Hội nghị thượng đỉnh với sự góp mặt của hầu hết các nhà lãnh đạo quyền lực nhất toàn cầu này được xem là một cơ hội hoàn hảo để cùng vạch ra một hướng đi cho nền kinh tế thế giới vốn đang rơi vào trì trệ và ảm đạm. Nhưng thay vì đoàn kết và hợp tác, các quốc gia tại hội nghị G20 lại đang có xu hướng quay sang chỉ trích lẫn nhau.

Hội nghị G20 tại Trung Quốc đã trở thành 'đại hội đấu tố'

Nhàn Đàm | 06/09/2016, 05:10

Hội nghị thượng đỉnh với sự góp mặt của hầu hết các nhà lãnh đạo quyền lực nhất toàn cầu này được xem là một cơ hội hoàn hảo để cùng vạch ra một hướng đi cho nền kinh tế thế giới vốn đang rơi vào trì trệ và ảm đạm. Nhưng thay vì đoàn kết và hợp tác, các quốc gia tại hội nghị G20 lại đang có xu hướng quay sang chỉ trích lẫn nhau.

Sự kiện quan trọng nhất và được chú ý nhất trong nền kinh tế thế giới những ngày này là hội nghị thượng đỉnh nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra tại Hàng Châu, Trung Quốc. Hội nghị thượng đỉnh này không chỉ quy tụ các nhà lãnh đạo cao nhất của 19 nền kinh tế hàng đầu thế giới và lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU), mà nó còn có sự tham gia của lãnh đạo các tổ chức chính trị và kinh tế hàng đầu thế giới khác như chủ tịch ASEAN, chủ tịch liên đoàn châu Phi, Ngân hàng thế giới (WB) và Qũy tiền tệ quốc tế (IMF),…

Nói cách khác, hội nghị thượng đỉnh với sự góp mặt của hầu hết các nhà lãnh đạo quyền lực nhất toàn cầu này được xem là một cơ hội hoàn hảo để các nền kinh tế đoàn kết, cùng vạch ra một hướng đi cho nền kinh tế thế giới vốn đang rơi vào trì trệ và ảm đạm. Nhưng, tất cả đã đảo lộn hoàn toàn, khi thay vì đoàn kết và hợp tác, các quốc gia tại hội nghị G20 lại đang có xu hướng quay sang chỉ trích lẫn nhau.

Chủ đề chính thức của hội nghị thượng đỉnh G20 lần này là “Xây dựng kinh tế thế giới sáng tạo, năng động, liên kết và bao dung”, nhưng có vẻ như tinh thần chung đó lại không được thể hiện trong những gì diễn ra tại hội nghị ở Hàng Châu lần này. Những sự cố và rắc rối của hội nghị thượng đỉnh G20 lần này thậm chí diễn ra từ trước khi phiên khai mạc chính thức bắt đầu, khi một sự cố đã xảy ra với phái đoàn của tổng thống Mỹ Barack Obama ở sân bay Hàng Châu.

Một số quan chức Trung Quốc đã có hành vi khiếm nhã và hách dịch với những nhân viên Nhà Trắng tháp tùng ông Obama ở sân bay, thậm chí cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Susan Rice cũng là nạn nhân của sự cố này, và phải đến khi mật vụ Mỹ can thiệp thì mọi chuyện mới được giải quyết. Việc các quan chức Trung Quốc tỏ ra hách dịch ngay cả với những nhân vật cấp cao của phái đoàn Mỹ được cho là xuất phát từ việc tổng thống Obama giờ đây đã không còn có vị thế như trước, khi chỉ vài tháng nữa là ông sẽ hết nhiệm kỳ.

Nói cách khác, Trung Quốc cảm thấy không cần e ngại trước một vị tổng thống vịt què (thuật ngữ để chỉ các tổng thống Mỹ sắp hết nhiệm kỳ). Điều tương tự có lẽ cũng xảy ra đối với các nền kinh tế lớn khác sẽ bước vào cuộc bầu cử vào năm sau như Đức hay Pháp. Sự sút giảm vị thế của các nhà lãnh đạo hàng đầu do bầu cử như Mỹ, Đức, Pháp, hoặc vì mới lên nhậm chức như Anh là lý do khiến nhiều nhà phân tích nhận định rằng hội nghị thượng đỉnh G20 lần này sẽ không đạt được nhiều hiệu quả trên thực tế. Sẽ không ai bàn bạc những vấn đề quan trọng và có ảnh hưởng lâu dài với những nhà lãnh đạo có thể sắp phải rời nhiệm sở.

Và thực tế đã diễn ra đúng như vậy. Thay vì tập trung thảo luận vào các vấn đề kinh tế toàn cầu, thì các quốc gia tham dự hội nghị G20 lần này lại có xu hướng quay sang chỉ trích lẫn nhau. Là nước chủ nhà, thậm chí gây ra sự cố đối với phái đoàn Mỹ tại sân bay, Trung Quốc không có gì phải e ngại khi chỉ trích các nền kinh tế lớn khác đang có xích mích với nước này.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công khai phê phán Úcvì nước này đã từ chối bán cổ phần mạng lưới điện Ausgrid trị giá 7,7 tỉ USD cho một công ty Trung Quốc cách đây ít tuần, đồng thời cũng chỉ trích chính phủ Anh vì đã ngưng dự án điện hạt nhân Hinkley Point trị giá 24 tỉ USD (trong đó Trung Quốc góp 1/3 số vốn) một cách vô cớ. Theo quan điểm của chính phủ Trung Quốc tại hội nghị, thì các hành động trên được xem như những động thái mang tính bảo hộ thương mại và cần bị lên án.

Ở chiều hướng ngược lại, những lời chỉ trích Trung Quốc cũng không phải là ít. Chủ tịch ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker tuyên bố Trung Quốc nên tìm cách giải quyết vấn đề dư thừa công suất trong các ngành công nghiệp của mình thay vì đẩy sản phẩm dư thừa sang thị trường châu Âu mà các mặt hàng thép là điển hình. Nhật Bản và Mỹ thì công kích việc Trung Quốc can thiệp vào tỷ giá đồng nhân dân tệ, gây ra những tác động không nhỏ đối với lĩnh vực xuất khẩu trên toàn cầu, và nhất là việc Trung Quốc chưa có những động thái đóng góp cho nền kinh tế toàn cầu tương xứng với vị trí nền kinh tế số hai thế giới của mình.

Nhật Bản và Anh cũng là hai nền kinh tế nhận được nhiều sự chú ý tại hội nghị thượng đỉnh G20 lần này, liên quan đến cuộc chiến chống giảm phát và Brexit. Một mặt, các nhà lãnh đạo Nhật Bản khẳng định sự cần thiết và tầm quan trọng của các chính sách nới lỏng tiền tệ đối với sự tăng trưởng kinh tế nước này, mặt khác lại chỉ trích Anh về những hệ quả mà Brexit gây ra đối với những tập đoàn và doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động tại châu Âu.

Hiện các tập đoàn và công ty Nhật tại châu Âu phần lớn có trụ sở ở London, và đang tạo ra khoảng 400.000 việc làm; Brexit đang khiến cho các công ty Nhật phân vân về nơi đặt trụ sở mới và cơ hội tiếp cận thị trường của cả châu Âu lục địa lẫn của Anh. Trong khi đó, thủ tướng Anh Theresa May có lẽ là người phải chịu nhiều sức ép lớn nhất tại hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay, khi vị tân thủ tướng Anh không chỉ phải tìm cách xoa dịu Trung Quốc vì sự cố nhà máy điện hạt nhân Hinkley, nối lại các kênh đàm phán về kinh tế-thương mại với các nhà lãnh đạo EU, mà còn phải trấn an lãnh đạo các nền kinh tế lớn khác về những hậu quả kinh tế-thương mại do Brexit gây ra.

Dù đạt được một số kết quả nhất định với thông cáo chung vào cuối hội nghị, trong đó các nước đồng thuận rằng có thể sử dụng tất cả các biện pháp cần thiết (bao gồm cải cách tiền tệ, tài khóa và cơ cấu kinh tế) để đạt được tăng trưởng bền vững, thì một thực tế là hội nghị thượng đỉnh ở Hàng Châu lần này đã kết thúc mà không đạt được thỏa thuận chung đáng kể nào.

Đã không có một thỏa thuận chung có ý nghĩa nào trong việc vực dậy nền kinh tế thế giới mang tính đột phá, thay vào đó hội nghị G20 lần này lại có xu hướng trở thành nơi để các nền kinh tế lớn cãi vã với nhau nhiều hơn, vì những vấn đề mang tính cá nhân của mình hơn là vì các vấn đề mang tính toàn cầu.

Nhàn Đàm (theo Reuters)
Bài liên quan
Chủ tịch nước gặp Thủ tướng Nhật Bản nhân dịp tham dự Hội nghị Cấp cao APEC 2024
Sáng 16.11 (giờ địa phương), nhân dịp dự Tuần lễ cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2024 tại Lima (Peru), Chủ tịch nước Lương Cường đã có cuộc gặp Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
2 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hội nghị G20 tại Trung Quốc đã trở thành 'đại hội đấu tố'