Kết nối và phát huy nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam.

Kết nối nguồn lực người Việt ở nước ngoài, đẩy mạnh khởi nghiệp sáng tạo

Thu Anh | 16/07/2021, 19:49

Kết nối và phát huy nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam.

Liên kết cộng đồng khởi nghiệp trong và ngoài nước

Chiều 16.7, Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH-CN, Văn phòng Đề án 844 và Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài phối hợp tổ chức hội thảo “Kết nối và phát huy nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam”, nhằm thu hút các nhà khoa học, chuyên gia công nghệ, doanh nhân kiều bào chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm thực tế cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam.

Theo số liệu từ chương trình “Cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo 2020”, cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là dịch vụ nền tảng, có tác động mạnh mẽ đến việc tăng doanh thu gấp 3,5 lần và cơ hội gọi vốn thành công tăng 7 lần cho người khởi nghiệp. Tuy nhiên, chương trình cố vấn khởi nghiệp tại các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam 2020 còn gặp hạn chế liên quan đến dịch vụ cố vấn và lập kế hoạch triển khai dịch vụ.

ket-noi-nguon-luc-nguoi-viet-o-nuoc-ngoai-day-manh-khoi-nghiep-sang-tao-anh-1.jpg
Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Văn Tùng phát biểu tại Hội thảo

Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Văn Tùng cho biết trong khuôn khổ Đề án 844, Bộ KH-CN đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, tổ chức chính trị xã hội triển khai nhiều chương trình, hoạt động để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia.

Theo Thứ trưởng, có nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam với sản phẩm, giải pháp đổi mới sáng tạo đã bước ra sân chơi quốc tế, chứng minh được năng lực và được cộng đồng quốc tế công nhận. Nhiều doanh nghiệp, chuyên gia với thời gian làm việc ở nước ngoài cũng đã quay về Việt Nam hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam và tạo được những tác động đáng ghi nhận.

“Mặc dù dịch bệnh COVID-19 đang tác động tiêu cực lên toàn thế giới, nhưng bối cảnh này lại cho thấy thời cơ vàng cho nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo với các giải pháp khác biệt”, Thứ trưởng cho biết.

Cụ thể, có nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo với các nền tảng quản trị, giải pháp kết nối trực tuyến, các ứng dụng với công nghệ AI, Robot, IoT… Nhiều giải pháp trên được xây dựng và phát triển bởi những doanh nhân, chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài và có những đóng góp cho công tác phòng, chống dịch của Việt Nam.

ket-noi-nguon-luc-nguoi-viet-o-nuoc-ngoai-day-manh-khoi-nghiep-sang-tao-anh-2.jpg
Thứ trưởng Bộ KH-CN và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao ký kết hợp tác

Trong bối cảnh này, Bộ KH-CN xác định những hoạt động trong hệ sinh thái cũng cần có điều chỉnh để phù hợp tình hình thực tế. Trong năm 2021, Ngày hội khởi nghiệp sáng tạo quốc gia - Techfest sẽ tiếp tục được tổ chức với mục tiêu nâng cao vai trò của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong ứng phó với đại dịch và góp phần phục hồi nền kinh tế…

Những hoạt động trên là cơ sở tiền đề để Bộ KH-CN nắm bắt được thực trạng, các vấn đề khó khăn, vướng mắc của cộng đồng người Việt ở nước ngoài trong việc triển khai các dự án, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, đưa các giải pháp này về Việt Nam và hỗ trợ cho Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam.

Tuy nhiên, từ góc độ hoạch định chính sách để phát huy hơn nữa sự tham gia của trí thức, chuyên gia, doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài với khởi nghiệp sáng tạo trong nước, theo Thứ trưởng Tùng, chúng ta cần phải tìm hiểu sâu hơn những nhu cầu thực chất của kiều bào, trí thức Việt khi tham gia vào hoạt động trong nước, từ đó xây dựng và triển khai các chính sách thu hút một cách toàn diện và có hệ thống.

Xuất phát từ thực tiễn đó, Bộ KH-CN đã đề xuất Chính phủ điều chỉnh, bổ sung một số trọng tâm hoạt động trong việc triển khai Đề án 844 tại quyết định số 188 của Thủ tướng Chính phủ ngày 9.2.2021 về việc Sửa đổi quyết định số 844.

Cụ thể, cần hình thành một Mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia với chức năng cầu nối thu hút sự tham gia của các chuyên gia, trí thức, doanh nhân người Việt Nam tại nước ngoài hỗ trợ cho khởi nghiệp sáng tạo trong nước nói riêng và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nói chung.

Mạng lưới này sẽ góp phần thúc đẩy liên kết giữa cộng đồng khởi nghiệp trong và ngoài nước, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong nước mở rộng thị trường kinh doanh, thị trường vốn, tiếp cận vốn nguồn lực, nguồn trí tuệ của toàn cầu.

Đặc biệt, mạng lưới cũng sẽ lắng nghe phản hồi từ kiều bào để kiến nghị các giải pháp góp phần giải quyết khó khăn, vướng mắc của cộng đồng người Việt ở nước ngoài khi phát triển doanh nghiệp, tham gia vào hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam.

ket-noi-nguon-luc-nguoi-viet-o-nuoc-ngoai-day-manh-khoi-nghiep-sang-tao.jpg
Các diễn giả, chuyên gia chia sẻ tại Hội thảo

Đặt niềm tin vào con người Việt Nam

Cuộc CMCN lần thứ 4 với sự đột phá là các nền tảng công nghệ số đang mở ra cơ hội cải thiện cho toàn bộ hệ thống kinh tế - xã hội tại Việt Nam và thế giới. Trong bối cảnh đó, các quốc gia, doanh nghiệp đều nhận thức rõ và ưu tiên nguồn lực cho việc nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI), tự động hóa và phát triển nguồn nhân lực.

Theo bà Lê Diệp Kiều Trang (Giám đốc Tài chính AREVO/Nhà sáng lập ALABASTER), chúng ta đang có nguồn lực về con người, đặc biệt là trong lĩnh vực Toán và Khoa học kỹ thuật. “Hướng tiếp cận của chúng tôi khi đầu tư chính là Vốn - Công nghệ - Con người. Trong đó, vốn và công nghệ được chúng tôi đem từ nước ngoài về, và đặt niềm tin vào con người ở Việt Nam”, bà Trang chia sẻ.

Vậy câu hỏi đặt ra là việc sử dụng AI, tự động hóa vào Việt Nam có phù hợp hay không? Yếu tố con người sẽ đóng vai trò như thế nào? Và AI, tự động hóa có lấy đi cơ hội của con người hay không? Lấy ví dụ điển hình từ chính công ty AREVO hoạt động trong ngành sản xuất, bà Trang cho biết AREVO vận dụng AI vào trong tổ chức sản xuất, thuật toán tự tính toán lại các thiết kế.

“Chúng tôi nhập các máy in 3D về Việt Nam cách đây 1 năm, xây dựng được nhà máy tại TP.HCM, sử dụng robot, được kết nối với nhau lên cloud tạo được độ chính xác cao. Tự động hóa và AI giúp cho ngành sản xuất có một bước tiến, bước đột phá lớn hơn rất nhiều thay vì sử dụng công nghiệp truyền thống. Điều này cho thấy Việt Nam hoàn toàn có thể ứng dụng AI trong lĩnh vực sản xuất”, bà Trang chia sẻ.

Theo ông Phạm Kim Cương (CEO COHOST AI), công ty đã sử dụng ứng dụng chatbot, AI vào việc chăm sóc khách hàng. Ông Cương cũng chia sẻ rằng trong đợt dịch COVID-19 vừa qua, các nhà kinh doanh đã có những giải pháp tồn tại trong mùa dịch như chuyển đổi khách hàng, chuyển đổi mô hình kinh doanh, chuyển đổi mô hình tài chính…

Để giúp cho nền kinh tế chia sẻ được phát triển rộng rãi, ông Cương đề xuất cần đẩy nhanh Chính phủ điện tử, miễn thuế doanh nghiệp cho các doanh nghiệp siêu nhỏ ở một mức độ phù hợp…

Bài liên quan
Cần hình thành mạng lưới nghiên cứu, cố vấn, phản biện về khởi nghiệp sáng tạo
Theo TS. Phạm Hồng Quất, chúng ta cần phải hình thành mạng lưới nghiên cứu, cố vấn, phản biện về khởi nghiệp sáng tạo.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: 'Nếu để lỡ thời cơ là có lỗi với đất nước và nhân dân'
36 phút trước Sự kiện
Sáng 20.1 tại trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tổ chức gặp mặt các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy viên Trung ương Đảng các khóa nhằm ôn lại truyền thống vẻ vang 95 năm xây dựng, trưởng thành của Đảng (3.2.1930 - 3.2.2025); tri ân, tôn vinh đảng viên có nhiều công lao đóng góp cho Đảng, cho đất nước; thông tin về tình hình đất nước và chúc tết nhân dịp Xuân Ất Tỵ năm 2025.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kết nối nguồn lực người Việt ở nước ngoài, đẩy mạnh khởi nghiệp sáng tạo