Viện Fraser tiếp tục xếp Hồng Kông ở vị trí số 1 trong danh sách đánh giá mức độ tự do của các nền kinh tế, tuy nhiên lại dự báo rằng đặc khu sẽ sớm đánh mất vị thế này.
Đây là năm thứ 30 liên tiếp Hồng Kông đứng đầu danh sách đánh giá mức độ tự do của các nền kinh tế, nhưng điểm số cho hệ thống luật pháp giảm xuống mức thấp nhất trong 20 năm qua, điểm số cho mức độ độc lập tư pháp cũng thấp nhất trong 16 năm.
Nghiên cứu do viện Fraser tiến hành tập trung vào chính sách cùng thể chế của 162 quốc gia và vùng lãnh thổ, xem xét hàng loạt khía cạnh như quy định, quyền tự do giao thương quốc tế, quy mô chính quyền, quyền sở hữu tài sản, chi tiêu công, thuế.
“Sự mất an toàn rõ ràng về quyền sở hữu tài sản, nền pháp quyền suy yếu do chính quyền Bắc Kinh can thiệp trong giai đoạn 2019 - 2020 sẽ tác động tiêu cực đến điểm số của Hồng Kông, đặc biệt ở phương diện hệ thống tư pháp và quyền sở hữu tài sản”, theo viện Fraser. Tổ chức này chỉ ra những yếu tố có thể khiến đặc khu tụt hạng là dự luật dẫn độ đã bị rút bỏ, phong trào biểu tình phản đối giới chức đặc khu cùng đợt đàn áp bạo lực sau đó vàluật an ninh vừa có hiệu lực.
Phía Hồng Kông hoan nghênh việc viện Fraser tiếp tục xếp đặc khu ở vị trí số 1, nhưng chỉ trích nhận xét nền pháp quyền suy yếu mà tổ chức đưa ra.
“Thật đáng tiếc khi họ dự báo điểm số về pháp luật trong tương lai ở mức thấp với nhiều bình luận thiên vị, suy đoán không công bằng dựa trên quan điểm vô căn cứ”, theo phát ngôn viên chính quyền Hồng Kông.
Phát ngôn viên nhấn mạnh Luật Cơ bản (bộ luật tối cao của Hồng Kông) cho phép tụ tập ôn hòa, nhưng khi bất ổn đe dọa đến an toàn cộng đồng thì cảnh sát có nhiệm vụ khôi phục luật pháp và trật tự. Ngoài ra, luật an ninh khôngảnh hưởng đến các quyền tự do hợp pháp của người dân.
Xếp ngay sau Hồng Kông trong danh sách là Singapore, tiếp theo đến New Zealand. Thụy Sĩ, Mỹ, Úc, Mauritius, Georgia, Canada, Ireland đều nằm ở 10 vị trí đầu. Trung Quốc xếp thứ 124.
Cẩm Bình (theo SCMP)