Liên quan đến một bệnh nhân 20 tuổi mắc bệnh bạch hầu tại TP.HCM, chiều 26.6, Bệnh viện Quân y 175 xác nhận đây là một học viên. Toàn bộ những người tiếp xúc gần với bệnh nhân này trong đơn vị đã được khoanh vùng, cô lập, điều tra. Riêng các nhân viên y tế của bệnh viện tiếp xúc gần với bệnh nhân đã được uống thuốc dự phòng lây nhiễm.
Theo đại tá, TS.BS Trần Quốc Việt - Phó giám đốc Bệnh viện Quân y 175, sau khi phát hiện nam học viên 20 tuổi này mắc bệnh bạch hầu, ngoài cô lập, cách ly 16 người trong đơn vị của bệnh nhân này, Bệnh viện Quân y 175 cũng đã tiến hành phòng dịch, phun thuốc khử khuẩn các khoa, phòng mà bệnh nhân đến khám và cho 42 nhân viên y tế của bệnh viện có tiếp xúc gần với bệnh nhân uống thuốc dự phòng lây nhiễm bạch hầu.
“Đây là các nhân viên y tế của 4 khoa gồm: khám bệnh, truyền nhiễm, chẩn đoán hình ảnh và tai mũi họng đã tiếp xúc gần với bệnh nhân này. Những người này sẽ được uống thuốc dự phòng lây nhiễm bạch hầu trong vòng 4 đến 10 ngày”, ông Việt nói và cho biết nếu một người tiếp xúc với bệnh nhân bạch hầu được uống thuốc dự phòng đầy đủ, đảm bảo liều, và không bị kháng thuốc thì 100% sẽ không lây nhiễm.
Riêng đối với bệnh nhân mắc bạch hầu, trung tá - bác sĩ Phan Bá Hiếu, Phó chủ nhiệm khoa, phụ trách khoa truyền nhiễm, Bệnh viện Quân y 175, cho biết trong quá trình điều trị, các bác sĩ ở đây đã sử dụng kháng sinh kết hợp với huyết thanh kháng độc tố bạch hầu. Tuy nhiên, do nguồn huyết thanh kháng độc tố bạch hầu ở TP.HCM và các tỉnh phía nam rất khan hiếm, nếu không muốn nói là không có. Điều này là do bệnh bạch hầu trong thời gian qua gần như không có, chỉ mới xuất hiện lại trong thời gian gần đây. Vì thế suốt thời gian dài qua, nhiều đơn vị không nhập huyết thanh kháng độc tố bạch hầu, có đơn vị nhập loại huyết thanh này thì cũng đã hết hạn sử dụng.
Rất may mắn, bệnh viện tiếp xúc được một đơn vị ở phía bắc mới nhập huyết thanh này và đã mua được 10 liều huyết thanh kháng độc tố bạch hầu. “Với phác đồ trên, sau 7 ngày điều trị, hiện bệnh nhân đã hết sốt, hết đau họng, không có biến chứng của bệnh bạch hầu và không có ai bị lây nhiễm bệnh bạch hầu từ bệnh nhân này”, bác sĩ Hiếu cho hay.
Trước đó, vào ngày 19.6, nam học viên 20 tuổi, ngụ ở TP.HCM đến Bệnh viện Quân y 175 khám trong tình trạng sốt, kèm theo đau họng, đau vùng cổ. Sau đó, bệnh nhân được chuyển đến khoa tai mũi họng để kiểm tra thì phát hiện có dấu hiệu của bệnh bạch hầu. Các bác sĩ tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm chuyển đến khoa xét nghiệm của bệnh viện và chuyển đến Viện Pasteur. Kết quả xét nghiệm PCR cho thấy mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân dương tính với vi khuẩn bạch hầu.
Các chuyên gia y tế cho biết bạch hầu là do vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae, vi khuẩn này có kích thước và khối lượng nặng gấp 10 đến 20 lần so với vi rút corona.
Dù vi khuẩn gây bệnh bạch hầu lây qua đường hô hấp, qua giọt bắn như vi rút corona, nhưng theo bác sĩ Việt, vi khuẩn gây bệnh bạch hầu rất khó lây nhiễm hơn nhiều so với vi rút corona. “Do vi khuẩn gây bệnh bạch hầu có trọng lượng nặng, kích thước lớn hơn nhiều so với vi rút corona nên chỉ khi nào giọt bắn của vi khuẩn gây bạch hầu bắn dính trên người rồi đưa vào mũi, miệng thì mới có thể lây, chứ không lây nhiễm khi giọt bắn bay lơ lửng trong không khí như vi rút corona”, bác sĩ Việt giải thích.
Bên cạnh đó, bác sĩ Việt cũng cho biết bệnh bạch hầu là bệnh có thuốc điều trị. Vì vậy cần phát hiện sớm, điều trị kịp thời để tránh biến chứng. Biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất của bệnh bạch hầu là tiêm ngừa 3 mũi đầu trong vòng 1 năm, sau đó tiêm nhắc lại; đồng thời vệ sinh tay,vệ sinh bề mặt, tránh tiếp xúc khi bệnh nhân có triệu chứng ho, khó thở, đau họng…
Hồ Quang