Lý do Hiệp hội Taxi Hà Nội phản đối bỏ trần khuyến mại là lo sợ một doanh nghiệp có thể khuyến mãi kéo dài trong suốt cả năm, giảm giá liên tục nhằm mục tiêu phá giá, thao túng thị trường, tiêu diệt các đối thủ cạnh tranh...

Hiệp hội Taxi Hà Nội phản đối bỏ trần khuyến mại vì... sợ Uber, Grab

tuyetnhung | 26/07/2017, 15:08

Lý do Hiệp hội Taxi Hà Nội phản đối bỏ trần khuyến mại là lo sợ một doanh nghiệp có thể khuyến mãi kéo dài trong suốt cả năm, giảm giá liên tục nhằm mục tiêu phá giá, thao túng thị trường, tiêu diệt các đối thủ cạnh tranh...

Bộ Tài chínhđang lấy ý kiến về việc xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 37/2006/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại.

Đáng lưu ý, trong dự thảo, quy định về tổng thời gian thực hiện chương trình khuyến mại, giảm giá đối với một nhãn hiệu hàng hoá, dịch vụ không được quá 90 ngày trong một năm và 1 chương trình khuyến mại, giảm giá không vượt quá 45 ngày, có thể được loại bỏ.

Điều này hiện gây lo ngại đối với cộng đồng taxi truyền thống vì khả năng mất thế cạnh tranh sẽ ngày càng cao. Theo đó, trong một văn bản gửi các bộ ngành liên quan mới đây về về dự thảo này, Hiệp hội Taxi Hà Nội đã thẳng thắn phản đối việc loại bỏ quy định bỏ trần khuyến mạivì cho rằng một doanh nghiệp có thể khuyến mãi kéo dài trong suốt cả năm, giảm giá liên tục nhằm mục tiêu phá giá, thao túng thị trường, tiêu diệt các đối thủ cạnh tranh, chiếm thế độc quyền và gây bất ổn cho nền kinh tế.

Hiệp hội Taxi Hà Nội dẫn chứng vào ngày 7.6 vừa qua, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đã có văn bản số 1091 gửi Công ty TNHH GrabTaxi, trong đó nêu ra 9 chương trình khuyến mại, giảm giá trong số hàng chục chương trình của Grab kéo dài liên tục trong nhiều năm, nhiều chương trình tặng khách hàng 100% giá trị dịch vụ (đi miễn phí) và đề nghị Grab giải trình có hay không các chương trình này.

Bên cạnh đó, Cục Xúc tiến thương mại cũng yêu cầu Grab cung cấp tên chương trình, thời gian thực hiện, dịch vụ khuyến mại, hàng hoá dịch vụ khuyến mại, đối tượng hưởng khuyến mại, thể lệ chương trình và gửi lại cho Cục Xúc tiến thương mại trước ngày 15.6. Tuy nhiên, đến nay Grab vẫn không có văn bản trả lời.

Thông qua sự việc này, Hiệp hội cho biết: "Vấn đề đảm bảo cạnh tranh lành mạnh là một trong những mục tiêu được Chính phủ đề ra trong chỉ đạo về việc thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ trong hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng. Vì vậy việc đánh giá việc xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung cho Nghị định số 37 là vô cùng quan trọng, mang tính sống còn với doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt với doanh nghiệp vừa và nhỏ".

Ngoài ra, cũng để đảm bảo cạnh tranh bình đẳng, Hiệp hội cho rằng các doanh nghiệp FDI có dịch vụ xuyên biên giới như Grab, Uber khi thành lập doanh nghiệp có vốn điều lệ rất thấp, như Grab Việt Nam mất 20 tỉ đồng, Uber mất 4,12 tỉ đồng.

Trong khi đó, mỗi năm họ dành hàng trăm tỉ đồng cho quảng cáo thì pháp luật có quy định điều này không? Và điều này có là lý do để các doanh nghiệp này lách các khoản thuế sẽ phải nộp không?

Về vấn đề quản lý xe hợp đồng điện tử, cụ thể là các hãng Uber và Grab, TS Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng trước hết các nhà quản lý cần thừa nhận những tính năng ưu việt của xe hợp đồng điện tử là mang lại lợi ích cho hành khách (chia sẻ tiền cước) và môi trường (ít xe lưu thông hơn).

Xuất phát từ lợi ích của người tiêu dùng, lợi ích công cộng và lợi ích môi trường thì các nhà quản lý cần hướng thị trường phát triển theo hướng đó. Cụ thể là nên hỗ trợ các công ty taxi truyền thống, nội địa, phát triển các công nghệ tương tự để bảo vệ vị trí và thương hiệu của mình. Không nên tư duy theo chiều ngược lại, tức là bắt loại hình xe hợp đồng phải chịu điều tiết hay quản lý theo kiểu taxi truyền thống.

Còn về vấn đề thuế thu được từ Uber và Grab ít hơn so với taxi truyền thống, TS Thành nhìn nhận đây là điều các nhà quản lý cần phải thận trọng, vì khi so sánh cần so sánh quy mô tương đương về số xe vận hành.

Thêm vào đó, nếu số thuế thu được ít hơn, nhưng lợi ích cho người tiêu dùng lại lớn hơn rất nhiều, chưa kể phần tiết kiệm từ chi phí bảo vệ môi trường, thì từ góc độ của người quản lý, cần cân nhắc tổng thể chứ không thể chỉ dựa vào một tiêu chí thu ngân sách.

"Nếu điều này giúp cho xã hội tốt hơn, nguồn thu có thể được nuôi dưỡng nhờ những hệ quả tích cực đến từ các lĩnh vực hưởng lợi khác của nền kinh tế", TS Thành cho hay.

Tuyết Nhung
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy
3 giờ trước Theo dòng thời sự
Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết cán bộ đảng viên và nhân dân, trong đó có cả các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều đồng thuận ủng hộ mạnh mẽ và mong muốn tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hiệp hội Taxi Hà Nội phản đối bỏ trần khuyến mại vì... sợ Uber, Grab