Quý tộc Đỏ" là một biệt danh để ám chỉ những người thân của các quan chức lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc, có khối tài sản và địa vị cao trong xã hội.
Trong bài "Anh rể Tập Cận Bình lập công ty ma tại Anh, tài sản trăm triệu USD?", báo điện tử Một Thế Giới đã giới thiệu sơ khởi về chân dung những "quý tộc Đỏ" Trung Quốc bị phơi bày trong vụ rò rỉ tài liệu Panama Papers. Giờ đây, chân dung những nhân vật này đã được lộ rõ hơn.
Deng Jiagui, anh rể Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình
Ông Deng có phần hùn trong hai "công ty ma" là Wealth Ming International and Best Effect Enterprises. Ông Deng xuất hiện trong sổ đăng ký của cả hai công ty này hồi tháng 9.2009. Tuy nhiên cả hai công ty này đều đã lần lượt đóng cửa vào tháng 10.2010 và tháng 4.2011.
Theo thông tin từ các tài liệu rò rỉ trong vụ Panama Papers, ông Deng sở hữu 50% cổ phần của cả hai "công ty ma" chuyên đầu tư bất động sản này. Phần sở hữu còn lại của hai công ty đến từ hai ông trùm bất động sản Trung Quốc.
Ông Deng kết hôn cùng chị gái của ông Tập Cận Bình. Vợ chồng ông này tạo ra số tài sản khổng lồ nhờ đầu tư vào bất động sản và khai thác khoáng sản. Trong năm 2012, cặp vợ chồng này nắm giữ cổ phần trong các công ty với tổng số tài sản là 376 triệu USD và 18% cổ phần gián tiếp trong một công ty khoáng sản trị giá 2 tỉ USD. Kể từ ông Tập lên làm Chủ tịch Trung Quốc vào năm 2012, ông Deng và vợ đã rút khỏi nhiều vụ đầu tư.
Li Xiaolin, con gái cựu Thủ tướng Lý Bằng
Bà Li có một công ty tại quần đảo Virgin của Anh tên Cofic Investments Ltd. Tài sản của bà Li rơi vào khoảng 550 triệu USD. Theo điều tra của Hiệp hội nhà báo điều tra quốc tế ICIJ, bà Li có liên quan đến 2 công ty ở quần đảo Virgin và các tài khoản ngân hàng Thụy Sĩ. Bà Li cùng chồng là ông Liu Zhiyuan cũng hưởng lợi từ các tài khoản ngân hàng giữ khoảng 2.48 triệu USD trong năm 2006 - 2007.
Bà Li có biệt danh là "nữ hoàng năng lượng" vì làm chủ nhiều doanh nghiệp kinh doanh điện tại Trung Quốc. Ngoài việc giàu có, bà Li còn nổi tiếng thích sử dụng đồ hiệu. Có lần trong một cuộc họp, bà Li diện một bộ quần áo của Gucci trị giá 40 triệu đồng.
Zeng Qinghuai, anh trai cựu Phó chủ tịch Trung Quốc Tăng Khánh Hồng
Ông Tăng Khánh Hồng là Phó chủ tịch Trung Quốc cho đến năm 2008. Anh trai ông, ông Zeng Qinghuai là một nhân vật nổi tiếng ở Hồng Kông với tư cách là một phái viên cho Bộ Văn hóa Trung Quốc dù ông này chỉ có trình độ lớp 12.
Ông Tăng là nhà tư vấn để sản xuất bộ phim Beginning of the Great Revival, một bộ phim được tờ New York Times bình luận là "minh họa mối quan hệ tay trong tay giữa kinh doanh và chính trị". Dù bị chỉ trích là một bộ phim tuyên truyền nhưng phim này vẫn được xem là một trong những bộ phim có doanh thu cao hàng đầu tại Trung Quốc năm 2011, nhờ việc các văn phòng địa phương và trường học đặt vé xem phim.
Theo những tài liệu mật trong vụ Panama Papers tiết lộ, ông Tăng là giám đốc một công ty gọi là Chinese Cultural Exchange Association Ltd, được đăng ký lần đầu tại hòn đảo Niue ở Nam Thái Bình Dương và sau đó chuyển sang đảo Samoa. Công ty của ông Tăng có phần hùn của Tian Chenggang, con trai của Phó thủ tướng Trung Quốc Tian Jiyun.
Các nhân vật còn lại
Ngoài 4 nhân vật trên có quan hệ với các lãnh đạo cấp cao nhất của Trung Quốc, thì còn có cháu gái Jasmine Li của ông Giả Khánh Lâm cũng được cho sở hữu 2 công ty “ma” ở quần đảo Virgin. Các công ty này được thành lập bởi ít nhất 2 doanh nghiệp ở Bắc Kinh với số vốn đăng ký hàng trăm nghìn USD.
Ngoài ra, thông tin từ tài liệu Panama Papers bị rò rỉ còn chỉ ra ông Hồ Đức Hóa, con trai của cố Tổng bí thư Trung Quốc Hồ Diệu Bang. Ông Hồ Đức Hóa cũng có 1 công ty ma ở quần đảo Virgin.
Con rể của Trương Cao Lệ, một trong bảy chính trị gia quyền lực nhất Trung Quốc cũng có tên trong dữ liệu bị rò rỉ của công ty luật Mossack Fonseca với hàng loạt các công ty ở Trung Quốc và Hồng Kông.
Tất cả những người thuộc diện "Quý tộc Đỏ" có tên trong dữ liệu bị rò rỉ của Mossack Fonseca đều không trả lời báo chí về những thông tin vừa mới được tung ra.
Thiên Hà (theo The Guardian)