽ phải rải nhiều quân ở nhiều cửa thoát để chờ bắn địch. Vì nhà lập quốc Kim Nhật Thành từng chỉ đạo: mỗi đường hầm phải có 4, 5 cửa thoát.

Cách thứ ba là quân đồng minh xông vào các hầm ngầm, để tiêu diệt những ổ kháng cự cuối cùng, nhưng cũng là cách nguy hiểm nhất.

Vĩnh Thụy (theo National Interest)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
7 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hệ thống địa đạo quân sự kỳ ảo của Triều Tiên