Các hoạt động từ thiện, phát triển cộng đồng rất cần nguồn lực mới từ phía doanh nghiệp để được liên tục và lâu dài hơn, đơn cử là hoạt động mới đây của 2 công ty Địa ốc Kim Phát và Đầu tư Việt Hưng Phát.
Đó là cái tâm của mình
Phát biểu trên báo giới, Giám đốc Quỹ châu Á tại Việt Nam (TAF) Michael DiGregorio cho biết, khi Việt Nam gia nhập nhóm quốc gia có thu nhập trung bình, các nguồn hỗ trợ từ thiện của các tổ chức phi chính phủ quốc tế sẽ giảm dần. Vì thế, các hoạt động từ thiện, phát triển cộng đồngrất cần nguồn lực mới từ khu vực doanh nghiệp.
Số liệu thống kê cũng cho thấy sự quan tâm của doanh nghiệp đối với các hoạt động từ thiện cũng ngày càng tăng.Hoạt động từ thiện cần tính liên tục và lâu dài, nên để tạo sức lan tỏa trong cộng đồng, cần có sự chung tay của các doanh nghiệp. Từ thiện của doanh nghiệp được đánh giá là nguồn ổn định, chuyên nghiệp và phù hợp với xu hướng phát triển chung của thế giới.
Theo phân tích của Trung tâm Giáo dục và Phát triển (CED), hiện ở Việt Nam hoạt động từ thiện của doanh nghiệp có 3 mức khác nhau.
Thứ nhất là “hỗ trợ từ thiện khẩn cấpnhằm giải quyết những nhu cầu khẩn cấp của cộng đồng hay nhóm đối tượng cụ thể vượt qua khó khăn trước mắt. Đây là hỗ trợ từ thiện thu hút sự ủng hộ mạnh mẽ của doanh nghiệp với tiền mặt, hàng hóa, dịch vụ sẵn có và sự tham gia của các nhân viên.
Thứ hai là “hỗ trợ từ thiện mang tính chiến lược”. Doanh nghiệp có thể sử dụng khả năng chuyên môn, kỹ thuật và nguồn lực để đầu tư vào các chương trình từ thiện, chương trình hỗ trợ cộng đồng dài hạn hơn (như việc ký hợp đồng cung cấp nguyên liệu đầu vào, tạo công ăn việc làm cho người lao động địa phương).
Thứ ba là “hỗ trợ từ thiện là tác nhân mang lại sự thay đổi”. Đây là những chương trình hỗ trợ sáng kiến hoặc ý tưởng có tính khả thi mang lại sự thay đổi tích cực về xã hội và môi trường trên diện rộng. Những sáng kiến và ý tưởng đó có thể góp phần giải quyết vấn đề lớn của xã hội, đóng vai trò thúc đẩy sự thay đổi tích cực cho cộng động và cho chính doanh nghiệp.
Trên thực tế đã có doanh nghiệp tiến dần từng mức theo thời gian. Thời gian đầu, doanh nghiệp hỗ trợ tiền và hàng để cứu trợ thiên tai (từ thiện khẩn cấp), sau đó chuyển dần sang hỗ trợ chương trình dài hạn hơn như hỗ trợ cộng đồng xây nhà kiên cố phòng ngừa, ứng phó thiên tai thay vì cứu trợ (từ thiện mang tính chiến lược).
Ở cấp độ cao hơn, doanh nghiệp chuyển sang hỗ trợ những dự án, những chương trình lớn hơn. Trong đó áp dụng công nghệ cảnh báo sớm, nhằm tăng khả năng phòng ngừa, ứng phó để giảm thiểu rủi ro thiên tai. Hoạt động này được đánh giá là hỗ trợ từ thiện mang lại sự thay đổi. Các doanh nghiệp thường coi việc làm từ thiện là trách nhiệm xã hội thường xuyên.
Và như chủ một doanh nghiệp tư nhân từng chia sẻ trên báo chí: Hoạt động từ thiện “đó là cái tâm của mình mà không cần được biểu dương hay ghi nhận công trạng”.
Hồ Đông