Người 43 tuổi có dấu hiệu mệt mỏi, chán ăn, thậm chí khó chịu và nôn nao khi ngửi mùi thức ăn. Sau đó 2 tuần người này có biểu hiện vàng da, vàng mắt và nước tiểu sậm màu thì được bác sĩ phát hiện bị ung thư đoạn cuối ống mật chủ.
Thông tin Y học

Sau 2 tuần mệt mỏi, người đàn ông 43 tuổi được phát hiện bị ung thư ống mật chủ

Hồ Quang 20:33 09/08/2024

Người 43 tuổi có dấu hiệu mệt mỏi, chán ăn, thậm chí khó chịu và nôn nao khi ngửi mùi thức ăn. Sau đó 2 tuần người này có biểu hiện vàng da, vàng mắt và nước tiểu sậm màu thì được bác sĩ phát hiện bị ung thư đoạn cuối ống mật chủ.

Ngày 9.8, Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM) cho hay vừa thực hiện thành công ca phẫu thuật bằng robot cắt khối tá tụy điều trị ung thư đoạn cuối ống mật chủ. Đây là phẫu thuật thuộc nhóm phức tạp nhất trong các phẫu thuật đường tiêu hóa.

sau-2-tuan-met-moi-nguoi-dan-ong-43-tuoi-phat-hien-bi-ung-tu-ong-mat-chu-hinh-anh.png
Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật bằng robot để cắt khối tá tụy nhằm loại bỏ khối u ở đoạn cuối ống mật chủ của bệnh nhân N.T.L - Ảnh: BVCC

Bệnh nhân được thực hiện ca phẫu thuật trên là anh N.T.L (43 tuổi, ngụ TP.Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu).

Theo người nhà bệnh nhân, ban đầu anh L. cảm thấy mệt mỏi, chán ăn, thậm chí khó chịu và nôn nao khi ngửi mùi thức ăn. Tình trạng này kéo dài khoảng 2 tuần thì anh có biểu hiện vàng da, vàng mắt ngày càng tăng và nước tiểu sậm màu.

Nghi ngờ mắc bệnh gan mật, anh L. đến một bệnh viện tại TP.HCM thăm khám. Tại đây, kết quả xét nghiệm ghi nhận men gan của người bệnh tăng cao, kết quả CT-scan và MRI bụng cho thấy tình trạng giãn đường mật và có khối choán chỗ nghi do khối u gây tắc mật. Các bác sĩ ở đây đã chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Bình Dân để can thiệp ngoại khoa.

TS-BS Nguyễn Tạ Quyết, Trưởng khoa Gan-Mật-Tụy Bệnh viện Bình Dân cho biết qua kiểm tra xác định bệnh nhân có khối u đoạn cuối ống mật chủ xâm lấn tụy có đường kính khoảng 4cm gây tắc mật.

“Ống mật chủ là ống nối gan với ruột, dẫn dịch mật từ gan, qua tuyến tụy đổ vào tá tràng để tiêu hóa thức ăn. Khi tắc mật, người bệnh diễn tiến viêm gan, viêm tụy và xuất hiện triệu chứng như vàng da, vàng mắt tăng dần, nước tiểu vàng, phân nhạt màu và ngứa, sụt cân, đau bụng vùng trên rốn và dưới sườn phải”, bác sĩ Quyết giải thích.

Trước tình trạng trên, các bác sĩ tư vấn cho gia đình và quyết thực hiện phẫu thuật bằng robot để cắt khối tá tụy nhằm loại bỏ khối u ở đoạn cuối ống mật chủ.

"Nhờ sự hỗ trợ của robot, sau 6 giờ thực hiện phẫu thuật, người bệnh được cắt khối tá tụy kèm nạo hạch, giúp lấy trọn vẹn khối u cùng hạch vùng di căn. Sau đó, người bệnh được theo dõi và chăm sóc theo chương trình phục hồi sớm sau phẫu thuật như được uống nước sớm trở lại ở ngày hậu phẫu thứ nhất, bắt đầu ăn nhẹ với súp, cháo lỏng ở ngày hậu phẫu thứ 2. Sau 7 ngày phẫu thuật, bệnh nhân đã được xuất viện”, bác sĩ Quyết cho biết.

sau-2-tuan-met-moi-nguoi-dan-ong-43-tuoi-phat-hien-bi-ung-tu-ong-mat-chu-hinh-anh-1.png
Sau 7 ngày phẫu thuật, bệnh nhân L. được xuất viện và tái khám trở lại - Ảnh: BVCC

Về chăm sóc sức khỏe sau cắt khối tá tụy, bác sĩ Quyết cho biết người bệnh nên giảm thực phẩm nhiều chất béo trong khoảng hơn 1 tháng sau phẫu thuật. Khi đường tiêu hóa đã thích nghi thì người bệnh có thể ăn uống như người bình thường. Ngoài ra, trong vòng 3 tháng sau phẫu thuật người bệnh không nên thực hiện các động tác vận động mạnh như chạy nhảy, khiêng vác nặng để tránh nguy cơ thoát vị.

Theo bác sĩ Quyết, u quanh bóng vater chiếm khoảng 5% các u bướu của ống tiêu hóa nhưng người dân có thể ít biết đến. Tại Bệnh viện Bình Dân, mỗi năm các bác sĩ thực hiện khoảng 70 - 80 trường hợp phẫu thuật cắt khối tá tụy để điều trị ung thư quanh bóng vater.

“Ung thư ống mật chủ, nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn chưa tiến triển có thể điều trị triệt để thông qua cắt khối tá tụy có tiên lượng sống sau 5 năm khoảng 75%. Do đó, người dân cần xây dựng ý thức tầm soát sức khỏe định kỳ để phát hiện, chẩn đoán bệnh ở giai đoạn sớm hơn. Từ đó, phẫu thuật thuận lợi hơn và tiên lượng sống còn của người bệnh tốt hơn”, bác sĩ Quyết khuyến cáo.

Theo bác sĩ Quyết, phẫu thuật cắt khối tá tụy, điều trị cho ung thư vùng quanh bóng vater (như ung thư của bóng vater, đầu tụy, đoạn cuối ống mật chủ và tá tràng) là một phẫu thuật khó, cần được thực hiện bởi bác sĩ phẫu thuật nhiều kinh nghiệm tại các bệnh viện tuyến cuối.

Để đảm bảo người bệnh được gây mê kéo dài và chịu được cuộc mổ trong một thời gian lên đến 6 giờ trong phẫu thuật cắt khối tá tụy, bệnh viện phải có đội ngũ gây mê hồi sức có chuyên môn cao và trang thiết bị hiện đại.

Trước đây, người bệnh phải trải qua cuộc mổ mở với đường rạch da kéo dài, sau này với sự phát triển của phẫu thuật nội soi đã mang đến nhiều kết quả tốt cho người bệnh. Những năm gần đây, với sự ra đời của các hệ thống robot phẫu thuật, phẫu thuật cắt khối tá tụy tận dụng được các ưu điểm của phẫu thuật robot như hình ảnh phóng đại với không gian 3 chiều, sự linh hoạt của cổ tay robot giúp cho việc phẫu tích tinh tế hơn và thực hiện các miệng nối tái lập lưu thông dễ dàng hơn.

“Việc áp dụng phẫu thuật bằng robot trong trường hợp này giúp bác sĩ quan sát phẫu trường tốt hơn, thao tác cổ tay robot linh hoạt và triệt tiêu độ rung tự nhiên của bàn tay bác sĩ, nhờ đó phẫu tích chính xác, hạn chế tối đa các tổn thương mạch máu quan trọng và lấy được tối đa các hạch di căn. Kỹ thuật khâu nối các cơ quan để tái lập lưu thông cho tuyến tụy, đường mật và ống tiêu hóa thực hiện chính xác và thuận lợi hơn. Điều này có lợi ích lớn trong điều trị về ung thư học, tăng an toàn và giảm biến chứng sau phẫu thuật”, bác sĩ Quyết nói.

Bài liên quan
Lần đầu tiên cấy ghép thành công gan lợn cho bệnh nhân ung thư
Hãng Tân Hoa Xã đưa tin Trung Quốc vừa cấy ghép thành công gan lợn biến đổi gien cho một bệnh nhân ung thư gan nặng.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Hà Nội phát động toàn dân tổng vệ sinh môi trường sau bão
2 giờ trước Sự kiện
Sáng 14.9, TP.Hà Nội đã phát động toàn dân tham gia tổng vệ sinh môi trường sau bão.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sau 2 tuần mệt mỏi, người đàn ông 43 tuổi được phát hiện bị ung thư ống mật chủ