Hơn 1.000 người Nga đã xuống đường tuần hành trên khắp đường phố của thủ đô Moscow vào hôm chủ nhật (19.1) nhằm phản đối kế hoạch thay đổi hiến pháp của Tổng thống Vladimir Putin, ngoài ra cũng có nhiều người chọn cách lên tiếng phản đối về các vấn đề khác nhau.
Ủy viên Hội đồng thành phố Moscow, Yulia Galyamina là người kêu gọi đoàn người xuống đường để chống lại đề xuất thay đổi hiến pháp của ông Putin bằng cách tham gia một cuộc biểu tình hợp pháp với danh nghĩa kỷ niệm cái chết của nhà báo Anastasia Baburova và luật sư Stanislav Markelov 11 năm trước.
Cuộc biểu tình hôm chủ nhật có quy mô nhỏ hơn so với nhiều cuộc biểu tình của phe đối lập trước đó vào mua hè năm ngoái, vốn thu hút tới 60.000 người lúc đỉnh điểm. Đoàn người biểu tình chia thành nhiều nhóm đưa ra những yêu cầu chính trị khác nhau, chống phát xít; quyền phụ nữ, giới cánh tả và sinh viên, trong đó nhóm biểu tình phản đối ông Putin chỉ chiếm phần nhỏ.
Trong cuộc biểu tình, Ủy viên Hội đồng thành phố Moscow Galyamina đã giơ cao các bản sao của hiến pháp Nga và nói rằng ông Putin đang phá hủy chúng với những đề xuất thay đổi của mình.
“Ông Putin hãy rời khỏi văn phòng”, bà Galyamina và những người biểu tình khác hét lên, nói rằng kế hoạch của ông đã gây áp lực cho người dân Nga.
Ủy viên Hội đồng thành phố Moscow, bà Yulia Galyamina (áo đỏ) và người biểu tình cầm bản sao hiến pháp Nga - Ảnh: Reuters
Hãng thông tấn Nga TASS cũng cho biết các nhà chức trách ở Moscow đã cho phép một cuộc biểu tình tối đa 10.000 người dự kiến diễn ra vào ngày 1.2 nhằm phản đối kế hoạch sửa hiến pháp của Putin nhưng không nêu rõ ai đứng ra tổ chức cuộc biểu tình này.
Được biết, trong bài phát biểu liên bang hôm 15.1, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phác thảo những thay đổi được đề xuất đối với hiến pháp nhằm củng cố vai trò của quốc hội và các cơ quan chính phủ khác, đặc biệt là thủ tướng trong việc điều hành đất nước.
Qua đó, ông Putin cũng muốn tăng cường vai trò của Hội đồng Nhà nước và có ý định xóa bỏ hệ thống tổng thống nắm quyền - điều đã cho phép ông nắm nhiều quyền lực ở vị trí này. Động thái này rất có thể làm suy yếu ảnh hưởng của người kế nhiệm ông.
Có nhiều suy đoán rằng ông Putin đang tính toán nhiều kịch bản khác nhau để nắm quyền điều hành đất nước sau khi nhiệm kỳ tổng thống của ông kết thúc vào năm 2024, trong đó có cả khả năng ông trở thành thủ tướng với quyền hành lớn hơn.
Hoàng Vũ (theo Reuters)