Theo Channel News Asia, nỗ lực áp đặt thiết quân luật của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã đẩy đất nước vào khủng hoảng chính trị. Giới phân tích nhận định khủng hoảng không chỉ đem lại hậu quả trong nước mà còn có tác động sâu rộng đến các đồng minh của nước này.
Tổng thống Yoon vừa thoát khỏi nguy cơ bị quốc hội luận tội, nhưng đảng Quyền lực nhân dân (PPP) cầm quyền cam kết tước bỏ mọi quyền hạn của ông, đồng thời xây dựng lộ trình từ chức có trật tự. Động thái mới nhất phù hợp với niềm tin từ giới phân tích rằng khi thiết quân luật thổi bùng sự phẫn nộ trong nước cùng phản ứng dữ dội từ quốc tế thì thay đổi lãnh đạo là điều không thể tránh khỏi.
Theo Steve Vickers, Nhà sáng lập công y tư vấn rủi ro Steve Vickers and Associates: “Yoon chắc chắn sẽ ra đi, bất kể ông có muốn hay không. Nhưng quan trọng hơn là cách thức ra đi và mức độ tử tế”.
“Phe đối lập có thiện cảm với CHDCND Triều Tiên và Trung Quốc hơn. Tác động đến loạt thỏa thuận quân sự giữa Hàn Quốc với Nhật Bản, Mỹ sắp lộ ra”, ông Vickers khẳng định.
Liên minh 3 bên
Hàn Quốc đang tham gia hiệp ước an ninh 3 bên với Mỹ và Nhật, nhất trí thường xuyên tổ chức tập trận chung, chia sẻ thông tin tình báo, xây dựng khuôn khổ cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Đây là liên minh giúp tăng cường quan hệ quốc phòng nhằm đối phó Triều Tiên và Trung Quốc.
Nhưng chỉ trong 1 năm sau khi ký hiệp ước, Thủ tướng Nhật Fumio Kishida đã rời nhiệm sở, Tổng thống Mỹ Joe Biden sắp mãn nhiệm còn Tổng thống Yoon đối mặt nguy cơ bị luận tội.
Tháng trước, chính trị gia Donald Trump, người vốn mang tư tưởng xem nhẹ các mối quan hệ đồng minh, tái đắc cử tổng thống Mỹ. Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền tại Nhật mất thế đa số tại hạ viện. Sang tháng 12, chính trường Hàn Quốc bất ngờ hỗn loạn vì thiết quân luật.
Theo nhà nghiên cứu Bruce Klingner thuộc Tổ chức The Heritage Foundation: “Giờ đây, Nhật ít có khả năng thực hiện cải cách quốc phòng và chính sách đối ngoại táo bạo của mình hơn. Trước tuần này Hàn Quốc còn được xem như đối tác mạnh mẽ đáng tin cậy, nhưng hiện tại cũng trở nên yếu đuối như Nhật. Hai đồng minh châu Á của Mỹ sẽ hướng nội hơn nên ít có khả năng triển khai nỗ lực đẩy lùi Trung - Triều hơn”.
Hàn Quốc mất uy tín quốc tế
Khác với chính phủ đương nhiệm, phe đối lập tại Hàn Quốc muốn cải thiện quan hệ với Triều Tiên và hạ nhiệt căng thẳng trên bán đảo. Họ cũng chủ trương áp dụng cách tiếp cận hòa giải hơn với Trung Quốc.
Giáo sư chính trị học Lee Jong-eun, Đại học Sejong, cho biết: “PPP cùng Tổng thống Yoon thu hút người dân trong nước lẫn quốc tế bằng chính sách củng cố các liên minh quốc tế với Mỹ, Nhật, châu Âu. Nhưng động thái ban bố thiết quân luật đã gây tổn hại và làm hoen ố danh tiếng của chính phủ đương nhiệm trong mắt đồng minh, dẫn đến lo ngại Hàn Quốc mất uy tín quốc tế”.
Gần đây, Hàn Quốc tuyên bố xét lại chính sách không chuyển giao vũ khí sát thương cho Ukraine, nhằm đáp trả việc Triều Tiên đưa quân sang hỗ trợ Nga. Tuy nhiên, hiện tại thay đổi này khó lòng thành hiện thực.
Theo cố vấn Sydney Seiler, Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và quốc tế, quan hệ Mỹ - Hàn vẫn sẽ vững chắc: “Đây là liên minh đã vượt qua vô số lần đảo chính và biến động chính trị khác”.