Bao phủ bởi cái bóng quá lớn của môn bóng chày, bóng đá Nhật Bản nửa đầu thế kỷ 20 không phát triển và bị một “chú lùn” tại châu Á. Bắt đầu từ giữa thập kỷ 1960, người Nhật dần thay đổi, chịu đầu tư hơn cho môn “thể thao vua”. Giải bóng đá VĐQG của Nhật Bản chính thức được ra đời vào năm 1965, tiền đề mở ra mở ra kỷ nguyên J-League.
Hồ sơ bóng đá Nhật: Từ sơ khai cho đến đỉnh cao châu Á (kỳ 1)
Người Nhật là một dân tộc giàu ý chí và đầy kiêu hãnh. Dù bóng đá không được ưa chuộng nhưng người Nhật cũng nhìn nhận thực tế rằng đây là môn thể thao được yêu thích nhất thế giới nên không thể để ĐTQG cứ yếu kém mãi nhất là khi nước Nhật đã hồi phục hoàn toàn sau chiến tranh và bắt đầu vươn lên. Thập kỷ 1960 cũng là quãng thời gian chứng kiến nhiều thay đổi trong xã hội cũng như bóng đá Nhật Bản.
Năm 1965, giải VĐQG Nhật Bản được chính thức ra đời với tên gọi là Japan Soccer League (JSL) để thay cho 2 giải AJWFC và AJICFC. Giải bao gồm 8 CLB thuộc các công ty công nghiệp lớn như Toyo Industries, Yawata Steel, Furukawa Electric, Hitachi, Mitsubishi Motor, Yanmar Diesel… Những công ty này bỏ tiền thuê các cầu thủ giỏi từ nhiều nơi về đá và luyện tập hằng ngày thay cho kiểu cầu thủ “cây nhà lá vườn”. Chất lượng bóng đá Nhật vì thế được nâng lên một tầm mức khác.
Cúp Hoàng đế danh giá không còn là nơi bị độc chiếm bởi các trường đại học nữa khi các CLB của công ty cũng tham gia. Với chế độ tốt, tập luyện chuyên cần nên chỉ sau một thời gian ngắn các CLB của công ty đã áp đảo các CLB thuộc trường Đại học.
Tiền đạo Kamamoto (số 10) ghi bàn vào lưới Argentina ở Olympic Tokyo 1964. Kamamoto là ngôi sao lớn nhất của bóng đá Nhật Bản thập kỷ 1960 và cùng ĐT Nhật Bản giành HCĐ Olympic Mexico 1968. |
Dù vậy, về bản chất thì JSL giai đoạn 1965-1972 vẫn là giải đấu còn mang tính nghiệp dư bởi đa phần cầu thủ hằng ngày làm việc cho công ty vào buổi sáng, tập luyện vào buổi chiều, cuối tuần thì thi đấu. Người Nhật dần quan tâm hơn về bóng đá nhưng số người vào sân xem các trận JSL vẫn không lấp đầy được các SVĐ, tương phản hẳn với các trận đấu bóng chày.
Khán giả chính là hạn chế sự phát triển đột phá của bóng đá Nhật dù về tài chính các công ty, tập đoàn dư sức nuôi đội bóng.
Từ “Tia chớp vàng” Yasuhiko Okudera
Bất chấp trở ngại, Nhật Bản đã có thành quả đầu tiên từ JSL-1 là những cầu thủ giỏi đã xuất hiện và được giới thiệu ra nước ngoài thi đấu.
Yasuhiko Okudera trong màu áo FC Koln mùa 1977-1978. |
Yashuhiko Okudera đã mang lại danh tiếng cho bóng đá Nhật Bản nhưng JSL-1 còn là giải bán chuyên nghiệp và vẫn thuộc quyền điều hành, tổ chức của LĐBĐ Nhật Bản (JFA). Những năm 1980, JSL-1 thuê nhiều hơn cầu thủ ngoại (hầu hết từ Brazil) về thi đấu ở JSL-1 để học hỏi chất kỹ thuật, sự khéo léo mà người Nhật cho rằng phù hợp với tố chất của họ.
Tồn tại được 27 mùa giải (1965-1992), Japan Soccer League vinh danh Toyo Industries và Yomiuri S.C với 5 lần vô địch, Mitsubishi Motor (4 lần), Yanmar Diesel (4 lần) là những CLB giàu thành tích nhất.
Dù đạt được những bước tiến lớn nhưng bóng đá Nhật vẫn chưa thể sánh được với Hàn Quốc, Bắc Triều Tiên, UAE, Iran, Saudi Arabia… nên việc cạnh tranh vé vào VCK World Cup – khát khao lớn nhất của bóng đá xứ Phù Tang còn xa tầm với.
Thời kỳ JSL-1 cần được khép lại!
“Kiến trúc sư” Saburo Kawabuchi và quyết định mang tính cách mạng
Yashuhiko Okudera trong màu áo Bremen đối đấu với Dortmund ở Bundesliga. |
Một điều khích lệ cho J-League trước ngày ra đời là năm 1992, ĐTQG Nhật Bản lần đầu tiên đăng quang ngôi vô địch châu Á khi hạ Saudi Arabia 1-0 tại SVĐ Hiroshima ở trận chung kết Asian Cup.
Từng lăn lộn với bóng đá Nhật và là một chuyên gia kinh tế từng tốt nghiệp Đại học Wasabe, ông Saburo Kawabuchi đã chỉ ra một điểm yếu “chí tử” khiến bóng đá Nhật khó thu hút được công chúng.
Đó là bởi các CLB hầu hết đều thuộc sở hữu của công ty công nghiệp, ngân hàng-tài chính “đặc sệt” chất doanh nghiệp nhưng thiếu tính cộng đồng, địa phương. Dù CLB được đảm bảo về tài chính thì nó lại không thu hút được khán giả, người dân nói chung nên cứ chịu cảnh lép vế trước bóng chày.
Nhận ra điều này, ông Saburo Kawabuchi đưa qua một thay đổi lớn là quy định các đội bóng ở JSL khi tham dự J-League phải đổi tên để từ nay về sau phải gắn liền với địa phương nơi họ đại diện chứ không phải là đội bóng “rặt” công ty như thời JSL.
Ông Saburo Kawabuchi - kiến trúc sư của J-League, giữ chức Chủ tịch J-League thời gian 1993-2002 và Chủ tịch JFA 2002-2008 |
Ông Kawabuchi đã phải vận động, thuyết phục đến 3-4 năm cho ý tưởng “vô tiền khoáng hậu” trong lịch sử bóng đá nhà nghề thế giới.
Song, người Nhật quả không hổ danh là dân tộc tự cường bậc nhất thế giới khi hàng loạt công ty, tập đoàn đã chấp nhận vì cái chung với quyết tâm tạo ra bước ngoặc cho bóng đá xứ Phù Tang. Vậy là chỉ sau một thời gian, gần như tất cả các CLB ở Nhật đều phải lột bỏ hết cái tên đã quen thuộc hàng thập kỷ để mang một cái tên mới “lạ hoắc”!
Gỡ bỏ tên cũ, tức là không còn nhận được sự hẫu thuẫn tài chính dồi dào từ công ty nữa thì các CLB đều được cho phép, khuyến khích tìm kiếm nhiều nhà tài trợ, quảng cáo để tạo nguồn thu. Cứ để ý rất dễ thấy từ xưa đến nay các áo đấu của CLB của J-League vẫn “nổi tiếng” diêm dúa vì in chi chít tên nhà tài trợ thay vì chỉ 1-2 nhà tài trợ như các CLB ở châu Âu.
Hàng loạt quy định khác để dự J-League, các CLB phải thực hiện hàng loạt điều kiện về tài chính, hợp đồng chuyên nghiệp với cầu thủ, HLV; cơ sở vật chất, sân bãi, đào tạo trẻ… thì mới được cấp phép. Công ty tổ chức Giải bóng đá nhà nghề Nhật Bản (Japan Professional Football League) thành lập để tổ chức hai giải chuyên J-League 1 và J-League 2. Ông Kawabuchi đảm nhiệm chức chủ tịch của J-League. Từ 12 CLB ở JSL-1 mùa 1992 thì chỉ có 10 CLB đầu tiên đủ điều kiện tham dự J-League 1993
Cơ hội chia đều cho những ai có tham vọng
Câu chuyện thú vị nhất tại J-League về sau được nhắc nhiều là trường hợp là của CLB Sumitomo. Đây là một đội bóng nhỏ đã giành chức vô địch của giải hạng Hai (JSL-2) mùa 1986-87. Đại diện của CLB này đã rụt rè tiếp cận ông Kawabuchi vào năm 1992 với hi vọng được xem xét để tham dự J-League mùa giải đầu tiên. Câu trả lời mà họ nhận được là: "99,9999 % là không thể." Ông Masaru Suzuki - chủ tịch CLB bóng đá Sumitomo hồi đó vẫn tự tin phát biểu rằng: "Điều này có nghĩa là chúng tôi vẫn còn 0,0001 % cơ hội phải không?"
Sau này, CLB Sumitomo đã làm được điều mình mong muốn. Họ còn xây dựng SVĐ dành riêng cho bóng đá đầu tiên ở Nhật Bản. Giờ đây, cả châu Á đều được biết đến với cái tên Kashima Antlers – một trong những CLB thành công nhất trong kỷ nguyên J-League.
Đó là câu chuyện sau này, còn khi J-League mới khai sinh thì hai đội bóng Verdy Kawasaki và Yokohama Marinos mới là những thế lực lớn nhất. Verdy Kawasaki trước đó là Yomiuri S.C, nhà vô địch của JSL-1 ở 2 mùa cuối cùng 1990-1991, 1991-1992 và vô địch Cúp C1 châu Á 1988; còn Yokohama Marinos là CLB Nissan Motor – đội bóng từng 2 lần vô địch JSL-1 vào năm 1988-1989, 1989-1990.
Yokohama Marinos vs Verdy Kawasaki - trận cầu lịch sử khai mạc J-League 1993. Cầu thủđội trưởng áo xanh Verdy Kawasaki là tiền đạo lừng danh Kazu Miura |
Đọc diễn văn khai mạc, Chủ tịch J-League – ông Saburo Kawabuchi xúc động: "Được sự ủng hộ của rất nhiều người dân Nhật Bản yêu mến bóng đá, J-League – đã đi bước đầu tiên trên con đường biến giấc mơ trở thành hiện thực".
Chiến thắng trận mở màn thuộc về chủ nhà Yokohama Marinos với tỉ số 2-1. Nhưng điều quan trọng hơn cả là cảm xúc vui sướng của các CĐV có mặt trên sân cùng với hàng triệu người theo dõi trận đấu trên truyền hình mơ về tương lai sáng lại của bóng đá Nhật. Rất nhiều người nán lại SVĐ sau tiếng còi mãn cuộc để tận hưởng khoảnh khắc ấy.
Đó là buổi tối ngày 15.5.1993 ở SVĐ Olympic Tokyo, trận mở màn J-League kết thúc nhưng với bóng đá Nhật Bản lúc đó mới thực sự bắt đầu.
Đăng Khoa