Sách Lịch sử thế giới cận đại và hiện đại của Trung Quốc có cả hình tòa WTC chìm trong khói lửa và viết rằng: “Không một cường quốc nào có thể một mình thống trị thế giới”.
Với mục đích tìm hiểu vụ khủng bố được giảng dạy như thế nào, The New York Times xem xét ở khía cạnh sách giáo khoa và tiếp xúc với nhiều nhà giáo dục trên thế giới. Báo còn muốn nghe thêm tiếng nói trực tiếp từ thế hệ trẻ nên đã thực hiện cuộc phỏng vấn các học sinh đến từ 12 quốc gia.
Học sinh trả lời phỏng vấn có quan điểm khác nhau về chủ nghĩa khủng bố, Hồi giáo, chiến tranh, sức mạnh Mỹ. Tuy nhiên tất cả đều mong được hiểu biết sâu hơn nữa.
Dạy về vụ khủng bố tại trường học
Không phải trường học nào cũng dạy về vụ khủng bố 11.9 và cách tiếp cận của trường học, phương pháp giảng dạy lại rất khác nhau.
The New York Times hợp tác cùng nhà nghiên cứu chính trị Biz Herman thuộc đại học California thu thập 850 sách giáo khoa từ 90 quốc gia. Họ phát hiện Iran, Venezuela, Ai Cập, Syria và Mozambique nằm trong số ít quốc gia không đưa vụ khủng bố 11.9 vào giáo trình trung học.
Tại nhiều thành phố của Mỹ, giảng dạy về vụ khủng bố 11.9 mang tính cá nhân. Giáo viên yêu cầu học sinh hỏi chính gia đình mình về những gì xảy ra.
Một số nước "lái" vụ việc theo hướng khác. Sách giáo khoa tại Anh mô tả vụ khủng bố 11.9 trong phần “Các nhóm khủng bố đang hoạt động”, nhưng trong đây lại nói cả cách chính quyền nước này xử lý nhóm vũ trang Irish Republican Army theo chủ nghĩa ly khai. Sách giáo khoa tại Tây Ban Nha, Pháp, Nga nói về vụ khủng bố 11.9 cùng với nhiều vụ tấn công khủng bố nhắm vào công dân của họ.
Học sinh Hàn Quốc, Ấn Độ lại được dạy rằng hành động tấn công tòa Trung tâm Thương mại thế giới (WTC) là hậu quả của toàn cầu hóa. Một quyển sách giáo khoa tại Pakistan mô tả vụ khủng bố khiến gần 3.000 người thiệt mạng là “sự cố”, đồng thời đề cập đến rủi ro do bá quyền Mỹ đem lại.
Sách Lịch sử thế giới cận đại và hiện đại của Trung Quốc có cả hình tòa WTC chìm trong khói lửa và viết rằng: “Không một cường quốc nào có thể một mình thống trị thế giới”.
Lần đầu biết về vụ khủng bố 11.9
Nhiều người sinh sau ngày 11.9.2001 biết về vụ khủng bố qua phim tài liệu, tình cờ xem trên Youtube hay nghe thấy một lời bình luận tình cờ khiến họ muốn tìm hiểu thêm.
Không ít học sinh mà The New York Times phỏng vấn cho biết bản thân lần đầu nghe đến vụ khủng bố 11.9 một cách gián tiếp, chẳng hạn như nghe người lớn nói chuyện. Lúc hỏi thì họ sẽ được cung cấp thông tin cơ bản như khủng bố cướp máy bay rồi đâm vào tòa WTC, số người thiệt mạng.
Hình ảnh đem lại ấn tượng sâu sắc hơn. Học sinh trung học Noémi Grette sống tại Bordeaux (Pháp) chia sẻ: “Khi nhìn thấy ảnh bạn sẽ nghĩ: Làm sao điều này có thể xảy ra chứ?”.
Nhưng hình ảnh và phim không thể giải đáp mọi điều. Học sinh lớp 10 người Venezuela Ariadna Clareth Sánchez Rojas thắc mắc: “Tại sao Taliban (Rojas lầm lẫn giữa Taliban và Al-Qaeda) lại dễ dàng cướp được 4 chiếc máy bay Mỹ?”.
Tác động của vụ khủng bố 11.9 đến thế giới
Khi yêu cầu đánh giá tác động của vụ khủng bố đến thế giới, thế hệ sinh sau ngày kinh hoàng đó thường chỉ ra những gì họ thấy: hàng dài người xếp hàng chờ kiểm tra an ninh tại sân bay, loạt cột bê tông phía trước nhiều quảng trường ngăn xe tải chạy vào.
Học sinh 18 tuổi Faisal Rehman cho biết, hành động đưa quân vào Afghanistan của Mỹ khiến Taliban chạy sang khu vực biên giới phía Pakistan, buộc gia đình em phải dời đến Karachi. Mujtaba Ali al-Saadi sống ở Baghdad (Iraq) bảo rằng nếu không có vụ khủng bố 11.9, Saddam Hussein (cố Tổng thống Iraq) sẽ còn nắm quyền.
Cũng theo al-Saadi, việc thay đổi giúp chấm dứt chế độ độc tài nhưng lại làm khủng bố phát triển tại Iraq. Cha của al-Saadi bị bắn chết năm 2005 lúc em mới chập chững biết đi.
Đối với Dorea Nengese – học sinh vừa tốt nghiệp một trường trung học tại Anh nơi con em nhiều gia đình di cư từ các quốc gia Trung Đông như Afghanistan hay Iran, vụ khủng bố 11.9 sẽ luôn được nhớ đến như “tia lửa” làm bùng lên thành kiến chống Hồi giáo.