Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã kê biên, phong tỏa, tạm giữ hàng loạt tài sản liên quan đến bị can Trương Mỹ Lan và nhiều bị can khác.

Kê biên loạt bất động sản, du thuyền liên quan đến bà Trương Mỹ Lan

Nhã Thanh | 18/11/2023, 19:00

Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã kê biên, phong tỏa, tạm giữ hàng loạt tài sản liên quan đến bị can Trương Mỹ Lan và nhiều bị can khác.

Theo kết luận điều tra vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các đơn vị, tổ chức liên quan, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã kê biên, phong tỏa, tạm giữ hàng loạt tài sản liên quan đến Trương Mỹ Lan và nhiều bị can khác.

Cụ thể, cơ quan điều tra đã thu giữ tổng số hơn 589 tỉ đồng và gần 15 triệu USD. Trong đó, có 14,5 triệu USD tiền mặt mà bị can Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) đưa cho Tạ Hùng Quốc Việt, CQĐT xác định được số tiền này được bà Lan đưa cho Tạ Hùng Quốc Việt - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Greenhill Village để nhận chuyển nhượng dự án Greenhill Village Quy Nhơn do Việt làm chủ đầu tư.

Sau khi cơ quan điều tra mời làm việc, ông Việt đã liên hệ để giao nộp số tiền trên. Bị can Trương Mỹ Lan khai số tiền 14,5 triệu USD là của Lan và bà tự nguyện sử dụng để khắc phục hậu quả đối với hành vi phạm tội của bản thân trong vụ án.

vtp-1696065148684-1696072494813-16960724952121523283884.jpg
Hai bị can Trương Mỹ Lan (trái) và Trương Huệ Vân khi bị bắt - Ảnh: Bộ Công an

Cơ quan điều tra cũng thu giữ 50 tỉ đồng của ông Nguyễn Phú Tiên - Giám đốc Công ty TNHH một thành viên An Nhựt Tân Long An. Kết quả điều tra xác định bị can Trương Mỹ Lan và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát giao cho ông Nguyễn Phú Tiên làm Giám đốc Công ty TNHH An Nhựt Tân Long An.

Đối với 100% cổ phần tại Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Phú Châu - chủ đầu tư dự án khu dân cư Chợ Mới (thị trấn Cần Giuộc, tỉnh Long An), bà Lan đã thống nhất chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại công ty cho các cá nhân do Công ty cổ phần Sơn Long Thọ chỉ định với tổng trị giá 518 tỉ đồng.

Hiện các cổ đông đã thanh toán 270 tỉ đồng, trong đó có 50 tỉ đồng chuyển cho ông Lê Trần Hùng (được ông Nguyễn Phú Tiên giao đứng tên cổ phần tại Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Phú Châu), và ông Hùng đã chuyển số tiền này vào tài khoản của ông Tiên.

Ngày 1.6.2023, ông Tiên đã nộp số tiền 50 tỉ đồng vào tài khoản tạm giữ của Cơ quan CSĐT Bộ Công an.

Trong kết luận điều tra, cơ quan điều tra cũng nêu rõ đã tiến hành phong tỏa 43 tài khoản của các bị can và cá nhân đứng tên hộ bị can mở tại nhiều ngân hàng, tổng số tiền phong tỏa là hơn 1.800 tỉ đồng và gần 8,5 triệu USD; ngăn chặn giao dịch đối với số dư hơn 789 tỉ đồng trong tài khoản mở tại SCB của Công ty cổ phần Sài Gòn Kim Cương. Kết quả điều tra xác định bị can Trương Mỹ Lan đã giao cho các cá nhân nắm giữ hơn 120 triệu cổ phần, chiếm 66,93% vốn điều lệ Công ty cổ phần Sài Gòn Kim Cương, tương ứng với hơn 1.200 tỉ đồng. Công ty này có nhiều tài khoản mở tại SCB và tài khoản thanh toán mở tại SCB chi nhánh Cống Quỳnh với tổng số dư hơn 789 tỉ đồng.

Cơ quan điều tra đã ngăn chặn số tiền trên trong tài khoản thanh toán và tiền gửi có kỳ hạn của Công ty cổ phần Sài Gòn Kim Cương, để bị can Trương Mỹ Lan khắc phục số tiền đã chiếm đoạt.

Ngoài ra, trong vụ án này, cơ quan điều tra còn tiến hành tạm giữ, kê biên loạt bất động sản liên quan đến bà Trương Mỹ Lan. Cụ thể, tạm giữ 1.266 bản chính giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hơn 1.700 bản photo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Cơ quan điều tra kê biên 1.237 bất động sản liên quan đến bà Trương Mỹ Lan, kê biên hơn 857 triệu cổ phần SCB của bà Lan và các cá nhân đứng tên hộ bà Lan, kê biên 22 tài sản là phương tiện, gồm 1 du thuyền, 2 tàu, 19 ô tô của bị can Trương Mỹ Lan và Trương Huệ Vân do các pháp nhân đứng tên.

Đối với hành vi “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” mà bị can Nguyễn Cao Trí bị đề nghị truy tố, cơ quan điều tra đã kê biên 7 bất động sản của bị can Trí, gia đình bị can Trí đã tự nguyện nộp hơn 1.000 tỉ đồng.

Bài liên quan
7 nguyên lãnh đạo SCB bị truy nã trong vụ  Vạn Thịnh Phát
Cơ quan CSĐT Bộ Công an cho biết đã ra quyết định truy nã 7 bị can trong vụ án xảy ra tại SCB, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và các đơn vị liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 3: Hiến kế phát triển nghề
Để nghề sản xuất muối vượt qua khó khăn, làm tiền đề để nâng cao đời sống và có nhiều hơn những hộ khá giàu, bà con diêm dân đã mạnh dạn hiến kế để chính quyền địa phương xem xét, lựa chọn kế sách phù hợp, từng bước đưa nghề muối ở Bạc Liêu phát triển bền vững, diêm dân sống được với nghề vốn được xem là truyền thống.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kê biên loạt bất động sản, du thuyền liên quan đến bà Trương Mỹ Lan