Nhắc đến đồng bằng sông Cửu Long trước đây người ta nghĩ ngay đến cây lúa, nhưng bây giờ thì không. Chính sách của chính phủ đã thay đổi đáng kể kể từ năm 2017 và không còn coi gạo là ưu tiên nữa mà chuyển sang hướng đa dạng sản xuất.

Kỳ 1: Giảm khí thải là động lực để ĐBSCL phá thế độc canh sau đại dịch COVID-19

Anh Tú | 13/11/2021, 13:28

Nhắc đến đồng bằng sông Cửu Long trước đây người ta nghĩ ngay đến cây lúa, nhưng bây giờ thì không. Chính sách của chính phủ đã thay đổi đáng kể kể từ năm 2017 và không còn coi gạo là ưu tiên nữa mà chuyển sang hướng đa dạng sản xuất.

Việt Nam xem xét lại việc trồng lúa gây thải khí mêtan trong bối cảnh khủng hoảng khí hậu là vấn đề được đặt ra. Đã đến lúc Việt Nam không thể duy trì thế độc canh cây lúa trong xuất khẩu lương thực khi chúng ta chịu nhiều áp lực.

Cam kết môi trường của Việt Nam

Tại hội nghị thượng đỉnh COP26 của Liên Hợp Quốc ở Scotland, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cùng lãnh đạo 109 quốc gia cam kết giảm phát thải khí mê-tan 30% vào năm 2030.

Để đáp ứng cam kết, Việt Nam sẽ cần xem xét lúa gạo – loại lương thực chính và là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của đất nước - nhưng cũng là nguyên liệu đóng góp lớn thứ hai vào việc phát thải khí nhà kính trong số các loại thực phẩm sau thịt bò.

Trung tâm sản xuất lúa gạo của Việt Nam nằm ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long được mệnh danh là “vựa lúa” của cả nước. Hơn 50% tổng lượng gạo và 95% lượng gạo xuất khẩu của đất nước được trồng trong một khu vực rộng gần bằng Hà Lan.

Nhưng canh tác lúa ở sông Mekong phải đối mặt với một thách thức kép - không chỉ vì cây lúa là nguồn phát khí thải mà còn vì mực nước biển dâng cao liên quan đến biến đổi khí hậu, cũng như các yếu tố nhân tạo, chẳng hạn việc xây các đập thủy điện ở đầu nguồn Mekong. Điều đó đang làm cho hạt lúc ngày càng khó trồng ở vùng trũng thấp.

Anh Trần Dụng Nhân sinh trưởng trong vựa lúa ở tỉnh Trà Vinh. Hạn hán, lũ lụt, mực nước biển dâng cao và sự xâm mặn vào nguồn nước ngọt mà anh Trần Dụng Nhân cần để tưới tiêu cho những cánh đồng lúa của mình, đã ăn mòn thu nhập ít ỏi của gia đình mình.

Trang trại của gia đình từng có thể sản xuất ba vụ mỗi năm. Giờ đây, họ phải vật lộn để sản xuất dù chỉ một - và thậm chí sản lượng thu được rất bấp bênh.

dbscl.jpg
Ngập mặn nghiêm trọng tại ĐBSCL

“Tôi có thể thấy rõ những tác động của biến đổi khí hậu đối với chúng tôi. Nước ngày càng mặn, đất của chúng tôi khô cằn và cằn cỗi hơn”, người nông dân 31 tuổi cho biết. “Cuộc sống ở đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là vùng ven biển, rất khắc nghiệt và khó có thể nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm”.

Khác biệt với các loại ngũ cốc khác, lúa được trồng trên một cánh đồng ngập nước. Khi nước đọng trên bề mặt, không có sự trao đổi không khí giữa đất và khí quyển, điều này có nghĩa là vi khuẩn sản sinh metan có thể phát triển mạnh. Khí thải ra ngoài không trung, khí này có tác dụng giữ nhiệt trong khí quyển mạnh hơn 25 lần so với khí carbonic.

Bjoern Ole Sander, đại diện của Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế tại Việt Nam, cho biết canh tác lúa góp phần đáng kể vào việc phát thải khí mê-tan trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, lượng khí thải ra từ vụ mùa thậm chí còn cao hơn mức trung bình toàn cầu.

Ông Sander nói: “Trên toàn cầu, khoảng 1,3% tổng lượng khí thải nhà kính do con người tạo ra, có vẻ nhỏ, nhưng tất cả lượng khí thải hàng không dân dụng chỉ là khoảng 2%. Trong số tất cả các khí nhà kính mà Việt Nam tạo ra, 15% là từ gạo. Do vậy, đây là một nguồn đáng kể và cần được nhắc đến trong các chương trình giảm thiểu khí thải toàn cầu”.

Không còn "cây lúa là trên hết"

Kết thúc Chiến tranh vào năm 1975, Việt Nam mới thống nhất là một trong những nước nghèo nhất thế giới và lương thực rất khan hiếm.

Một loạt các cải cách kinh tế được gọi là Đổi mới, và chính sách “trồng lúa là trên hết” do chính phủ lãnh đạo đã khởi động việc canh tác lúa, nâng cao thu nhập. Đến năm 2020, Việt Nam là nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai trên thế giới, xuất khẩu 3,9 triệu tấn ra nước ngoài vào năm ngoái.

Nhưng khi khu vực sông Mekong chuyển sang trồng lúa thâm canh,   không mấy ai có thể lường trước mọi chuyện sau đó sẽ như thế nào. Giống như anh Trần Dụng Nhân, nhiều người đã phải chịu đựng sự suy thoái của môi trường sông Mekong.

Ông Đặng Kiều Nhân, Giám đốc Đơn vị Nghiên cứu Phát triển Đồng bằng sông Cửu Long thuộc Đại học Cần Thơ, cho biết nông dân đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi tình hình thời tiết bất ổn trong khu vực.

Ông nói: “El Nino xảy ra thường xuyên và nghiêm trọng hơn trong những năm gần đây, liên quan đến biến đổi khí hậu trong đó sự ấm lên bất thường của đông Thái Bình Dương dẫn đến hạn hán ở Đông Nam Á. Năm 2016 và 2020 có hai trường hợp gây ra hạn hán cực đoan và các tác động phụ… Nước sông Cửu Long càng xuống thấp và mực nước biển dâng càng cao, xâm nhập mặn càng sâu vào nội địa ở Đồng bằng sông Cửu Long”.

Hạn hán năm 2020 dẫn đến mức độ xâm nhập mặn kỷ lục. Khoảng 33.000 ha lúa bị thiệt hại trong đợt hạn hán và 70.000 hộ gia đình không có đủ nước ngọt để trồng lúa hoặc đáp ứng nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của họ.

Đến năm 2030, chính phủ hy vọng sẽ giảm diện tích đất trồng lúa ở Đồng bằng 300.000 ha, ít hơn 20% so với 1,5 triệu ha được trồng trong năm nay.

“Nhắc đến đồng bằng sông Cửu Long trước đây người ta nghĩ ngay đến cây lúa, nhưng bây giờ thì không”, ông Đặng Kiều Nhân nói. “Chính sách của chính phủ đã thay đổi đáng kể kể từ năm 2017 và chúng tôi không còn coi gạo là ưu tiên nữa”.

dbscl2.jpg
ĐBSCL có nhiều sản vật phong phú

Như vậy, do áp lực từ việc giảm phát khí thải, do áp lực từ việc biến đổi khí hậu thì về lâu dài, chúng ta sẽ phải tính cách để không dựa nhiều vào cây lúa. Áp lực môi trường đã thúc đẩy chính phủ Việt Nam phát triển các giải pháp thay thế cho chính sách “gạo là trên hết” và hiện đang khuyến khích người dân trồng cây ăn quả hoặc thành lập các trang trại nuôi cá và hải sản. Đây là những mặt hàng có thể mang lại doanh thu xuất khẩu giá trị và ổn định hơn cây lúa. Thực hiện ngay việc này sẽ càng sớm góp phần thúc đẩy khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế sau đại dịch COVID-19.

Kỳ tới: Làm thế nào để trồng lúa bớt thải khí mê tan và phát triển thủy hải sản

“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ”

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
5 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kỳ 1: Giảm khí thải là động lực để ĐBSCL phá thế độc canh sau đại dịch COVID-19