Ngày 1.1.2023, Croatia chuyển sang sử dụng đồng euro và gia nhập khối đi lại tự do Schengen. Đây là hai cột mốc quan trọng của nước này sau khi gia nhập Liên minh châu Âu (EU) gần 10 năm trước.
Croatia là thành viên thứ 20 của khu vực đồng euro, thành viên thứ 27 của khối Schengen. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula Von der Leyen sẽ sang Croatia trong ngày 1.1 để đánh dấu sự kiện trọng đại.
Giới chuyên gia nhận định chuyển sang sử dụng đồng euro giúp bảo vệ nền kinh tế Croatia khỏi lạm phát kỷ lục hiện tại. Nhưng cảm xúc của người dân nước này lại rất lẫn lộn, một số người hoan nghênh việc chấm dứt kiểm soát biên giới, các nhóm cánh hữu thì chỉ trích thay đổi chỉ có lợi cho nước lớn như Đức hay Pháp.
Lao động về hưu Drazen Golemac (63 tuổi) cho biết: “Chúng tôi khóc cho đồng kuna, giá cả sẽ tăng cao”. Nhiều người lo ngại đồng euro làm tăng giá hàng hóa, đặc biệt doanh nghiệp có thể làm tròn số tiền khi quy đổi.
Nhân viên công ty du lịch Marko Pavic nhận xét Croatia đã gia nhập “câu lạc bộ ưu tú”.
“Đồng euro là một thước đo về giá trị, về mặt tâm lý thì chẳng có gì mới cả. Trong khi đó gia nhập khối Schengen là tin tuyệt vời với ngành du lịch”, theo ông Pavic.
Đồng euro không xa lạ với Croatia. Người dân nước này từ lâu đã định giá tài sản quý giá của mình như ô tô hay căn hộ bằng euro, khoảng 80% tiền gửi ngân hàng được tính bằng euro, nhiều đối tác thương mại lớn của Croatia đều nằm trong khu vực đồng euro.
Lạm phát tại Croatia tăng lên đến 13,5% trong tháng 11.2022. Lạm phát khu vực đồng euro cùng kỳ là 10%.
Khi đồng hồ điểm nửa đêm, hàng loạt sự kiện được tổ chức dọc biên giới giữa Croatia với các nước láng giềng EU mừng việc đi lại không giới hạn. Ngoại trưởng Gordan Grlic-Radman dự một sự kiện tại biên giới giáp Hungary, Bộ trưởng Nội vụ Davor Bozinovic dự buổi lễ tương tự ở biên giới giáp Slovenia.
Gia nhập khối Schengen dự kiến thúc đẩy ngành du lịch Croatia phát triển mạnh mẽ. Cảnh xếp hàng dài tại 73 cửa khẩu biên giới đất liền với Slovenia và Hungary sắp đi vào dĩ vãng từ sau ngày 26.3. Tuy nhiên Croatia vẫn áp dụng các biện pháp kiểm tra nghiêm ngặt ở biên giới phía đông loạt quốc gia không phải thành viên EU là Bosnia, Montenegro và Serbia.