Từ đầu năm 2024 đến nay, TP.HCM phát hiện 201 ca sốt phát ban nghi sởi, trong đó 116 ca xét nghiệm dương tính với vi rút sởi và đã có 3 trường hợp tử vong.
Thông tin Y học

Hơn 100 ca mắc và 3 trường hợp tử vong do sởi, TP.HCM kêu gọi đưa trẻ đi tiêm ngừa

Hồ Quang 12/08/2024 15:50

Từ đầu năm 2024 đến nay, TP.HCM phát hiện 201 ca sốt phát ban nghi sởi, trong đó 116 ca xét nghiệm dương tính với vi rút sởi và đã có 3 trường hợp tử vong.

Theo thống kê của Viện Pasteur TP.HCM, đến hết ngày 28.7, toàn khu vực phía Nam có 1.147 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó có 481 ca xét nghiệm dương tính với vi rút sởi. Như vậy, số ca sốt phát ban nghi sởi tăng gấp 5,5 lần so với cùng kỳ năm 2023.

hon-100-ca-duong-tinh-va-3-ca-tu-vong-o-soi-tphcm-keu-goi-gia-dinh-dua-tre-tiem-ngua-hinh-anh.png
Trẻ mắc bệnh sởi khám và điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM - Ảnh: PV

Tính đến ngày 4.8, tại các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM đã có 505 ca sốt phát ban nghi sởi, trong đó có 262 ca xét nghiệm dương tính với vi rút sởi; hơn 50% là các ca bệnh ở tỉnh, thành khác đến khám và điều trị tại TP.

Chỉ tính riêng các trường hợp có địa chỉ tại TP.HCM, có 201 ca sốt phát ban nghi sởi, trong đó 116 ca xét nghiệm dương tính. Trong khi đó, từ năm 2021 đến năm 2023, cả TP chỉ có 1 ca dương tính với vi rút bệnh sởi.

Theo Sở Y tế, hiện toàn TP.HCM có 48 phường, xã thuộc 14 quận, huyện có ca bệnh sởi xác định; 8 quận huyện có từ 2 phường, xã trở lên có ca bệnh. Trong 116 ca xác định dương tính với vi rút sởi, có 27,6% là trẻ dưới 9 tháng tuổi, 78,4% là trẻ dưới 5 tuổi. Số bệnh nhân chưa tiêm chủng hoặc chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi chiếm đến 66% và có đến 30% không rõ tiền sử tiêm chủng.

Từ đầu năm 2024 đến nay, các bệnh viện trên địa bàn TP đã ghi nhận có đến 3 trường hợp tử vong liên quan đến bệnh sởi, gồm: 1 bé gái 3 tuổi, có bệnh nền là suy giảm miễn dịch thể giảm kháng thể, chậm phát triển tâm vận, suy dinh dưỡng, bé chưa được tiêm chủng vắc xin sởi; 1 bé gái 4 tháng tuổi, hội chứng Cushing, tăng tuyến thượng thận, chưa đủ tuổi tiêm chủng và 1 bé trai 7 tuổi, bị bệnh bạch cầu cấp dòng lympho đã ghép tủy, suy tim và suy thận mạn, đã tiêm chủng 2 mũi vắc xin sởi. Cả 3 trẻ này đều mắc những bệnh lý mạn tính, dẫn đến biến chứng nặng khi mắc bệnh sởi và đã tử vong dù được tích cực điều trị.

Trước sự gia tăng nhanh chóng của số ca bệnh sởi trên địa bàn TP và các tỉnh, Sở Y tế TP.HCM đã chỉ đạo Trung tâm Y tế quận huyện, TP.Thủ Đức, các trạm y tế xã phường, thị trấn đẩy mạnh hoạt động tiêm bù, tiêm vét cho trẻ trong độ tiêm chủng; tích cực rà soát trẻ sống trên địa bàn và tư vấn các gia đình đưa trẻ đi tiêm chủng vắc xin sởi và các vắc xin trong chương trình Tiêm chủng mở rộng; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai hiệu quả mạng lưới giám sát ca bệnh, hoạt động tiêm chủng và truyền thông phòng chống dịch bệnh.

Ngoài ra, Sở Y tế cũng chỉ đạo các bệnh viện thực hiện nghiêm túc các quy định kiểm soát nhiễm khuẩn, không để xảy ra tình trạng lây nhiễm chéo trong bệnh viện; đảm bảo dự trữ đầy đủ thuốc điều trị, dịch truyền, thiết bị… phục vụ công tác thu dung điều trị người bệnh; giao các bệnh viện đang quản lý bệnh nhân rà soát tiền sử tiêm chủng đối với những người có bệnh lý bẩm sinh, bệnh nền; tổ chức tiêm vắc xin tại bệnh viện cho những bệnh nhi có đủ điều kiện và tư vấn cho người nhà của những bệnh nhi không đủ điều kiện tiêm chủng.

Đặc biệt, Sở Y tế đã tham mưu UBND TP ban hành Kế hoạch chủ động ứng phó dịch bệnh sởi và triển khai tổ chức chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin sởi cho trẻ từ 1 đến 5 tuổi, không kể tiền sử tiêm chủng theo khuyến cáo của các chuyên gia từ Tổ chức Y tế thế giới, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật Mỹ, các chuyên gia về y tế công cộng của Thành phố.

Theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, bệnh sởi được xếp vào nhóm B gồm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong, cùng với các bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng. Bệnh sởi cũng là một trong 6 bệnh truyền nhiễm được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng ngay từ những năm đầu triển khai trong thập niên 1980.

Đến nay, bệnh sởi vẫn là một trong 11 bệnh truyền nhiễm phải được tiêm chủng bắt buộc đối với trẻ em theo quy định của Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm với lịch tiêm chủng theo hướng dẫn của Bộ Y tế gồm: mũi thứ 1 tiêm lúc trẻ tròn 9 tháng tuổi và mũi thứ 2 lúc trẻ 18 tháng tuổi. Bộ Y tế quy định tất cả các trường hợp sốt phát ban nghi sởi đều phải được báo cáo, lấy mẫu làm xét nghiệm chẩn đoán xác định.

Bài liên quan
Thuốc trị bệnh sỏi tiết niệu có tác dụng chữa ung thư tuyến tụy
Các nhà khoa học Mỹ nhận thấy dùng thuốc thử nghiệm cysteinase được phát triển để điều trị bệnh sỏi thận và đường tiết niệu có thể làm phân rã cysteine trong máu khiến các tế bào ung thư tuyến tụy bị bỏ đói và chết.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
13 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hơn 100 ca mắc và 3 trường hợp tử vong do sởi, TP.HCM kêu gọi đưa trẻ đi tiêm ngừa