Người đàn ông bị ung thư biểu mô tế bào thận có chồi bướu xâm lấn vào tĩnh mạch chủ bụng đang tiến đến gần tim, đe dọa tính mạng bệnh nhân.

Hy hữu: Cứu người đàn ông bị chồi bướu xâm lấn tĩnh mạch chủ bụng đến gần tim

Hồ Quang | 13/01/2023, 15:06

Người đàn ông bị ung thư biểu mô tế bào thận có chồi bướu xâm lấn vào tĩnh mạch chủ bụng đang tiến đến gần tim, đe dọa tính mạng bệnh nhân.

Ngày 13.1, Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM) cho hay đã phẫu thuật thành công một bệnh nhân bị ung thư biểu mô tế bào thận hy hữu khi có chồi bướu xâm lấn vào tĩnh mạch chủ bụng và đang tiến đến gần tim, đe dọa tính mạng.

hy-huu-nguoi-dan-ong-bi-choi-buou-xam-lan-tinh-mach-chu-bung-den-gan-tim-hinh-anh(1).png
Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật chồi bướu đang xâm lấn vào tĩnh mạch chủ bụng và tiến đến gần tim của bệnh nhân - Ảnh: BVCC

Bệnh nhân là ông P.D.A (62 tuổi, ở Lâm Đồng) nhập viện trong tình trạng đau tức vùng hông phải, tiểu nhiều máu cục. Tại đây, các bác sĩ phát hiện người bệnh có khối bướu thận phải, kích thước lên đến 10 x 10 x 8cm (to bằng nắm tay người lớn). Kết quả sinh thiết dưới hướng dẫn siêu âm cho kết quả bệnh nhân bị ung thư biểu mô tế bào thận.

BSCK2 Nguyễn Ngọc Châu - Phó giám đốc Bệnh viện Bình Dân cho biết khối bướu của bệnh nhân đã xâm lấn tĩnh mạch thận phải, xâm lấn màng bụng và bể thận gây thận ứ nước. Nguy hiểm nhất, chồi bướu đã đi vào tĩnh mạch chủ dưới, lan cao lên đoạn trên gan, nguy cơ đến tim gây tử vong.

Theo lời bệnh nhân, cách đây khoảng 2 năm ông thấy có dấu hiệu đau vùng hông lưng phải nhưng lại nghĩ do tuổi già. Cách đây khoảng 6 tháng, ông sờ thấy một khối cứng ở vùng hông phải, thường đau tức. Từ đó, ông nhận thấy cân nặng ngày càng giảm, chán ăn và tiểu máu.

Theo bác sĩ Châu, đối với ung thư thận giai đoạn tiến xa, khả năng điều trị khỏi sau 5 năm rất thấp (dưới 10%). Bệnh nhân được chỉ định điều trị nâng đỡ tổng trạng và liệu pháp nhắm trúng đích. Thuốc có tác dụng phụ nhưng bệnh nhân và người nhà hợp tác điều trị rất tốt, các bác sĩ nhận thấy quyết tâm tìm cuộc sống chất lượng của người bệnh.

Sau khi bệnh nhân kết thúc đợt điều trị với liệu pháp nhắm trúng đích có hiệu quả, nhưng tình trạng tiểu máu tái diễn.

Trước tình hình trên, Bệnh viện Bình Dân đã hội chẩn liên chuyên khoa, liên viện gồm: Ngoại niệu, Tim-mạch máu, Gan-mật-tụy, Gây mê hồi sức, và ê kíp phẫu thuật tim của Viện Tim TP.HCM, để thống nhất phương pháp phẫu thuật đạt được mức độ an toàn và hiệu quả cao nhất cho người bệnh.

Ca phẫu thuật dự kiến nhiều thách thức, với các mục tiêu là cắt thận phải cùng khối bướu an toàn, mở tĩnh mạch chủ để lấy trọn chồi bướu trong lòng tĩnh mạch nhanh gọn trong điều kiện mở tâm nhĩ phải kiểm soát chắc chắn, đảm bảo chồi bướu không trôi vào bên trong tim hoặc mạch máu phổi khiến người bệnh tử vong.

Theo các tài liệu y văn, các trường hợp như bệnh nhân A. có tỷ lệ tử vong ngay trên bàn mổ có thể lên đến hơn 15%.

“Tuy vậy, phẫu thuật là “ánh sáng cuối đường hầm” cho người bệnh. Nếu không được thực hiện phẫu thuật, người bệnh sẽ phải chịu tình trạng đau đớn, tiểu máu đeo đẳng và tiên lượng sống sẽ chỉ còn tính từng ngày do chồi bướu lan nhanh”, bác sĩ Châu nói.

“Trong gần 6 tiếng đồng hồ, 3 nhóm bác sĩ phẫu thuật thao tác cùng lúc tại phẫu trường ở vùng bụng và tim. Ê kíp các chuyên gia phẫu thuật niệu mở bụng, bộc lộ thận phải, tĩnh mạch thận; ê kíp phẫu thuật tim mở đường mổ ngực nhỏ, đặt các thiết bị nội soi ít xâm lấn vào tâm nhĩ phải để kiểm soát nguy cơ chồi bướu trôi về tim.

Với sự hỗ trợ của hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể do các đồng nghiệp từ Viện Tim TP.HCM vận hành, máu từ gan đổ vào tĩnh mạch chủ được bơm vào hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể, để các bác sĩ niệu có thể cắt thận phải cùng bướu, và bác sĩ mạch máu xẻ lấy chồi bướu. Lượng máu này sau khi được lọc qua màng trao đổi khí sẽ được đưa về tĩnh mạch chủ trên rồi về tim để tiếp tục vận chuyển máu đi nuôi cơ thể. Cơ thể lúc này như có 2 trái tim cùng làm việc, toàn bộ công đoạn này được thực hiện nhanh chóng chỉ trong 30 phút. Ca phẫu thuật thành công đã đem lại cơ hội sống cho người bệnh”, bác sĩ Châu chia sẻ.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Châu cho biết thêm, ung thư thận khi được phát hiện sớm và được can thiệp điều trị triệt để có triển vọng hồi phục rất khả quan, tỷ lệ sống sau 5 năm lên tới hơn 80%. Khi khối bướu chưa xâm lấn, bác sĩ phẫu thuật có thể tiến hành phẫu thuật cắt thận bán phần, bảo tồn chức năng phần thận lành còn lại cho người bệnh.

Ung thư thận ở giai đoạn đầu thường không có triệu chứng, do đó mọi người nên tầm soát bệnh định kỳ mỗi năm một lần bằng siêu âm bụng. Khi có những triệu chứng bất thường (như đau tức vùng hông lưng, sờ thấy khối gồ lên vùng hông lưng, tiểu máu…), người bệnh cần đến bệnh viện ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Bài liên quan
TP.HCM: Người đàn ông bị tai biến sau khi hút mỡ bụng tại phòng khám từng bị xử phạt
Từng bị xử phạt và thay đổi tên đến 3 lần, một phòng khám tại số 314 đường Cao Thắng, phường 12, quận 10, TP.HCM lại tiếp tục bị phát hiện sai phạm, gây hậu quả cho khách hàng hút mỡ bụng.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hy hữu: Cứu người đàn ông bị chồi bướu xâm lấn tĩnh mạch chủ bụng đến gần tim