Nếu như giá trị gia tăng trong lĩnh vực dịch vụ đạt mức 1.400 USD/người, trong công nghiệp là 2.220 USD/người, thì trong nông nghiệp lại chỉ chưa đầy 400 USD/người, còn thấp hơn cả Lào và Campuchia.

Hội nhập kinh tế: Nền nông nghiệp “chân dép lốp lên tàu vũ trụ”

Một Thế Giới | 06/01/2016, 09:51

Nếu như giá trị gia tăng trong lĩnh vực dịch vụ đạt mức 1.400 USD/người, trong công nghiệp là 2.220 USD/người, thì trong nông nghiệp lại chỉ chưa đầy 400 USD/người, còn thấp hơn cả Lào và Campuchia.

Năm mới 2016 vừa sang được đánh giá là thời điểm bản lề để nền kinh tế Việt Nam hội nhập toàn diện với nền kinh tế khu vực và thế giới, thông qua hàng loạt các hiệp định thương mại lớn như TPP, AEC hay các FTA.
Nền kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ gặp nhiều sức ép và sẽ phải tái định hình mạnh mẽ trong giai đoạn này. Tuy nhiên, nếu có một lĩnh vực phải chịu nhiều sức ép nhất, trong khi lại thiếu sức bật nội tại trong nền kinh tế Việt Nam hiện tại, thì đó hẳn phải là nông nghiệp.
Nếu như các lĩnh vực chủ chốt khác như công nghiệp hay dịch vụ đã dần định hình trong vài năm trở lại đây, thì nông nghiệp Việt Nam hiện vẫn đang trong trình trạng mất phương hướng. Đã đến lúc đặt ra một giải pháp tổng thể để cơ cấu nền nông nghiệp Việt Nam, trước thời điểm hội nhập toàn diện đã gần kề.
1. Những vấn đề trọng tâm của nền nông nghiệp Việt Nam
Nếu nhìn vào những con số thống kê về thành quả vĩ mô của nông nghiệp với nền kinh tế và tăng trưởng của đất nước, thì mọi chuyện có vẻ như không có vấn đề gì. Nông nghiệp vẫn đang chiếm khoảng 20% tổng giá trị của GDP đất nước, một con số khá lớn. Xuất khẩu nông sản vẫn được xem là một mũi nhọn của kinh tế Việt Nam khi trong hầu hết các hiệp định thương mại tự do (FTA) với các nền kinh tế lớn khác, thì Chính phủ đều chấp nhận mở cửa các lĩnh vực khác để đổi lấy cơ hội gia tăng xuất khẩu cho hàng nông sản Việt Nam.
Cùng với xuất khẩu công nghiệp, xuất khẩu nông sản và lâm thủy hải sản đang được xem là ba mũi nhọn mà kinh tế Việt Nam sẽ đặt trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế trong tương lai. Chẳng hạn như trong năm 2014, nông sản Việt Nam xuất siêu được hơn 9 tỉ USD, còn tổng giá trị xuất khẩu của các ngành nông lâm thủy sản thì đạt tới gần 31 tỉ USD, chiếm gần 30% tổng giá trị xuất khẩu của cả nước.
Nhưng tất cả những số liệu có vẻ ấn tượng trên sẽ khác đi rất nhiều nếu chúng ta nhìn vào thực chất nền nông nghiệp ở thời điểm hiện tại. Cả nước hiện có khoảng 9 triệu ha phục vụ cho nông nghiệp, nếu tính cả quỹ đất dành cho lâm nghiệp thì lên tới 20 triệu ha. Hiện vẫn có khoảng gần 70% dân số Việt Nam vẫn sống ở khu vực nông thôn, và 47% lực lượng lao động của cả nước là phục vụ trong lĩnh vực nông nghiệp, cao hơn rất nhiều so với sản xuất công nghiệp và dịch vụ, nhưng nông nghiệp lại chỉ chiếm chưa đến 20% tỷ trọng nền kinh tế của cả nước.
Năng suất lao động và giá trị gia tăng trong lĩnh vực nông nghiệp là thấp nhất trong các lĩnh vực chủ đạo của nền kinh tế. So với năng suất lao động trong sản xuất và dịch vụ, năng suất lao động trong nông nghiệp chỉ bằng 1/3. Theo thống kê, đến cuối năm 2011, nếu như giá trị gia tăng trong lĩnh vực dịch vụ đạt mức 1.400 USD/người, trong công nghiệp là 2.220 USD/người, thì trong nông nghiệp lại chỉ chưa đầy 400 USD/người, còn thấp hơn cả Lào và Campuchia (phát biểu của ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Chính sách Nông nghiệp, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn trên Nhịp cầu đầu tư năm 2013).

Không quá khó khăn để nhận ra những vấn đề trầm trọng của hàng nông sản xuất khẩu Việt Nam tại các thị trường trên thế giới. Đa phần nông sản Việt Nam vẫn trong tình trạng xuất khẩu thô, chiếm giá trị gia tăng rất thấp, cùng với đó là thiếu thương hiệu dẫn đến tình trạng 80% hàng nông sản Việt Nam phải xuất khẩu dưới thương hiệu nước ngoài.
Ngoài ra, nông lâm sản Việt Nam nhập khẩu vào các thị trường lớn như Mỹ, EU hay Nhật Bản thường xuyên bị trả về do không đạt tiêu chuẩn chất lượng. Sự thiếu ổn định về chất lượng dẫn đến sự bấp bênh trong việc tìm đầu ra thường xuyên cho sản phẩm nông nghiệp, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và phát triển nông nghiệp. Tình trạng người nông dân bỏ ruộng ngày càng tăng lên, do chi phí đầu vào để sản xuất quá cao, trong khi thành phẩm lại có giá thành không tương xứng.
2. Những nguyên nhân chủ đạo
Lý do quan trọng nhất dẫn đến tình trạng không được sáng sủa lắm của nền nông nghiệp hiện tại là việc thiếu vắng một chiến lược phát triển nông nghiệp hợp lý và hiệu quả. Trên thực tế, mô hình phát triển nông nghiệp của Việt Nam hiện nay đã quá cũ kỹ: Về tổ chức, nó vẫn rập khuôn theo mô hình hợp tác xã (HTX) của Liên Xô hay Trung Quốc thời bao cấp, vai trò của các HTX trong việc thúc đẩy phát triển nông nghiệp tại các địa phương là không đáng kể. 
Đa phần các hộ nông dân vẫn canh tác trong các thửa ruộng chật hẹp và manh mún một cách tự phát, không có sự thống nhất về các tiêu chuẩn lao động hiện đại. Trình độ canh tác cũng khá lạc hậu và gần như ít có sự tác động của cơ khí và công nghiệp hóa. Nó dẫn đến việc năng suất lao động thấp, nông sản làm ra không đáp ứng được tiêu chuẩn và đòi hỏi khắt khe của các thị trường quốc tế.
Một vấn đề khác của việc thiếu một chiến lược phát triển nông nghiệp hiệu quả là việc tích tụ ruộng đất quy mô lớn, vốn là tiền đề căn bản của việc sản xuất nông nghiệp hiện đại có năng suất và chất lượng cao, vẫn chưa được tạo điều kiện hoạt động. Đây vẫn được xem là hệ quả của việc áp dụng chiến lược phát triển nông nghiệp chưa phù hợp trong quá khứ. Không thể tích tụ đất đai quy mô lớn để tiến hành sản xuất nông nghiệp, sẽ gần như không thể cải thiện được tình trạng sản xuất nông nghiệp manh mún như hiện nay.
Đó là chưa kể cũng không thể thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Có lẽ đó là lý do vì sao một ngành chiếm tới 18,2% GDP như nông nghiệp lại chỉ có khoảng 1% số doanh nghiệp trên cả nước đầu tư vào lĩnh vực này. Ở thời điểm hiện tại chỉ có khoảng 3.500 doanh nghiệp đang hoạt động trong nông nghiệp, với quy mô tương đối nhỏ lẻ, và gần như không thể giúp cải thiện những vấn đề của nền nông nghiệp hiện tại.
Có thể thấy, với tình trạng hiện tại, nền nông nghiệp Việt Nam đang mang nhiều biểu hiện của nền canh tác nhỏ lẻ, manh mún và lạc hậu của giai đoạn thế kỷ trước, hơn là những dấu hiệu của một nền nông nghiệp hiện đại. Từ cách tổ chức hệ thống quản lý và phát triển nông nghiệp, cho đến chiến lược phát triển nông nghiệp, Việt Nam đang chọn một hướng đi hoàn toàn khác với thế giới trong những năm qua. Và khi đã nhận ra đã đến lúc cần phải cải tổ và thay đổi mô hình phát triển nông nghiệp này, khi mà thời điểm hội nhập toàn diện đã ở gần kề và không thể trì hoãn thêm nữa, thì điều cần thiết là phải thay đổi những yếu tố căn bản của mô hình phát triển nông nghiệp cũ đã trở nên lạc hậu.
Có nhiều dấu hiệu cho thấy mô hình phát triển nông nghiệp cũ dựa trên “Khoán 10” với mô hình canh tác nhỏ lẻ và tự phát đã đi đến giới hạn phát triển cuối cùng của nó. Điển hình nhất là tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GDP) của nông nghiệp đang ngày càng giảm dần, từ mức bình quân 4,5% giai đoạn 1995-2000 xuống còn 3,8% giai đoạn 2000-2005 và chỉ còn 3,4% giai đoạn 2006-2012. Các vấn đề bất cập thì ngày càng bức bách hơn, điển hình nhất là chênh lệch về chi phí đầu vào và đầu ra trong sản xuất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, giá cả đầu vào như phân bón, nhân công thì ngày càng tăng trong khi giá bán ra chỉ tăng lên rất ít do chất lượng không thay đổi.
Một số thống kê tại các vùng nông thôn lân cận Hà Nội cho thấy mỗi sào lúa chỉ lãi được 50.000đ-80.000đ, dẫn đến tình trạng nông dân bỏ ruộng ngày càng nhiều. Và khi mà hiện tượng nông dân bỏ ruộng ngày càng tăng lên, thì vấn đề đã không chỉ còn là "bệnh ngoài da" nữa, mà nằm ngay trong những vấn đề trọng tâm nhất của mô hình phát triển nông nghiệp. Đã đến lúc, nền nông nghiệp Việt Nam cần một mô hình phát triển nông nghiệp mới.
(còn tiếp)
Nhàn Đàm (bài viết có sử dụng một số thông tin từ Tạp chí Tài chính, Nongnghiep)
Bài liên quan
Huyện Trần Văn Thời (Cà Mau): Kinh tế phát triển, nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch
Năm 2024, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của huyện Trần Văn Thời tiếp tục đạt nhiều kết quả khả quan, nhiều chỉ tiêu quan trọng đạt và vượt tiến độ so với kế hoạch.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
4 giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hội nhập kinh tế: Nền nông nghiệp “chân dép lốp lên tàu vũ trụ”