Việc thép Trung Quốc giá rẻ được nhập với số lượng lớn ở nhiều thị trường đã khiến cho ngành công nghiệp thép toàn cầu rơi vào tình trạng dư thừa nguồn cung. Chưa kể, không ít các tập đoàn lớn sản xuất thép trên thế giới có nguy cơ phá sản.
Theo thông tin từ Hiệp hội thép Việt Nam, nhiều quốc gia trên thế giới đang có kế hoạch áp thuế nhập khẩu thép Trung Quốc do tình trạng “bội thực” nguồn cung.
Cụ thể, ngày 13.4.2016, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Junker nói Liên minh châu Âu (EU) đã sẵn sàng áp đặt các biện pháp mạnh tay nếu phát hiện các dấu hiệu bán phá giá thép của các nhà sản xuất Trung Quốc.
Theo đó, EU đang tiến hành điều tra khả năng các nhà sản xuất thép Trung Quốc bán phá giá các sản phẩm tại thị trường châu Âu. Hồi tháng 2.2016, EU cũng đã mở 3 cuộc điều tra chống bán phá giá đối với các sản phẩm thép nhập khẩu từ Trung Quốc và đánh thuế đối với 2 sản phẩm thép khác.
Hiện tại, ngành sản xuất thép của Châu Âu đang khủng hoảng nghiêm trọng khi 20% lực lượng lao động của ngành này đã mất việc làm do doanh nghiệp không thể cạnh tranh nổi với thép nhập khẩu từ Trung Quốc. Trong thời gian tới, EU nói rằng sẽ có những biện pháp trừng phạt trong trường hợp cần thiết.
Trong khi đó, tại Anh, ngoại trưởng nước này cũng tỏ ra quan ngại về cuộc khủng hoảng thừa trong ngành thép và đề nghị phía Trung Quốc tăng cường nỗ lực nhằm giảm sản lượng.
Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh ngành công nghiệp thép của Anh đang đứng trước nguy cơ khủng hoảng, nhất là sau khi tập đoàn thép Tata của Ấn Độ thông báo sẽ bán toàn bộ doanh nghiệp sản xuất tại Anh. Sở dĩ tập đoàn thép Tata đưa ra quyết định này sau gần một thập kỷ hoạt động là do chi phí sản xuất cao và sự cạnh tranh khốc liệt của thép giá rẻ Trung Quốc.
Tại Đức, hơn 40.000 công nhân ngành thép đã xuống đường biểu tình do lo ngại về khả năng thất nghiệp trong tương lai. Công nhân nước này yêu cầu Đức nên mạnh tay hơn đối với thép nhập khẩu từ Trung Quốc.
Đáng chú ý, không chỉ tại châu Âu mà tại chính Trung Quốccũng đang đối mặt với tình trạng thừa nguồn cung quá lớn. Ngày 9.4, Trung Quốc cho biết sẽ cắt giảm 500.000 việc làm trong ngành thép một vài năm tới đây. Chưa kể, Trung Quốc còn có kế hoạch đóng cửa các nhà máy thép để giảm khả năng sản xuất 1,13 tỉ tấn cho tới năm 2020.
Hiện tại, các doanh nghiệp thép lớn tại Trung Quốc đang thua lỗ hơn 15.5 tỉ USD do giá thép giảm giá trị. Ước tính, từ năm 2008 đến nay, giá thép thế giới đã giảm 70% giá trị.
Tại Việt Nam, do nguồn cung thép từ Trung Quốc ngày tăng nên ngày 22.3, Bộ Công Thương đã chính thức áp thuế tự vệ tạm thời đối với mặt hàng phôi thép và thép dài nhập khẩu lần lượt là 23,3% và 14,2% theo quyết định 862/QĐ-BCT.
Chính sách này áp dụng tối đa trong vòng 200 ngày và được đánh giá là có lợi cho doanh nghiệp thép trong nước và làm tăng giá thép nhập khẩu. Đồng thời, mức thuế trên phần nào "cứu" doanh nghiệp thép trong nước giảm bớt áp lực cạnh tranh và khiến các sản phẩm thép nhập khẩu không còn “lộng hành” như trước.
Theo Hiệp hội thép Việt Nam, trong tháng 3.2016, giá nguyên liệu và sản phẩm thép thế giới đột ngột tăng mạnh đặc biệt sau kỳ nghỉ lễ tết nguyên đán tại Trung Quốc. Cụ thể, giá quặng sắt 62% nhập khẩu vào Trung Quốc cuối năm 2015 ở mức 40-42,9USD/tấn, tăng liên tục sau tết và thời điểm cao nhất đạt mức 62,70 USD/tấn, hiện ở khoảng 55 USD/tấn.
Cùng với sự tăng giá mạnh của quặng sắt, phôi thép chào giá CFR Đông Nam Á tăng từ mức dưới 250 USD/tấn cuối năm 2015, sau tết lên 265 USD/tấn và hiện đã tăng lên mức 320 USD/tấn.
Các mặt hàng thép thành phẩm xuất khẩu khu vực Đông Nam Á đầu năm ở mức 257 USD/tấn, hiện đã tăng lên mức323 USD/tấn. Một loạt các nguyên liệu như thép phế cũng tăng 45-55USD/tấn, thép cuộn cán nóng cũng tăng mạnh lên 80-90USD/tấn so với cuối năm 2015.
Phan Diệu