Trong báo cáo mới nhất của mình về triển vọng kinh tế toàn cầu, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo rằng sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục diễn ra và gây thêm khó khăn cho nền kinh tế thế giới.

Kinh tế Trung Quốc giảm tốc: Chấm hết cho một mô hình tăng trưởng sai lầm?

09/04/2016, 15:12

Trong báo cáo mới nhất của mình về triển vọng kinh tế toàn cầu, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo rằng sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục diễn ra và gây thêm khó khăn cho nền kinh tế thế giới.

Đây có lẽ là lời thừa nhận công khai nhất mà một tổ chức tín dụng có quy mô toàn cầu như IMF từng đưa ra về tương lai của nền kinh tế số hai thế giới. Sẽ không có một triển vọng nào về việc chính phủ Trung Quốc có thể đảo ngược tình hình và vực dậy nền kinh tế đang trên đà giảm tốc không thể cưỡng lại của nước này cả. Vì vấn đề quan trọng nhất ở đây không phải là Trung Quốc không thể tìm ra một mô hình tăng trưởng mới, mà là nước này đã chọn một mô hình tăng trưởng sai lầm trong quá khứ, và giờ là lúc Trung Quốc phải trả giá.

Những nghiên cứu mới nhất về sự giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc đang chỉ ra rằng cốt lõi của vấn đề khác xa so với những gì thế giới đã nghĩ về điều được coi là “sự thần kỳ của thế kỷ 21”. Trước đây, hầu hết chúng ta vẫn nghĩ rằng sự giảm tốc của Trung Quốc là do mô hình tăng trưởng dựa trên đầu tư và nhân công giá rẻ của nước này đã đến mức tới hạn và không thể kéo dài thêm được nữa, dẫn đến sự giảm tốc không thể tránh khỏi. Nói cách khác, nó gần giống như một vận động viên điền kinh dù có dẻo dai đến mấy cũng đến lúc phải chạy chậm lại và kiệt sức. Nhưng thực tế thì lại hoàn toàn khác hẳn, đúng là vận động viên điền kinh mang tên kinh tế Trung Quốc đã có một lộ trình thành công, thậm chí vượt ngoài sức tưởng tượng của thế giới, nhưng thành công rực rỡ ấy lại được duy trì bằng việc sử dụng doping, và khi chất kích thích hết tác dụng thì vận động viên ấy gục ngã.

Không quá lời khi cho rằng sự tăng trưởng thần kỳ của kinh tế Trung Quốc trong gần ba thập kỷ qua, đã đưa quốc gia này từ một nước nghèo trở thành nền kinh tế số hai thế giới, được duy trì bằng doping. Về cơ bản, chiến lược phát triển kinh tế mà chính phủ Trung Quốc lựa chọn là không có gì sai, khi nước này đã tận dụng tối đa lợi thế là nhân công giá rẻ và thị trường nội địa có sức tiêu thụ lớn để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Nhưng, sai lầm lớn nhất của Trung Quốc là ở chỗ: họ đã dùng đòn bẩy tài chính để thúc đẩy tăng trưởng vượt quá năng lực vốn có, giống như việc ép một vận động viên điền kinh vượt quá khả năng bằng cách ép anh ta dùng doping vậy.

Trên thực tế, yếu tố cốt lõi nhất làm nên điều được gọi là “sự thần kỳ Trung Quốc” là việc tăng cường tín dụng trong nền kinh tế ở mức cao nhất có thể. Chính phủ Trung Quốc đã mở rộng quy mô tín dụng trong nền kinh tế, kích thích hệ thống ngân hàng thực hiện các khoản cho vay đối với các doanh nghiệp để đạt được tốc độ tăng trưởng nhanh nhất. Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới diễn ra vào năm 2008 lại càng thúc đẩy xu hướng này diễn ra nhanh hơn. Trong năm 2009, các khoản vay mới tăng gấp 95% so với cùng kỳ năm trước, đó được xem như một phần của chính sách kích cầu thị trường nội địa quy mô lớn của Bắc Kinh, trong đó hàng hóa do doanh nghiệp nước này sản xuất ra không thể xuất khẩu do khủng hoảng kinh tế sẽ được tiêu thụ bởi thị trường trong nước. Chính sách này thành công đến mức trong khi nền kinh tế thế giới khủng hoảng trầm trọng, thì Trung Quốc vẫn duy trì mức tăng trưởng hai con số kỷ lục của mình.

Nhưng, cái gì cũng có hai mặt. Việc thúc đẩy mở rộng tín dụng trong nền kinh tế và kích thích tiêu dùng nội địa dẫn đến tốc độ tăng trưởng chóng mặt lại đang dần tạo ra một điểm yếu chết người và ngày càng lớn dần. Đó là nền kinh tế và hệ thống ngân hàng bị thổi phồng lên quá mức cần thiết. Việc kích thích cho vay quy mô lớn một cách tràn lan và thiếu kiểm soát dẫn đến hoặc các khoản vay không hiệu quả và doanh nghiệp bị phá sản do không thể trả nợ, hoặc các khoản vay có thể thổi phồng giá trị của công ty lên quá mức thực tế và sụp đổ khi lợi nhuận bị sụt giảm. Về cơ bản, nó khiến cho nợ xấu của hệ thống ngân hàng trở nên quá cao chỉ trong một thời gian ngắn. Bề ngoài, các quan chức Trung Quốc tuyên bố chỉ 1,6% các khoản nợ của hệ thống ngân hàng là thuộc diện khó xử lý, nhưng theo tính toán của một số tổ chức kinh tế thì nợ xấu của các ngân hàng Trung Quốc hiện tại ít nhất cũng phải là 20%.

Mức nợ xấu này về lý thuyết là đủ để có thể đẩy hệ thống ngân hàng rơi vào tình trạng sụp đổ do yêu cầu thanh khoản đang ngày càng trở nên cấp bách. Và một khi hệ thống ngân hàng sụp đổ thì cả nền kinh tế Trung Quốc chắc chắn sẽ sụp đổ theo. Dĩ nhiên là chính phủ Trung Quốc chắc chắn sẽ không để kịch bản tồi tệ nhất ấy xảy ra, nhưng nếu muốn thế họ phải chấp nhận một giải pháp duy nhất còn lại và cũng cay đắng không kém, đó là phá giá đồng nhân dân tệ để hạ thấp các khoản nợ trong nền kinh tế của mình.

Điều này thì cũng không khá hơn việc nền kinh tế sụp đổ là mấy, vì phá giá nhân dân tệ cũng đồng nghĩa với việc các khoản nợ nước ngoài khổng lồ của các công ty nước này cũng tăng lên gấp nhiều lần. Nó sẽ đẩy hàng loạt các doanh nghiệp và tập đoàn của Trung Quốc hoặc suy sụp hoặc phá sản hoặc sẽ rơi vào cảnh bị nước ngoài thâu tóm. Nói cách khác, một cú sốc đối với nền kinh tế Trung Quốc trong tương lai là không thể tránh khỏi. Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc lựa chọn một mô hình tăng trưởng sai lầm, đó là dùng doping tài chính để kích thích tăng trưởng nhanh hơn mức có thể vốn là thứ đã tạo nên “sự thần kỳ Trung Quốc” mà lãnh đạo nước này bấy lâu nay vẫn tự hào.

Bất kể những cảnh báo đó thì các động thái chữa cháy gần nhất của chính phủ Trung Quốc dường như lại càng khiến tình hình trở nên tệ hơn. Kế hoạch mà chính phủ nước này đặt ra trong 5 năm tới là duy trì mức tăng trưởng từ 6,5-7%/năm, và để làm được điều này thì công cụ chính được sử dụng vẫn là bơm vốn đầu tư và kích thích các khoản vay. Dù Bắc Kinh tuyên bố sẽ xiết chặt các khoản vay và chỉ thực hiện các khoản vay chất lượng cao để đảm bảo tránh tăng nợ xấu, thì điều này cũng khó có thể tin được. Đó là chưa kể chính phủ Trung Quốc vẫn đang phải tiếp tục giãn nợ cũng như bơm thêm tiền cho các dự án và các công ty thuộc diện có nợ xấu tiếp tục tồn tại, để tránh một sự sụp đổ quy mô lớn trong nền kinh tế có thể dẫn đến các bất ổn xã hội. Rốt cuộc lại càng khiến cho nợ xấu trong hệ thống ngân hàng nước này tăng thêm.

Và khi mà nền kinh tế Trung Quốc rơi vào khủng hoảng trong tương lai gần, thì đó sẽ là dấu chấm hết cho một mô hình tăng trưởng sai lầm nhưng lại được tung hô trên khắp thế giới những năm vừa qua. Bí quyết tạo nên sự tăng trưởng chóng mặt ấy của Trung Quốc rút cuộc chẳng phải là thứ gì kỳ diệu lắm, mà chỉ là một chiến lược bơm tín dụng một cách tràn lan và thiếu kiểm soát vào nền kinh tế. Nói cách khác, đó chỉ là một trò bịp bợm rẻ tiền, giống như một vận động viên sử dụng doping để về nhất trong cuộc đua và tỏ ra vênh vang, cho đến khi bị phát hiện thì tất cả mới được làm sáng tỏ. Sự thất bại của Trung Quốc sẽ là bài học cho các quốc gia vẫn mơ tưởng về một thành công tương tự bằng cách sử dụng mô hình tăng trưởng sai lầm đó.

Nhàn Đàm (theo Bloomberg)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
2 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kinh tế Trung Quốc giảm tốc: Chấm hết cho một mô hình tăng trưởng sai lầm?