Sáng 15.10, Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025 đã chính thức khai mạc.
Tham dự khai mạc Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng và các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
TP.HCM đạt nhiều kết quả quan trọng, toàn diện
Phát biểu khai mạc Đại hội, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết, về tổng thể, 5 năm qua thành phố đã tiếp tục phát triển, giữ vững vai trò đầu tàu, trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước, văn hóa, chất lượng đời sống người dân được nâng cao. GRDP/người của thành phố là hơn 6.300 USD vào năm 2020.
Thành phố là địa phương có năng suất lao động cao nhất bằng 2,6 lần năng suất lao động bình quân cả nước. Mặc dù chỉ chiếm 0,6% diện tích và 8,6% lao động cả nước, nhưng nhờ năng suất lao động cao mà thành phố đóng góp hơn 22% vào kinh tế cả nước, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 – 2019 là 7,7%/năm
TP.HCM luôn là địa phương đóng góp ngân sách lớn nhất, chiếm 27% tổng thu ngân sách quốc gia, trong khi là địa phương có tỷ lệ chi ngân sách trên thu ngân sách thấp nhất cả nước. Thành phố còn là trung tâm công nghiệp và dịch vụ lớn nhất, chiếm tỷ trọng 15% công nghiệp và 33% dịch vụ của cả nước.
Khu công nghệ cao TP.HCM là khu công nghệ cao thành công nhất cả nước. Với diện tích khoảng 800 ha, Khu công nghệ cao đã thu hút vốn đầu tư nước ngoài hơn 8 tỉ USD và 35.000 lao động, xuất khẩu 5 năm qua là 63 tỉ USD, bình quân một lao động xuất khẩu hơn 8 tỉ đồng/năm.
Công tác quy hoạch, quản lý và phát triển hạ tầng và dịch vụ đô thị đạt nhiều kết quả thiết thực. Văn hóa - xã hội, y tế, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ tiếp tục phát triển. Chất lượng cuộc sống người dân được nâng cao, đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo đời sống cho các đối tượng nghèo, gia đình chính sách, có công có nhiều tiến bộ. Năm 2020, thành phố đã quyết liệt phòng, chống dịch COVID-19 thành công với nhiều mô hình sáng tạo, hiệu quả.
Đặc biệt, TP.HCM là một địa phương đi đầu trong việc tiếp thu ý kiến của nhân dân, báo chí. TP.HCM cũng đã kiểm tra, kết luận và xử lý kỷ luật 328 đảng viên, 378 công chức, viên chức đã vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Bình quân mỗi tháng có 10 đảng viên phải kỷ luật về mặt Đảng, 11 cán bộ, công chức, viên chức bị kỷ luật về mặt chính quyền qua việc tiếp thu ý kiến của nhân dân.
Ông Nguyễn Thiện Nhân đánh giá yếu kém lớn nhất của Đảng bộ TP.HCM là chưa phát huy hết được tiềm năng, lợi thế của thành phố, của hợp tác vùng và hợp tác quốc tế để thành phố phát triển nhanh hơn, bền vững hơn.
Ngoài ra, công cuộc chống tham nhũng, suy thoái đã có tiến bộ, song chưa căn bản, chưa đáp ứng yêu cầu của Đảng, của nhân dân và đòi hỏi phát triển của thành phố.
Nhiều mục tiêu cho lãnh đạo nhiệm kỳ mới
Cũng tại buổi khai mạc, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết trong giai đoạn 2020-2025, Đảng bộ, chính quyền TP.HCM tiếp tục tăng cường xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Thành phố tiếp tục theo đuổi mục tiêu đô thị thông minh, phát triển nhanh, bền vững, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước. TP.HCM cũng cần đạt mục tiêu trở thành trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á.
Cụ thể, đến năm 2025, TP.HCM cần chuyển dịch để trở thành thành phố dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại. GRDP bình quân đầu người khoảng 8.500 đến 9.000 USD.
Đến năm 2030, TP.HCM trở thành thành phố dịch vụ, công nghiệp hiện đại, văn hóa, đầu tàu kinh tế số với GRDP bình quân đầu người khoảng 13.000-14.000 USD, là trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á.
Đối với tầm nhìn 2045, TP.HCM sẽ trở thành trung tâm về kinh tế, tài chính của Châu Á, phát triển bền vững, có chất lượng cuộc sống cao, GRDP bình quân đầu người khoảng 40.000 USD, là điểm đến hấp dẫn toàn cầu.
Chủ tịch UBND TP.HCM nói rằng để đạt được những mục tiêu phát triển thành phố giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn 2030, Đảng bộ TP.HCM đã xây dựng và thực hiện 4 chương trình phát triển TP.HCM.
Thứ nhất là chương trình đột phá đổi mới quản lý. TP.HCM sẽ tiếp tục chủ động, kiên trì kiến nghị, triển khai các cơ chế, chính sách quản lý thành phố phù hợp tính chất đô thị đặc biệt, đầu tàu về nhiều mặt của cả nước.
Thứ hai là chương trình đột phá phát triển hạ tầng. TP.HCM đặt mục tiêu trọng tâm là phát triển đồng bộ và hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là đầu tư phát triển hạ tầng dịch vụ, hạ tầng viễn thông, hạ tầng số, hạ tầng công nghiệp, hạ tầng giao thông, tạo môi trường, điều kiện tốt để phát triển kinh tế - xã hội.
Thứ ba là chương trình đột phá phát triển nhân lực và văn hóa. TP.HCM đặt mục tiêu trọng tâm là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đào tạo đạt trình độ quốc tế ở 8 lĩnh vực. TP.HCM cũng tập trung phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo.
Thứ tư là chương trình trọng điểm phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực. Mục tiêu trọng tâm của chương trình là đồng hành và tích cực hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, nâng cao hiệu quả hợp tác các ngân hàng, tổ chức tài chính và Nhà nước để hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp và phát triển. Ngoài ra, các sản phẩm, thương hiệu chủ lực của thành phố cần được hình thành, nâng cao tủ lệ cung ứng.
“Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XI nhận thức sâu sắc trách nhiệm đối với nhân dân thành phố và nhân dân cả nước. Đảng bộ thành phố quyết tâm khắc phục yếu kém, khuyết điểm, nắm chắc thời cơ, vượt qua thử thách để xứng đáng với thành phố mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh - thành phố Anh hùng”, ông Phong nói.