Người xem bất ngờ với bộ tác phẩm “Về tổ” của họa sĩ Vũ Trung Tần trong triển lãm “Đam mê” tại trụ sở Hội Mỹ thuật TP.HCM.

Họa sĩ Vũ Trung Tần thăng hoa với bộ tác phẩm "Về tổ"

Tiểu Vũ - Hòa Bình | 28/02/2022, 17:40

Người xem bất ngờ với bộ tác phẩm “Về tổ” của họa sĩ Vũ Trung Tần trong triển lãm “Đam mê” tại trụ sở Hội Mỹ thuật TP.HCM.

Bộ gốm men Về tổ gồm 6 tác phẩm có kích thước rất lớn (95 x 45 x 310cm). Từ những hình ảnh họa tiết cách điệu trên trống đồng Đông Sơn, 6 con chim lạc được họa sĩ Vũ Trung Tần sáng tác trở thành những hiện vật sống động, độc đáo, đầy sức thu hút.

“Bầy chim, các loài vật, hay con người cũng vậy, sau mỗi ngày kiếm sống sẽ là khoảng thời gian “về tổ”. Chim có tổ, người có tông, ai cũng có một chốn để trở về”, họa sĩ chia sẻ.

6.-hoa-si-vu-trung-tan-ben-tac-pham-chim-me-bo-tac-pham-gom-men-_ve-to_.jpg
Họa sĩ Vũ Trung Tần bên tác phẩm Chim mẹ - Ảnh: T.V

Vì sao bộ tác phẩm lại là chim mẹ và 5 con chim con? Họa sĩ cho biết, theo quan niệm phương Đông thì số 5 là trung tâm, con số linh thiêng của đất trời, cũng đại diện cho 5 yếu tố ngũ hành. Hoặc theo một cách nhìn khác, thì cho dù có “tung cánh” đi năm châu bốn bể, cuối cùng cũng vẫn có lúc tìm về nguồn cội của mình.

Bàn về số 5, có ý kiến cho rằng có lẽ họa sĩ còn muốn gửi gắm vào trong đó yếu tố tâm linh, theo quan niệm phương Đông cho rằng số lẻ là số dương, tính động, ẩn chứa sự phát triển, số chẵn là số âm, có độ tĩnh, ổn định. Năm con chim con đại diện cho sự phát triển, đi lên, không dừng lại; còn nếu cộng cả chim mẹ thì sẽ thành 6 là số lộc, đồng thời cũng mang ý nghĩa tình cảm bền chặt, thắm thiết, ổn định, không thể chia lìa.

Chim mẹ được họa sĩ Vũ Trung Tần sáng tác mang 5 bầu sữa để nuôi lớn các con, có đôi mắt sáng được dát vàng như biểu tượng đợi chờ các con trở về, được đặt trên một hình tượng ngôi nhà Việt cổ, như cái tổ yên ấm của những vùng văn hóa lúa nước thân thuộc.

10.-ban-be-hoa-si-den-chia-vui-voi-hoa-si-vu-trung-tan-tai-trien-lam-_dam-me_.jpg
Bạn bè giới hội họa đến chung vui với họa sĩ Vũ Trung Tần tại triển lãm

Tác phẩm gốm men được họa sĩ Vũ Trung Tần chọn để sáng tác bộ tác phẩm Về tổ là loại chất liệu rất gần gũi với người Việt. “Ngay đến chén bát chúng ta ăn hằng ngày cũng bắt nguồn từ đất” - họa sĩ nói. Đồng thời, đất là thổ, cũng nằm ở trung cung, màu mỡ, nuôi dưỡng đồng thời nhẫn nhịn, chịu đựng, bao dung, ẩn chứa cả thế giới.

“Con người, muông thú đều đạp lên đất mà đi. Cây cối cũng mọc trên đất. Những khe nước nguồn cũng bắt đầu từ đất. Đất ôm tất cả, nuôi dưỡng thế giới. Người mẹ cũng thế, vừa mang nặng đẻ đau vừa nuôi dưỡng đàn con khôn lớn trưởng thành, hy sinh vì con tất cả để những đứa con có thể “bay lên”, thăng hoa, vùng vẫy ở bốn phương trời”, họa sĩ nhấn mạnh.

Nhưng chất liệu này cũng mang lại không ít thách thức trong quá trình sáng tác. “Ban đầu khi mới làm, tác phẩm có kích thước quá lớn, đặc biệt là với cách tôi lựa chọn tiến hành làm tác phẩm trên cả một khối đất rất lớn, rút tỉa từng phần như tác phẩm điêu khắc, chứ không đắp trên một trụ có sẵn”, anh kể.

Theo Vũ Trung Tần, "tôi quyết định chọn màu men đỏ cổ, nhưng để có thể tạo nên được tác phẩm sau khi nung lên hết được màu men có ánh kim như thế này không dễ. Cũng nhiều họa sĩ đã bị thất bại khi tác phẩm ra lò không lên được đúng màu men như tính toán. Hoặc khi ra lò, tác phẩm có thể bị bể, bị rạn, làm hỏng mất ý đồ nghệ thuật. Lò nung phải lớn, nhiệt độ nung lên tới trên 1.000 đến 1.300 độ C. Vì cá nhân không thể có được lò nung lớn để có thể nung được các tác phẩm cỡ lớn như thế này, nên tôi phải tham gia các trại sáng tác được đặt ở những công ty lớn mới có điều kiện hoàn thành tác phẩm. Bộ 6 tác phẩm đều rất nặng, phải hai đến ba người mới khênh được. Di chuyển tác phẩm gốm ở công đoạn nào cũng khó, lúc chưa nung cũng phải hết sức bảo vệ để tác phẩm được toàn vẹn. Nung xong rồi, di chuyển cũng cần hết sức thận trọng”.

9.-tac-pham-gom-cua-vu-trung-tan-le-dang-xoi-gom-men-55x55x62-2021-.jpg
 Tác phẩm gốm Lễ xôi của Vũ Trung Tần

Họa sĩ Vũ Trung Tần kể, mỗi khi tham gia trại sáng tác, anh đều phải di chuyển hàng trăm cây số từ nhà đến trại và trở về nhà. Một đợt trại sáng tác kéo dài khoảng 10 ngày, nghĩa là họa sĩ phải đi lại hàng ngàn cây số để hoàn thành phần đất thô của bộ tác phẩm gốm. Đợi khoảng hai tuần để đất khô, còn hơi dẻo một chút thì họa sĩ có 1 tuần tiếp theo để làm men, sau khi để từ 2 tuần đến một tháng tiếp theo cho khô, bộ tác phẩm sẽ được đưa vào lò nung. Vì muốn chăm chút cho “đàn con” tinh thần của mình được hoàn hảo, Vũ Trung Tần không ngại đi hàng ngàn cây số, không chỉ là lao động cực nhọc suốt quãng thời gian sáng tác, mà sau đó còn là quá trình đưa “đàn con” đi triển lãm. “Mỗi lần di chuyển là một lần chịu cực, nhưng rất vui”, họa sĩ hào hứng chia sẻ.

Sáng tác khi làn sóng đại dịch COVID-19 bắt đầu xuất hiện những ca nhiễm đầu tiên trên thế giới (năm 2019) và hoàn thành năm 2020 trong bối cảnh người Việt khắp nơi cùng nhau hối hả quay về, họa sĩ Vũ Trung Tần gửi thông điệp đầy tình yêu thương đến người Việt trên toàn thế giới, những người sinh ra và lớn lên ở nơi “quê hương là chùm khế ngọt” qua tác phẩm gốm men Về tổ, chào đón những người trở về quê hương nguồn cội.

Bài liên quan
Triển lãm mỹ thuật: "Theo đuổi những điều phiền toái"
Triển lãm “Theo đuổi những điều phiền toái” của nữ họa sĩ có cái tên rất lạ ng. anhanh sẽ diễn ra tại TP.HCM vào ngày 9.12.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy
3 giờ trước Theo dòng thời sự
Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết cán bộ đảng viên và nhân dân, trong đó có cả các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều đồng thuận ủng hộ mạnh mẽ và mong muốn tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Họa sĩ Vũ Trung Tần thăng hoa với bộ tác phẩm "Về tổ"