Theo TS. Phạm Hồng Quất, chúng ta cần phải hình thành mạng lưới nghiên cứu, cố vấn, phản biện về khởi nghiệp sáng tạo.
Giới trẻ - đội ngũ sáng tạo đông đảo nhất
Ngày 10.7, Văn phòng Đề án 844, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh (Bộ KH-CN), Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp Quốc gia, Trung tâm Khởi nghiệp và Sáng tạo Xã hội tổ chức Hội thảo khoa học “Kết nối mạng lưới nghiên cứu, xây dựng chính sách về khởi nghiệp sáng tạo”, dưới sự chỉ đạo của Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH-CN (Bộ KH-CN) và Trường đại học Kinh tế Quốc dân…
Sau khi Quyết định 844/QĐ-TTg Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp của Thủ tướng Chính phủ được triển khai, các hoạt động trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã đạt được những thành tựu đáng kể.
Một loạt các giải pháp được xây dựng và đề xuất từ các chủ thể trong hệ sinh thái như Trường đại học, cơ quan quản lý Nhà nước. Cụ thể, hoàn thiện cơ chế chính sách đặc thù hỗ trợ các doanh nghiệp nghiên cứu, đầu tư vào khởi nghiệp sáng tạo; ban hành bộ chỉ số xếp hạng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia hay nghiên cứu các cơ chế thúc đẩy doanh nghiệp spin-off từ cơ sở giáo dục…
Tuy nhiên, việc nghiên cứu đồng bộ và thống nhất ở các địa phương, vai trò của các đơn vị nghiên cứu như Viện/Trường đại học trong việc đóng góp xây dựng chính sách của địa phương chưa được đề cao. Sự phối hợp hiệu quả giữa các đơn vị nghiên cứu với cơ quan quản lý địa phương về hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo còn yếu, đặc biệt là chưa có một mạng lưới thống nhất trên quy mô cả nước về việc nghiên cứu, xây dựng chính sách cho khởi nghiệp sáng tạo.
Theo GS.TS Hoàng Văn Cường (Phó hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế Quốc dân), đội ngũ đổi mới sáng tạo đông đảo nhất đến từ các bạn trẻ, từ cấp Phổ thông đến Trường đại học, nhưng sự đổi mới này phải có cơ sở, có căn cứ, dựa trên tri thức.
GS.TS Hoàng Văn Cường cũng cho biết việc đăng cai tổ chức Hội thảo này mang lại mục tiêu kép cho Trường, bao gồm việc thu nhận các ý tưởng, thách thức về KH-CN nhằm đẩy mạnh hoạt động về đào tạo khởi nghiệp cho thế hệ trẻ; bên cạnh đó càng khẳng định được rằng việc đưa khởi nghiệp sáng tạo vào đào tạo tại Trường đại học là một cách làm đúng đắn…
Về thực trạng một số vấn đề nghiên cứu triển khai trong thời gian qua, ông Huỳnh Kim Tước (Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH-CN - Sở KH-CN TP.HCM) cho biết trong 5 năm vừa qua, TP.HCM định vị mình là điểm kết nối các địa phương, các tỉnh thành, các đầu mối quan hệ quốc tế; tập trung vào thị trường tài chính; thời gian ngắn hạn tập trung phát triển KH-CN, thời gian dài hạn phải thay đổi giáo dục phổ thông.
Hiện TP.HCM đang liên tục tổ chức các chương trình kết nối thị trường và thúc đẩy hoạt động đầu tư tài chính cho khởi nghiệp sáng tạo; đặc biệt, đưa chương trình đổi mới sáng tạo vào trường phổ thông. Từ đó, ông Huỳnh Kim Tước cho rằng Việt Nam cần bộ giáo trình về đào tạo STEM, bên cạnh đó việc đào tạo đội ngũ giảng viên để giảng dạy STEM là vô cùng quan trọng…
Kéo các nhà khoa học vào cuộc chơi của đổi mới sáng tạo
Dưới góc độ của cơ quan quản lý Nhà nước về KH-CN, khởi nghiệp sáng tạo, theo ông Nguyễn Anh Tuấn (Phó giám đốc Sở KH-CN Hà Nội), hiện các nhà khoa học chưa hoàn toàn chủ động nắm bắt vấn đề thực tiễn liên quan đến chính sách; mặt khác, Sở cũng chủ động đặt hàng các nhà khoa học về các nhiệm vụ cần thiết.
Đáng chú ý, trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, ông Tuấn cho biết Sở KH-CN Hà Nội đang đặt hàng các nhà khoa học nghiên cứu 2 vấn đề, đó là "Giải pháp nâng cao hiệu quả quản trị tài sản trí tuệ trong các Trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Hà Nội"; "Đề xuất các cơ chế, chính sách, giải pháp về phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn thành phố nói chung"; nhằm giúp cho Hà Nội có những bước tiến tốt hơn trong việc phát triển tài sản trí tuệ…
Để cho các nhà khoa học có thể nghiên cứu được tốt, một số chuyên gia đề nghị cần có một mạng lưới thông tin đầy đủ, các Sở KH-CN cấp tỉnh cần triển khai Cổng thông tin về khởi nghiệp; kéo các nhà khoa học vào cuộc chơi của đổi mới sáng tạo…
“Để hỗ trợ cho khởi nghiệp sáng tạo, cần có cơ chế tốt, hướng dẫn các Quỹ KH-CN của địa phương hoạt động một cách hiệu quả; hỗ trợ doanh nghiệp phát triển các ý tưởng về công nghệ nhằm tiếp tục nâng cao năng suất, đổi mới công nghệ...”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Về phía Bộ KH-CN, TS. Phạm Hồng Quất (Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH-CN, Bộ KH-CN) nhận định: "Tài nguyên trí tuệ của sáng tạo rất lớn, phải đào tạo mạnh, tư vấn mạnh".
Để hình thành mạng lưới nghiên cứu về khởi nghiệp sáng tạo, ông Quất đề xuất các Trường đại học kết nối với các vườn ươm, tạo ra nền tảng chia sẻ để tìm ra nghiên cứu phù hợp… Quan trọng, cần phải có người tư vấn phù hợp, phải có sự trao đổi qua lại, có sự đánh giá từ khu vực đào tạo, từ người tư vấn, người phản biện chính sách… hình thành mạng lưới nghiên cứu, cố vấn, phản biện.