Ở thời điểm hiện tại, nền kinh tế Nga đã gần như chắc chắn thoát khỏi nguy cơ một cuộc khủng hoảng trong đó đồng rúp (rubl) có thể mất giá nghiêm trọng do giá dầu chạm đáy.

Kinh tế Nga đã thoát hiểm, nhưng đang dần suy kiệt

07/04/2016, 10:19

Ở thời điểm hiện tại, nền kinh tế Nga đã gần như chắc chắn thoát khỏi nguy cơ một cuộc khủng hoảng trong đó đồng rúp (rubl) có thể mất giá nghiêm trọng do giá dầu chạm đáy.

Lịch sử trên thị trường dầu lửa toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng chưa từng thấy, và các quốc gia xuất khẩu dầu lửa hàng đầu thế giới cũng vậy. Thỏa thuận Doha để đóng băng sản lượng giữa một loạt các cường quốc xuất khẩu dầu lửa, cộng với quốc gia chủ chốt đứng đầu OPEC là Ả Rập Saudi đã tuyên bố dứt khoát sẽ đoạn tuyệt với việc quá phụ thuộc vào dầu lửa như trước, tất cả đều đang khiến một xu hướng mới bắt đầu chuyển động: tái cấu trúc nền kinh tế thay vì phụ thuộc vào giá dầu. Nga cũng nằm trong số đó. Giá dầu tăng trở lại và có vẻ như không thể chạm đáy thêm lần nào nữa đang giúp kinh tế Nga thoát hiểm. Nhưng nền kinh tế xứ sở bạch dương lại đang dần tiến tới một sự suy kiệt nghiêm trọng.

Ở thời điểm hiện tại, nền kinh tế Nga đã gần như chắc chắn thoát khỏi nguy cơ một cuộc khủng hoảng trong đó đồng rúp có thể mất giá nghiêm trọng do giá dầu chạm đáy. Việc thỏa thuận Doha được thiết lập đang khiến giá dầu bắt đầu tăng trở lại ở mức trên 40 USD/thùng trong thời gian qua, cộng với việc cường quốc xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới là Saudi tuyên bố kế hoạch chuyển đổi cơ cấu kinh tế có tổng vốn lên tới 2.000 tỉ USD đang là những dấu hiệu tương đối chắc chắn để khẳng định rằng: giá dầu sẽ không thể chạm đáy kỷ lục thêm lần nào nữa trong tương lai gần. Đồng rúp của Nga vì thế sẽ được đảm bảo ổn định tỷ giá, và kinh tế Nga cũng không phải đối mặt với khủng hoảng nữa. Nhưng, về tổng thể thì tình trạng của kinh tế Nga vẫn đang là rất xấu.

Theo báo cáo vừa được công bố của Ngân hàng Thế giới (WB) về triển vọng của kinh tế Nga, thì một trong những điểm đáng chú ý nhất là tỷ lệ hộ nghèo trong nền kinh tế Nga trong thời gian tới sẽ đạt mức cao nhất trong vòng một thập niên gần đây, tương đương với thời điểm năm 2007. Cụ thể, tổng số người Nga thuộc diện có thu nhập thấp sẽ đạt đến mức 20 triệu người trong thời gian tới, hiện tại dân số Nga đang vào khoảng 140 triệu và điều này có nghĩa là cứ 7 người Nga thì có 1 người thuộc diện thu nhập thấp. Mức tăng trưởng quá nhanh của tỷ lệ người có thu nhập thấp tại Nga trong thời gian tới có thể so sánh với thời kỳ Nga bị tác động bởi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á trong các năm 1998-1999, thời điểm mà kinh tế Nga đã bị ảnh hưởng nặng nề nhất kể từ thời điểm lập quốc năm 1991.

Lý giải cho điều này, WB cho rằng nguyên nhân chủ yếu vẫn đến từ tác động kép, là lệnh trừng phạt kinh tế của các nước phương Tây và sự sụt giảm nghiêm trọng của giá dầu. Mất đi các quan hệ thương mại với Mỹ và EU, trong khi nguồn thu lớn nhất của ngân sách quốc gia từ xuất khẩu dầu bị thu hẹp đáng kể, đang là những lý do khiến người dân Nga rơi vào tình trạng ngày càng nghèo đi. Chỉ số tiêu dùng cá nhân của người Nga đã sụt giảm gần 10% trong cả năm 2015 và trong vòng 3 tháng đầu năm 2016 thì nó cũng đã kịp sụt giảm tiếp thêm 3% nữa. Trong khi đó ở trước thời điểm mà cuộc khủng hoảng kép diễn ra thì chỉ số tiêu dùng của Nga đều tăng khoảng 6% mỗi năm. Ngân hàng Thế giới cũng đang giảm dự báo tình trưởng kinh tế của Nga trong năm 2016 và 2017, cụ thể kinh tế Nga được WB dự báo sẽ giảm tăng trưởng khoảng 1,9% trong năm 2016 và 1,1% năm 2017; trước đó WB dự báo kinh tế Nga trong năm 2016 sẽ chỉ giảm tăng trưởng 0,7% trong năm 2016 và 1,3% trong năm 2017. Lý do chủ yếu là vì giá dầu trung bình trong năm 2016 được dự báo trước đây là sẽ vào khoảng 49 USD/thùng, còn hiện tại thì nó chỉ được dự đoán sẽ ở vào khoảng 37 USD/thùng mà thôi.

Không quá khó để dự đoán được rằng, nếu tình trạng hiện tại tiếp tục diễn ra trong những năm tới, thì kinh tế Nga có thể sẽ bị suy kiệt nghiêm trọng và tỷ lệ người nghèo trong xã hội Nga sẽ tiếp tục gia tăng mạnh, thậm chí có thể sẽ khiến chính trị Nga bị tác động mạnh. Vì hiện Mỹ và EU vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy sẽ chấm dưt các lệnh trừng phạt và nối lại các quan hệ thương mại với Nga, và còn vì giá dầu trong tương lai nhiều khả năng cũng sẽ không thể quay về thời kỳ hoàng kim trên 100 USD/thùng như cách đây vài năm. Khi mà cường quốc xuất khẩu dầu số một thế giới là Ả Rập Saudi đã chính thức tuyên bố sẽ chuyển đổi mô hình kinh tế bằng một kế hoạch trị giá 2.000 tỉ USD, để đa dạng hóa nền kinh tế thay vì quá phụ thuộc vào xuất khẩu dầu, thì nó cũng đồng nghĩa với việc các quốc gia sẽ không còn có thể dựa dẫm quá nhiều vào dầu lửa được nữa. Điều này cũng đúng với Nga khi mà xứ sở bạch dương đang có một nền kinh tế mà 70% đến từ hoạt động xuất khẩu dầu lửa.

Saudi đã bắt đầu chuyển đổi cơ cấu kinh tế sang một mô hình đa dạng hóa hơn, thì Nga có lẽ cũng nên tiếp bước trên con đường này. Rõ ràng là, với cuộc cách mạng dầu đá phiến khi mà chi phí khai thác ngày càng rẻ (hiện chỉ còn chưa đầy 20 USD/thùng) thì giá dầu khó có thể quay về mức trên 100 USD/thùng được nữa. Và điều Nga cần ở thời điểm hiện tại là một đề án tái cấu trúc hoàn toàn nền kinh tế giống Ả Rập Saudi. Và điều này thì Nga có nhiều lợi thế hơn Saudi, khi xứ sở bạch dương đang là một quốc gia có trình độ khoa học cao, có dân số đông, một nền kinh tế khá đa dạng và một đất nước giàu tài nguyên. Xu thế của cả tăng trưởng kinh tế thế giới đang là tự do hóa thương mại và toàn cầu hóa, nơi các chuỗi giá trị được hình thành một cách xuyên quốc gia, trong đó mỗi quốc gia đều phải tự tìm chỗ đứng cho mình trong chuỗi giá trị toàn cầu. Nếu Nga chậm chân trong quá trình này, thì có thể sẽ mất cơ hội tạo được một chỗ đứng có vị thế cao.

Ở thời điểm hiện tại, tình hình của nền kinh tế thế giới đang ủng hộ Nga, khi mà tình trạng trì trệ đang lan tỏa khắp các nền kinh tế lớn trên thế giới, đặc biệt là EU và có thể là cả Mỹ nữa. Châu Âu hiện đã làm mọi cách, kể cả kéo lãi suất về âm lần thứ hai liên tiếp để tránh nguy cơ giảm phát nhưng dường như vẫn chưa hiệu quả. Về lý thuyết, chỉ có nối lại quan hệ thương mại với Nga mới có thể là lời giải cho bài toán tăng trưởng của EU. Suy cho cùng thì các lệnh trừng phạt cũng không thể kéo dài quá lâu được.

Nhàn Đàm (theo Reuters/CafeF)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
9 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kinh tế Nga đã thoát hiểm, nhưng đang dần suy kiệt