Trong số hơn 90 lỗi nghiêm trọng đến mức nếu không sửa thì không thi hành được, giả dụ chúng ta không sớm phát hiện ra, biết đâu sau này có biết bao trường hợp bị hàm oan, hoặc người phạm tội có thể sẽ bị tăng nặng cũng như giảm nhẹ một cách vô lý, thì đều đáng trách.
Việc Quốc hội khóa 13 thông qua Bộ luật Hình sự (sửa đổi) mà còn để tới hơn 90 lỗi đáng tiếc tồn tại (nếu không sửa ngay thì luật không thi hành được) quả là sự cố hy hữu và khó chấp nhận. Có thể coi đây như sự cố nghiêm trọng trong khâu làm luật hiện nay của Quốc hội, rất cần được suy nghĩ, mổ xẻ một cách thật nghiêm túc, rút kinh nghiệm để sau này Quốc hội không còn mắc phải trong các nhiệm kỳ tiếp theo.
Theo sắc lệnh mà Chủ tịch nước ký ban hành, Bộ luật Hình sự (sửa đổi) sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2016. Nhưng hôm 26.6 vừa rồi, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phải triệu tập gấp cuộc họp với trưởng đoàn đại biểu quốc hội (ĐBQH) các tỉnh, thành phố để bàn cách hoãn. Được biết cơ quan chức năng đã phát hiện bộ luật này có tới hơn 90 nội dung cần sửa đổi, bổ sung. “Mức độ còn nghiêm trọng hơn rất nhiều so với sự cố điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội trước đó” - một thành viên tham dự cuộc họp cho biết (theo báo Tuổi trẻ ngày 27.6).
Trên tinh thần đó, một việc khẩn cấp và cũng thật hy hữu đã được triển khai, là Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 13 đã thống nhất rằng các trưởng đoàn ĐBQH sẽ đem theo tài liệu, dự thảo nghị quyết, phiếu biểu quyết về triệu tập cuộc họp đoàn trong 1-2 ngày tới để thảo luận vấn đề này và bỏ phiếu lại rồi đem phiếu đó về Trung ương, thành lập tổ kiểm phiếu...
Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định, ông Nguyễn Anh Sơn đã thành thật chia sẻ trên báo rằng thông qua luật mà để lỗi như vậy thì Quốc hội có lỗi với dân. Lỗi trước hết thuộc về gần 500 đại biểu đã biểu quyết thông qua bộ luật này... Tôi đánh giá cao cách xử lý sự cố đáng tiếc này của Thường vụ Quốc hội khóa 13, dù sắp mãn nhiệm và nay đã bầu được các ĐBQH khóa 14 mới. Song trách nhiệm của Quốc hội khóa 13 lúc này đâu đã có thể “buông" được như thế, đó là điều cần ghi nhận, dù là một ghi nhận buồn...
Tôi tưởng tượng (và cũng không biết đã chuẩn chưa), trong số hơn 90 lỗi nghiêm trọng đến mức nếu không sửa thì không thi hành được kia, giả dụ chúng ta không sớm phát hiện ra, biết đâu sau này có biết bao trường hợp bị hàm oan, hoặc người phạm tội có thể sẽ bị tăng nặng cũng như giảm nhẹ một cách vô lý, thì đều đáng trách.
Theo tinh thần của hội nghị được triệu tập họp gấp nói trên, nếu đa số ĐBQH đồng ý theo phương án được trình, Bộ luật Hình sự sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2017. Trong thời gian đó, Quốc hội khóa 14 sẽ tiến hành sửa đổi, bổ sung hơn 90 nội dung phát hiện có sai sót.
Và với việc chậm thực thi Bộ luật Hình sự 6 tháng để giúp Quốc hội khóa cũ và khóa 14 (mới) có đủ thời gian chỉnh sửa, thông qua và Chủ tịch nước ký ban hành, chắc chắn xã hội sẽ bớt đi nhiều những oan trái do luật chưa hoàn chỉnh mà ra. Âu cũng còn may mắn cho nhân dân trước sự cầu thị nghiêm túc của Quốc hội khóa cũ. Tuy nhiên, có lẽ cũng phải quy trách nhiệm rõ ràng việc này, tìm ra được nguyên nhân những ai là người chịu trách nhiệm. Nó bị sai sót từ khâu nào để đến nông nỗi như trên? Chỉ có vậy mới có thể tránh được những sai sót "chết người" tương tự tiếp diễn.
Quốc Phong