Nghệ sĩ hài Hoài Linh hiện đang vướng vào vụ lùm xùm tiền từ thiện, nhưng chúng ta hãy thử nhìn Linh ở một thời điểm khác để có thêm thông tin về một nghệ sĩ.
Nếu dịp về thôn Hà Tân, xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam rồi đi theo con đường làng từ Cấm Thị về Ba Bến, người ta sẽ thấy một ngôi nhà thờ họ thuộc loại to nhất nhì ở vùng quê nghèo này. Đó chính là nhà thờ tộc do nghệ sĩ Hoài Linh bỏ tiền túi xây từ hơn 15 năm về trước.
Để có được ngôi nhà thờ bề thế như vậy là câu chuyện khá dài. Người dân địa phương ở đây cho biết khu đất ngôi nhà thờ tọa lạc hiện nay chính là miếng đất của họ ngoại Hoài Linh. Trước đó do khó khăn nên mẹ anh bán đi miếng đất ông ngoại để lại lấy tiền mưu sinh. Sau này Hoài Linh làm ăn khá giả, anh về lại thôn Hà Tân, bằng mọi giá đã chuộc lại vuông đất của ngoại rồi xây lên một ngôi nhà thờ họ để thờ phụng ông bà tổ tiên, đền đáp ơn nghĩa sinh thành.
Về Hà Tân, mỗi khi nhắc đến Hoài Linh, người dân ở đây tỏ ra vô cùng tự hào vì thôn xóm có một người nghệ sĩ nổi tiếng trong và ngoài nước. Với họ, Hoài Linh không chỉ là một nghệ sĩ mà là người con của làng quê với tính cách gần gũi giản dị và hiếu thảo ít ai sánh bằng.
Nói theo khẩu ngữ Quảng Nam, Hoài Linh là người "sinh ra từ gốc rạ", dù anh đi đâu về đâu thì tính cách Quảng vẫn khó có thể phai mờ. Chặng đường đi lên trở thành danh hài nổi tiếng là một quá trình phấn đấu không ngừng nghỉ anh. Ngoài năng khiếu bẩm sinh phần còn lại là niềm đam mê nghệ thuật ăn sâu vào trong máu cùng sự kiên trì bền bỉ chưa bao giờ dừng lại.
Thời điểm Hoài Linh còn ở đỉnh cao và sung sức, show diễn trong và ngoài nước gần như kín nhưng anh vẫn dành thời gian về thăm quê mỗi năm ít nhất 2 - 3 lần. Những chuyến về quê của Hoài Linh thường lặng lẽ rất ít người biết.
“Quê nhà tôi là cả một khúc ruột miền Trung thân yêu, tôi sinh ra và lớn lên ở đó rồi mới đi tha phương cầu thực, nhưng dù ở đâu thì quê nhà vẫn mãi mãi trong tim tôi. Có lần vừa diễn xong ở Đà Nẵng, tôi cải trang để chạy về thăm lại Điện Bàn, Đại Lộc. Tôi thích đi dọc sông Thu Bồn hay sông Hàn để nghe gió hát. Ngồi ở chợ Hội An ăn một đĩa cơm gà, ghé Cầu Mống ăn chút bò tái, đi Đà Nẵng làm một tô bún cá, vô Quế Sơn ăn bát mì Quảng… đời còn gì hạnh phúc và sung sướng bằng”, Hoài Linh tâm sự.
Hoài Linh đi lên từ khó khăn, vất vả, tuổi thơ của Hoài Linh gắn liền với hình ảnh tảo tần của những người phụ nữ xứ Quảng. Đó là là bà nội, bà ngoại, và mẹ anh. Năng khiếu nghệ thuật của Hoài Linh cũng được tích tụ di truyền từ người mẹ, bà Lệ Phương - một cây văn nghệ quần chúng của xã Đại Lãnh thời bà còn trẻ. Chính môi trường tình cảm sâu nặng của những người thân yêu này đã hình thành nên một danh hài Hoài Linh giản dị và nghĩa tình.
Trong các tiểu phẩm của Hoài Linh, chúng ta vẫn thường thấy một ông nông dân nói tiếng Quảng đặc sệt, khó tính, hay cãi lý sự, nhưng cuối cùng bao dung vị tha, sẵn sàng chấp nhận phần thiệt về mình để mang niềm vui hạnh phúc cho con cái. Hình ảnh nhân vật cũng chính là một phần ký ức của anh về những con người nơi quê xứ, cũng chính là tính cách đặc trưng của người Quảng.
Nguồn cội cũng ảnh hưởng sâu đậm đến phong cách biểu diễn nghệ thuật của anh. Tiếng cười mà Hoài Linh mang tới cho khán giả là cách diễn giản dị, tự nhiên, những tình huống, những câu thoại ngoài đời thực gần như được Hoài Linh "trích nguyên văn" đưa lên sân khấu khiến cho khán giả ai cũng thấy "có một chút mình trong đó".
Hoài Linh cùng gia đình rời Quảng Nam lưu lạc vào lập nghiệp ở Cam Ranh (Khánh Hòa). Sau 1975, thời cuộc thay đổi, nhà cửa của gia đình anh ở đây cũng bị mất. Đến khoảng năm 1982 cả nhà Hoài Linh rời Khánh Hòa chuyển vào sinh sống ở Dầu Giây, Long Khánh (Đồng Nai). Năm 1988, gia đình anh trở về Cam Ranh để lo thủ tục xin lại căn nhà bị tịch thu trước đó. Năm 1993 Hoài Linh cùng gia đình sang Mỹ định cư.
Với nhiều đóng góp cho nghệ thuật trong nước, năm 2016 Hoài Linh được nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú. Anh là nghệ sĩ hải ngoại đầu tiên được phong tặng danh hiệu này.
Năm 2021 Hoài Linh rơi vào cuộc khủng hoảng truyền thông chưa từng có trong cuộc đời. Vụ việc liên quan đến số tiền từ thiện giúp đồng bào miền Trung khắc phục hậu quả lũ lụt do anh đứng ra kêu gọi từ tháng 11.2020. Đến giữa tháng 5.2021 thì công chúng phát hiện số tiền hơn 13 tỉ đồng vẫn còn nguyên trong tài khoản của Hoài Linh.
Trước những thắc mắc của dư luận, ngày 24.5, Hoài Linh đã chính thức lên tiếng giải thích lý do chậm trễ đưa số tiền đó đến với đồng bào miền Trung và gửi lời xin lỗi đến công chúng.
Việc lên tiếng khá muộn màng của Hoài Linh đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận khiến cho sự việc ngày càng thêm phức tạp.
Theo các chuyên gia truyền thông, nghệ sĩ Hoài Linh là người xuất sắc trên sân khấu, tuy nhiên anh là người thiếu kinh nghiệm trong quan hệ công chúng khi có sự cố xảy ra.
Một chi tiết rất ít người biết là Hoài Linh xưa nay không hề có đội ngũ làm truyền thông chuyên nghiệp như các nghệ sĩ đồng nghiệp khác. Sau khi sự cố xảy ra, việc xử lý của những người làm truyền thông cho anh (nếu có) trở nên rất lúng túng và mắc nhiều sai lầm nghiêm trọng, như tung ra những thông tin không đúng thời điểm gây hiểu lầm và tạo ra những phản ứng tiêu cực trong dư luận.
Khủng hoảng truyền thông của Hoài Linh như một đám cháy mà ở đó, mọi câu chuyện, mọi tình tiết mới đều trở thành nguyên liệu tiếp thêm cho đám cháy đó bùng phát dữ dội. Tiêu biểu là việc đưa ra giấy chứng nhận nhưng ghi sai cả tháng lẫn năm.
Thông tin đưa ra càng nhiều thì Hoài Linh tiếp tục hứng chịu nhiều chỉ trích của dư luận. Hình ảnh Hoài Linh xây dựng 30 năm có nguy cơ sụp đổ trong lòng công chúng.
Con người ai cũng có thể mắc sai lầm, Hoài Linh cũng không là ngoại lệ. Sai lầm của anh rất khó để cho công chúng bỏ qua được. Thế nhưng nếu nhìn ngược về quá khứ, điểm lại những gì anh đã cống hiến cho nghệ thuật, cho quê hương, nhiều người yêu mến anh vẫn tin rằng sâu thẳm trong tâm hồn Hoài Linh vẫn còn chan chứa những điều thiện lương.
Người hâm mộ Hoài Linh tin rằng trong những ngày tới, Hoài Linh sẽ có những động thái khắc phục sai lầm đã gây ra bằng những việc làm thành tâm ý nghĩa và thiết thực.
Sáng 1.6, ông Lê Đức Thịnh, Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị xác nhận vào chiều 31.5, đại diện của nghệ sĩ Hoài Linh đã đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) huyện trao số tiền 1,4 tỉ đồng để giúp đỡ đồng bào lũ lụt tại địa phương. Cũng theo ông Thịnh, số tiền này là để xây dựng trường mầm non Hải Phong kết hợp công trình ứng phó lũ lụt. Được biết xã Hải Phong, huyện Hải Lăng là địa phương thấp trũng, ngập lụt nặng nề trong năm 2020.
Cũng trong ngày 31.5, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Trị đã tổ chức tiếp nhận ủng hộ của các nhà hảo tâm, khán giả và nghệ sĩ Hoài Linh ủng hộ người dân bị ảnh hưởng lũ lụt tỉnh Quảng Trị. Ông Đào Mạnh Hùng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam của tỉnh tiếp nhận ủng hộ từ phía Hoài Linh là 1 tỉ đồng cho người dân thuộc hộ nghèo, cận nghèo bị ảnh hưởng nặng nề do lũ lụt tỉnh Quảng Trị trong năm 2020.
Xem video Hoài Linh với những người đồng hương xứ Quảng: