Vào đầu những năm 2000, UBND tỉnh Cần Thơ ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/2.000 khu đô thị mới Nam Cần Thơ, theo hướng xây dựng 1 thành phố hiện đại ở phía nam. Đây là khu đô thị được quy hoạch lớn nhất ĐBSCL.

Khu đô thị mới Nam Cần Thơ sau 20 năm quy hoạch, xây dựng

25/07/2020, 09:01

Vào đầu những năm 2000, UBND tỉnh Cần Thơ ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/2.000 khu đô thị mới Nam Cần Thơ, theo hướng xây dựng 1 thành phố hiện đại ở phía nam. Đây là khu đô thị được quy hoạch lớn nhất ĐBSCL.

Cao ốc Tây Nguyên Plaza - Ảnh: Văn Kim Khanh

Khu đô thị lớn nhất ĐBSCL:

Khi phê duyệt quy hoạch khu đô thị mới Nam Cần Thơ, lãnh đạo tỉnh lúc đó (nay Cần Thơ là TP) rất chú trọng sự kết nối với không gian của khu đô thị hiện hữu (Q.Ninh Kiều) dọc theo 2 bên sông Cần Thơ; đề xuất các giải pháp kết nối quy hoạch khu đô thị mới Nam Cần Thơ, khu vực phát triển cảng, khu công nghiệp phía nam TP và các khu vực lân cận. Đồng thời sẽ tổ chức xây dựng mạng lưới hạ tầng kỹ thuật đồng bộ và hoàn chỉnh; tạo dựng hình ảnh khu đô thị mới dọc theo 2 bờ sông Cần Thơ theo hướng hiện đại kết hợp với những đặc điểm truyền thống phù hợp với thói quen sinh hoạt của người dân.

Phạm vi quy hoạch gồm 2.081 héc-ta được UBND tỉnh Cần Thơ phê duyệt thuộc địa giới hành chính các P.Hưng Phú, Hưng Thạnh, Phú Thứ, Tân Phú, thuộc Q.Cái Răng hiện nay. Vào đầu những năm 2000, khu đô thị mới Nam Cần Thơ chỉ mới manh nha, cầu Quang Trung mới bắt ngang sông Cần Thơ nối liền Ninh Kiều với khu Nam Cần Thơ. Đường Quang Trung- Cái Cui mới bắt đầu được Sở GT-VT tỉnh Cần Thơ tổ chức khởi công dự án. Con đường mới này chỉ 8 km nhưng nó bắt đầu cho 1 khu đô thị mới Nam Cần Thơ hình thành và phát triển.

Dự án khu dân cư Nam Long ở khu đô thị mới Nam Cần Thơ - Ảnh: Văn Kim Khanh

Vào cuối quý 1.2003, doanh nghiệp địa ốc tiên phong đầu tư vào khu đô thị này là Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng số 8 khởi công khu đô thị Hưng Phú hơn 43 héc-ta. Dự án nằm trên tuyến Quang Trung - Cái Cui, cách trung tâm TP.Cần Thơ hiện nay khoảng 3 km. Ngày 31.12.2003, Công ty Xây dựng Công trình giao thông 577 cũng khởi công dự án khu đô thị lớn nhất vùng ĐBSCL lúc bấy giờ, với diện tích dự án hơn 145 héc-ta.

Tiếp theo 2 dự án đi đầu nói trên, đến cuối năm 2007 đã có tổng cộng 22 dự án khu dân cư, khu tái định cư lần lượt khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật để kinh doanh theo chủ trương đầu tư. Với quy mô diện tích được quy hoạch, xây dựng, với sự tham gia của hàng chục doanh nghiệp bất động sản của TP.Cần Thơ và các tỉnh khác về, điều này khẳng định đây sẽ là khu đô thị mới, lớn nhất ĐBSCL.

Những cái được và chưa được

Ông Trần Thanh Hoàng, nguyên Trưởng Ban quản lý khu đô thị mới Nam Cần Thơ cho rằng: “Có thể nói đến thời điểm hiện nay, khu đô thị mới Nam Cần Thơ đã định hình theo quy hoạch ban đầu. Hệ thống giao thông vận tải, đô thị và các khu dân cư đã dần dần hiện rõ, có hàng vạn người từ các nơi về khu đô thị mới này định cư, kinh doanh buôn bán” . Cũng theo ông Hoàng, sau hơn 15 năm xây dựng và phát triển khu này, mức đầu tư công, tính thêm phần các doanh nghiệp đầu tư vào và phần đầu tư của người dân ước tính khoảng vài tỉ USD. Khu đô thị Nam Cần Thơ hiện nay đã trở thành khu đô thị sầm uất với khu dân cư, nhà phố, bệnh viện, văn phòng đại diện các công ty lớn, khu công nghiệp, cảng Cái Cui,..

Hệ thống đường Nam Sông Hậu băng qua khu này, kết nối với quốc lộ 1A giao thông khắp ĐBSCL... Sau 20 năm hình thành và phát triển, thị trường bất động sản tại khu đô thị mới Nam Cần Thơ đã tăng giá nhanh. Giá nền đất các dự án khu dân cư ở khu đô thị này hiện nay đã tương đương với các nền đất dự án ở Q.Ninh Kiều - quận trung tâm của TP.Cần Thơ.

Dự án Trung tâm Văn hóa Tây Đô sau 15 năm công bố quy hoạch vẫn treo - Ảnh: Văn Kim Khanh

Ông Đỗ Hoàng Thọ, Trưởng phòng Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Sở Xây dựng Cần Thơ) cho biết: “Sau gần 20 năm tiến hành xây dựng, thành công lớn nhất là định hình 1 khu đô thị mới, tạo điều kiện cho kinh tế và đô thị TP.Cần Thơ phát triển. Bên cạnh đó khu đô thị này có nhiều vấn đề mà ngành xây dựng và UBND TP.Cần Thơ phải cố gắng rất nhiều để giải quyết các vấn đề thuộc về lịch sử phát triển”.

Sau năm 2000 không chỉ Cần Thơ mà cả nước - khi kinh tế bắt đầu phát triển mạnh, các đô thị lớn như Hà Hội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng,.. lần lượt quy hoạch, khởi công các khu đô thị, khu dân cư mới... Thị trường bất động sản và nhà đất cũng đua nhau phát triển. TP.Cần Thơ bên cạnh những khu dân cư đầu tư xây dựng và hoàn thành tốt đẹp, còn hàng loạt vấn đề phải giải quyết.

Đối với khu Nam Cần Thơ, có thể chỉ ra là việc giải phóng mặt bằng, quy hoạch Trung tâm Văn hóa Tây Đô hơn 15 năm chưa có hình dạng. Các khu dân cư chưa hoàn thiện trong xây dựng hạ tầng giao thông, sổ đỏ cho dân mua nhà đất vẫn còn lằng nhằng. Các vấn đề pháp lý liên quan phải giải quyết hiện nay các ngành chức năng TP.Cần Thơ đã và phải giải quyết trong thời gian tới khá vất vả.

Văn Kim Khanh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
2 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khu đô thị mới Nam Cần Thơ sau 20 năm quy hoạch, xây dựng