Theo tạp chí Ophthalmology, các nhà khoa học Mỹ đã sản xuất được loại kính tiếp xúc vừa là kính vừa là công cụ chuyển và giải phóng thuốc với tốc độ chậm. Hiệu quả của kính tiếp xúc này đã được thử nghiệm thí điểm trên khỉ.
Nhiều bệnh mắt mạn tính đòi hỏi phải nhỏ dung dịch liên tục vào túi kết mạc. Phương pháp điều trị như vậy có 3 nhược điểm chính, thứ nhất, không thể bảo đảm tập trung thuốc thường xuyên, thứ hai, không tiện cho người dùng và thuốc hoặc vào mắt không đủ hoặc quá nhiều, thứ ba, vì nhiều lý do mà có tới một nửa số bệnh nhân không tuân thủ chế độ dùng thuốc như vậy.
Đấy là chưa kể đến việc những người bị đau khớp, rồi loạn vận đông không thể nhỏ thuốc trúng mắt. Còn những bệnh như tăng nhãn áp thì lại cần thuốc tác động liên tục.
Sáng chế của ngànhY, trường Đại họcHarvard và bệnh viện Mount Sinai giúp giải quyết việc chuyển thuốc vào mắt. Cơ sở của kính tiếp xúc là vật liệu chuẩn-metafilkon hydrogel… Ngoài rìa của mắt kính được tráng màng copolymer gồm axit lactic và axit glycolic tương thích và phân rã về mặt sinh học, chứa latanoprost (chất dẫn xuất prostaglandin giảm nhãn áp).
Phần trung tâm mắt kính không được phủ màng, bảo đàm thị lực bình thường, thoáng không khí và giữ ẩm cho mắt. Kính có thể không có hoạt tính quang học cũng như có thể dùng để điều chỉnh thị lực.
Tác giả chính của công trình nghiên cứu Daniel Kohane giải thích rằng ông đã dùng màng thích hợp để kính hấp thu thuốc, chuyển ngay và giải phóng thuốc từ từ. Các nhà khoa học đã dùng 4 con khỉ cái Macaca fascicularis được gây bệnh tăng nhãn áp để thí nghiệm.
Tất cả khỉ trong một tuần lễ đều đeo kính chứa liều latanoprost thấp, sau 3 tuần nghỉ đeo kính thì 5 ngày nhỏ thuốc vào mắt và sau 3 tuần nữa lại đeo kính chứa liều latanoprost cao. Cứ mỗi đợt điều trị, các nhà nghiên cứu đều đo nhãn áp khỉ. Kết quả đeo kính có liều thuốc thấp vẫn có tác dụng giảm nhãn áp không thua kém gì việc nhỏ thuốc thường xuyên theo chế độ điều trị chuẩn, còn đeo kính chứa liều latanoprost cao thì hạ nhãn áp rất hiệu quả.
Nhà nghiên cứu Joseph Ciolino bình luận rằng đeo kính tiếp xúc chứa thuốc giúp người bệnh tuân thủ chế độ điều trị và mang lại kết quả tốt hơn việc nhỏ thuốc.
Xin nói thêm rằng suốt nửa thế kỷ qua, các nhà sáng chế đã cố tìm cách chế tạo loại kính tương tự, nhưng luôn gặp trở ngại như thuốc giải phóng quá nhanh hay không bảo đảm thị lực cho bệnh nhân. Kính chuyển thuốc cũng không phải là mục tiêu duy nhất của các nhà sáng chế. Chẳng hạn, chi nhánh Verity của Google đã từng chế tạo kính kiểm soát nồng độ đường ở bệnh nhân tiểu đường, các loại kính chẩn đoán bệnh khác. Công ty này cũng đã đăng ký bằng sáng chế loại kinh điện tử điều chỉnh thị lực bằng cách tiêm vào mắt.
Vũ Trung Hương