Khi số ca mắc COVID-19 ở Việt Nam tăng nhanh, đặc biệt là TP.HCM, vài trang mạng hôm qua đưa tin vi rút SARS-CoV-2 lây qua không khí và cho rằng Bộ Y tế đã bổ sung điều này trong phiên cập nhật mới nhất. Thế nhưng, bác sĩ Trương Hữu Khanh khẳng định vi rút gây bệnh COVID-19 không lây qua đường không khí.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh (nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Nội thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1, chuyên gia về dịch tễ học tại TP.HCM), nếu nói bệnh lây qua đường không khí là không khí chứa vi rút di chuyển từ vùng này sang vùng khác rồi gây bệnh, thế nên vi rút gây COVID-19 không lây qua đường không khí.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh lý giải: “Bệnh lây qua đường nước là nước chứa tác nhân gây bệnh di chuyển từ vùng này sang vùng khác, xong người khác uống vào bị bệnh (thương hàn, tả…). Nếu nói bệnh lây qua đường không khí là không khí chứa vi rút di chuyển từ vùng này sang vùng khác gây bệnh, như vậy vi rút gây bệnh COVID-19 không lây qua đường không khí.
Vi rút gây COVID-19 hiện nay lây mạnh hơn và sắp bằng các loại vi rút gây bệnh ở người như cúm, sởi chứ không lây qua đường không khí. Vi rút lây mạnh hơn nhưng không thể tồn tại một mình trong không khí mà luôn luôn phải nằm trong giọt bắn (dịch hầu họng, nước miếng của người mắc bệnh)”.
Không chỉ Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới đang phải đối mặt với sự gia tăng rất nhanh số ca mắc COVID-19, mà nguyên nhân chủ yếu là do biến thể Delta từ Ấn Độ gây ra. Biến thể Delta có tốc độ lây lan cực nhanh, đã xuất hiện ở gần 100 quốc gia, chiếm đa phần số ca bệnh.
Đặc điểm của biến chủng Delta hoành hành tại TP.HCM là có tỉ trọng nhẹ hơn các chủng khác nên thời gian chúng lơ lửng trong không khí lâu hơn trước khi rơi xuống bề mặt. Đặc biệt, chủng này chỉ mất 3 ngày sẽ tạo ra một chu kỳ mới.
PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế), cho rằng biến thể Delta có tốc độ lây lan nhanh, qua vài lần tiếp xúc gần, các ca F1, F2 nhanh chóng trở thành ca F0. Đặc biệt, vi rút lây mạnh trong môi trường kín như trong nhà, khu vực tập trung đông người, nhà máy, xí nghiệp, quán ăn uống.
Theo PGS-TS Trần Đắc Phu, hiện nay đường lây truyền của virus SARS-CoV-2 chưa thay đổi nhưng nhiều khi người dân đã quên cách phòng bệnh, như phải mở cửa để môi trường sống và làm việc thông thoáng khí.
“Trong môi trường kín, điều hòa, vi rút lơ lửng trong không khí, dễ phát tán gây lây lan mạnh hơn. Điều này có thể thấy rõ ở những ổ dịch trong nhà máy, khu công nghiệp, quán bar karaoke...”, PGS-TS Trần Đắc Phu phân tích.
Trước tình hình dịch tại TPHCM và một số tỉnh, thành phía Nam đang gia tăng rất nhanh, GS-TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, cũng nhận định một trong những nguyên nhân là do biến thể Delta.
Theo GS-TS Phan Trọng Lân, khu vực phía Nam đã ghi nhận một số trường hợp có triệu chứng hoặc dương tính với COVID-19 chỉ sau hơn 1 ngày tiếp xúc phơi nhiễm. Các chuỗi lây truyền tại khu vực phía Nam hiện nay ghi nhận chủ yếu tại các hộ gia đình, nơi ăn uống chung, văn phòng cao ốc. Gần đây có thêm lây lan trong hàng xóm, nhà máy, xí nghiệp, các khu vực chợ đông người.
“Đây đều là nơi diễn ra các hành vi nguy cơ cao, như: giao lưu đi lại nhiều, tụ tập đông người; ở lại lâu trong các môi trường, không gian kín, kém thông khí, nói to, nói trong khoảng thời gian dài... là hành vi làm gia tăng đáng kể nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2”, GS-TS Phan Trọng Lân nhấn mạnh.
Biến thể mới Delta được đánh giá lây lan mạnh và gây ra nhiều biến chứng nặng không chỉ với những người có bệnh lý nền mà còn khiến nhiều người trẻ cũng gặp phải diễn biến nặng.
Trong khi bác sĩ Trương Hữu Khanh cho rằng vi rút SARS-CoV-2 hiện lây mạnh hơn có thể do các lý do sau:
1. Một giọt bắn có thể chứa nhiều vi rút hơn trước. Nói chuyện, thở, ho, hắt hơi cũng phát ra giọt bắn.
2. Chu kỳ lây từ sang người tiếp theo sẽ ngắn hơn do thời gian ủ bệnh trung bình ngắn hơn.
3. Lượng vi rút cần đủ gây bệnh ít hơn lúc trước khi sau khi tấn công vào vùng hầu họng. Khả năng bám và đi vào tế bào ở vùng họng nhanh hơn.
4. Lây nhiễm như sau:
- Mặt đối mặt dưới 2m mà 1 trong 2 người không đeo khẩu trang đúng cách.
- Bàn tay đã bị bám giọt bắn có chứa vi rút và đưa lên vùng mũi, miệng.
Cần chú ý kiểu lây này hiện nay vì lúc trước cần nhiều giọt bắn bám vào tay đưa lên vùng mũi miệng mới lây, bây giờ ít giọt bắn cũng lây.
- Trong phòng nhiệt độ lạnh (càng lạnh vi rút càng dễ lây), kín và không thông thoáng, người mang vi rút không đeo khẩu trang đúng cách nói chuyện, thở, ho, hắt hơi đưa giọt bắn có chứa vi rút. Người khác không đeo khẩu trang hít vào sẽ bị lây, hoặc khi vào phòng này dù có đeo khẩu trang nhưng bị giọt bắn bám vào bàn tay do cầm nắm các vật dụng trong phòng có chứa giọt bắn, sau đó đưa lên vùng mũi miệng. Lúc trước nhiều giọt bắn lơ lửng mới lây, bây giờ thì ít cũng lây.
Ngoài ra, bác sĩ Trương Hữu Khanh lưu ý một số điều sau:
- Giọt bắn chứa bao nhiêu vi rút sẽ bị cản bởi khẩu trang.
- Giọt bắn không thể bất ngờ văng vào mặt nếu có tấm che giọt bắn.
- Có bao nhiêu giọt bắn trên bàn tay cũng sẽ hết và vi rút sẽ chết nếu rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn hay xà phòng.
- Phòng thông thoáng, nhiệt độ cao, vệ sinh bề mặt nơi làm việc thì vi rút sẽ không tồn tại trong phòng lâu.
- Vi rút cho bây giờ vẫn chết khi đủ ánh nắng, có tia UV.
- Vi rút sẽ giảm nồng độ trong phòng làm việc nếu thông thoáng.
- Phải đeo khẩu trang kín, che giọt bắn khi ra khỏi nhà, tiếp xúc với bắt cứ ai.
- Làm việc trong phòng lạnh kín phải chú ý đeo khẩu trang đúng cách, vệ sinh bề mặt, rửa tay, mở cửa tối đa khi có thể.
Cuối cùng, bác sĩ Khanh nhấn mạnh: “Không nên nói vi rút lây qua không khí khi thấy số ca bệnh tăng nhanh. Vi rút không có lây qua đường không khí”.
Thêm 603 ca COVID-19, TP.HCM ghi nhận 19.405 bệnh nhân
Tính từ 18 giờ ngày 14.7 đến 6 giờ ngày 15.7, TP.HCM ghi nhận thêm 603 ca mắc COVID-19 mới đã được Bộ Y tế công bố vào sáng 15.7 (BN37637-BN38239).
Trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27.4 đến nay, TP.HCM đã có hơn 19.405 ca mắc COVID-19. Trong 603 ca COVID-19 mới được công bố có 547 trường hợp là các tiếp xúc đã được truy vết, được cách ly hoặc ở trong khu vực phong tỏa, 56 người đang điều tra dịch tễ. TP.HCM đang hoàn tất hồ sơ chi tiết của các trường hợp này.
Công tác lấy mẫu xét nghiệm của TP.HCM đang được triển khai đúng hướng; tập trung có trọng tâm, trọng điểm ở những nơi có nguy cơ cao; sự vận hành, phối hợp từ thành phố đến các quận, huyện, TP.Thủ Đức đã đồng bộ, hài hòa hơn. Thành lập Tổ chỉ đạo công tác xét nghiệm tại các quận huyện, đồng thời tiếp nhận sự hỗ trợ về nguồn nhân lực từ Trung tâm điều hành xét nghiệm của TP.HCM, đảm bảo cho việc trả kết quả xét nghiệm được diễn ra đúng thời hạn (mẫu đơn trong vòng 12 tiếng và mẫu gộp trong vòng 24 tiếng).
Sau 9 ngày triển khai chính sách hỗ trợ (từ 5.7), đã có gần 131.000 người lao động tự do, trong đó có 34.000 người chạy xe ôm, 20.000 người bán vé số dạo (8.000 người tạm trú) trên địa bàn TP.HCM được hỗ trợ với tổng số tiền gần 196 tỉ đồng.
Từ ngày 15.7, TP.HCM sẽ tập trung chi hỗ trợ cho 80.000 lao động ở các doanh nghiệp phải ngừng việc, nghỉ việc; 60.000 điểm kinh doanh ở các chợ truyền thống và khoảng 9.000 hộ kinh doanh cá thể dừng hoạt động.
Hiện nay ngành Y tế TP.HCM đang rất nỗ lực trong công tác điều trị, ngăn chặn các ca tử vong. Lúc này, mỗi cá nhân cần phát huy tối đa vai trò, trách nhiệm của mình trong việc chấp hành nghiêm các quy định của Chỉ thị 16, khuyến cáo 5K của Bộ Y tế và chia sẻ thông tin chính thống về các quy định cũng như thành quả chống dịch COVID-19 mà TP.HCM đã đạt được trong thời gian qua để người dân biết, yên tâm, tin tưởng và chủ động đấu tranh với các thông tin tiêu cực, sai lệch, kích động gây hoang mang dư luận.