Huawei đặt mục tiêu đưa nhiều ứng dụng của họ ra toàn cầu như TikTok.
Hôm 10.9, tại hội nghị các nhà phát triển ở thành phố Đông Hoản, Trung Quốc, Huawei buông lời thách thức trước chiến dịch đàn áp của Mỹ, khẳng định sẽ đưa HarmonyOS vào smartphone và mở rộng hệ sinh thái ứng dụng của mình khi cố gắng sống sót trong cuộc chiến về công nghệ giữa Washington - Bắc Kinh.
Huawei cho biết tất cả smartphone của họ trong năm tới sẽ được nâng cấp để hỗ trợ HarmonyOS, hệ điều hành do hãng này phát triển.
"Chúng tôi sẽ phát hành tất cả các bộ công cụ phát triển cho smartphone vào tháng 12 này. Huawei sẽ đóng vai trò giúp tất cả các nhà phát triển Trung Quốc mở rộng ra thị trường toàn cầu và giúp tất cả nhà phát triển toàn cầu phục vụ người dùng Trung Quốc tốt hơn. Giống như TikTok của ByteDance đã làm rất tốt trong việc phục vụ khách hàng ở nước ngoài, chúng tôi hy vọng sẽ trở thành cầu nối trong giúp nhiều nhà phát triển Trung Quốc vươn ra toàn cầu hơn", Richard Yu, Giám đốc điều hành mảng kinh doanh và tiêu dùng của Huawei, phát biểu.
Động thái triển khai HarmonyOS trên smartphone cho thấy công ty Trung Quốc dường như không còn mong đợi tiếp tục hợp tác với Google. Khi lần đầu tiên giới thiệu HarmonyOS - hệ điều hành của riêng mình vào năm ngoái, Huawei cho biết vẫn sẽ ưu tiên sử dụng hệ thống và dịch vụ Android từ Google nếu có thể.
Huawei, Samsung, Xiaomi và vài hãng khác là những thương hiệu nổi bật đằng sau sự thành công của nền tảng Android. Trong khi Apple sử dụng hệ điều hành iOS của riêng mình cho những chiếc iPhone.
Richard Yu cho biết HarmonyOS phiên bản 2.0 có thể có sẵn cho tất cả thiết bị của Huawei, từ smartphone, thiết bị đeo được, màn hình thông minh đến các hệ thống ô tô.
"Huawei đang trải qua đợt đàn áp thứ ba của Mỹ nhưng chúng tôi vẫn đang duy trì tốc độ tăng trưởng trong tất cả các sản phẩm của mình như smartphone, máy tính bảng, thiết bị đeo được ... và chúng tôi không nghĩ rằng bất cứ ai có thể đặt ánh sao ra khỏi bầu trời. Mỗi nhà phát triển của chúng tôi là một ngôi sao và họ cùng nhau tạo thành một mảng rực rỡ. Điều đó sẽ soi đường", Richard Yu nói lời thách thức chính quyền Trump. Tuy nhiên, vị giám đốc điều hành này nói tình trạng thiếu chip do lệnh cấm cung cấp từ Mỹ bắt đầu ảnh hưởng đến đà tăng trưởng doanh số bán smartphone của Huawei trong tháng này.
Công ty Trung Quốc cũng đang chuẩn bị xây dựng hệ sinh thái ứng dụng di động của riêng mình để thay thế Google Mobile Service, gồm tất cả ứng dụng được sử dụng rộng rãi với người dùng nước ngoài, từ Google Map, Gmail, YouTube đến Google Play (cổng quan trọng để người dùng smartphone Android tải xuống ứng dụng di động).
Dù Google đã ngừng hợp tác với Huawei, công ty Trung Quốc vẫn có thể sử dụng Android - nền tảng mã nguồn mở. Tuy nhiên, Huawei không thể nhận được bản cập nhật hoặc hỗ trợ kỹ thuật và không thể truy cập vào dịch vụ di động của Google.
Huawei đã có 1,8 triệu nhà phát triển, tăng gấp đôi so với con số 900.000 khi công bố kế hoạch xây dựng hệ sinh thái phần mềm của mình vào tháng 8.2019. Thông tin này do Zhang Ping an, Chủ tịch Dịch vụ Đám mây Tiêu dùng của Huawei, tiết lộ hôm 10.9. Song, con số đó vẫn chưa bằng 1/10 số nhà phát triển ứng dụng trên nền tảng iOS của Apple hoặc Android.
Huawei cam kết sử dụng hệ sinh thái của riêng mình vài ngày trước khi quy tắc kiểm soát xuất khẩu mới của Mỹ có hiệu lực đầy đủ. Từ thứ Hai tới (14.9), tất cả các nhà cung cấp linh kiện điện tử và chip sẽ cần giấy phép từ chính quyền Trump để giao hàng cho Huawei nếu họ sử dụng các công cụ hoặc phần mềm của Mỹ trong quá trình phát triển và sản xuất.
Richard Yu cho biết sau 1 năm nỗ lực, các dịch vụ di động của Huawei đã có tốc độ truyền dữ liệu không dây nhanh hơn 20% so với các dịch vụ tương tự từ Google, đồng thời giao diện lập trình ứng dụng cũng mạnh mẽ hơn.
AppGallery (kho ứng dụng di động của Huawei) hiện có hơn 70.000 ứng dụng quốc tế so với chỉ 6.000 của năm ngoái. Dẫu vậy, tham vọng của Huawei với nền tảng ứng dụng di động và HarmonyOS có thể gặp rủi ro do Mỹ mở rộng sáng kiến Mạng lưới sạch nhằm loại trừ các công ty có liên kết với Chính phủ Trung Quốc khỏi nhiều lĩnh vực, bao gồm cơ sở hạ tầng mạng, cáp dưới biển, ứng dụng di động và cửa hàng ứng dụng.
Hồi đầu tháng 8.2020, chính quyền Trump kêu gọi các nhà phát triển ứng dụng Mỹ và nước ngoài tẩy chay nền tảng của Huawei.
Huawei lần đầu tiên vượt qua Samsung để trở thành nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6.2020. Thế nhưng, nhiều nhà quan sát thị trường nhận thấy sự không chắc chắn ở phía trước và cho rằng hoạt động kinh doanh smartphone của Huawei có thể thu hẹp từ năm tới.
Jeff Pu, nhà phân tích của công ty GF Securities (Trung Quốc), nhận định: “Lượng hàng tồn kho của Huawei cho mảng kinh doanh smartphone ít nhất có thể duy trì đến cuối năm nay, nhưng nó sẽ gặp vấn đề lớn vào năm tới nếu Mỹ không nới lỏng lệnh cấm”.
Theo ước tính của GF Securities, Huawei vẫn có thể xuất xưởng 195 triệu smartphone trong năm nay nhưng con số có thể giảm xuống 50 triệu vào năm sau nếu quy định của Mỹ không thay đổi.
Nhân Hoàng