Tướng Westmoreland sau này cũng phát biểu rằng ông cũng chống lại ý định không kích kéo dài trước khi quân bộ chiến được triển khai : “tôi thẳng thắn không ủng hộ chiến dịch không kích, cho đến ít nhất cũng là năm 1966, lúc đó tôi đã có đủ quân để bảo vệ chúng ta rồi”.
Nhiều sĩ quan cao cấp của Lục quân và quân đội chiến trường có cái nhìn thực tế hơn về hiệu quả của không lực tại VN hơn là các tướng tư lệnh không quân. Ngược lại, các tướng chỉ huy cao cấp của không quân và hải quân lại có cái nhìn thực tế hơn về những hạn chế của các cuộc hành quân trên bộ. Mỗi người trong số họ đều nhìn thấy rõ điểm yếu của người khác song lại không nhìn thấy những hạn chế của chính mình. Tôi chia sẻ với mối bi quan của từng người nhưng lại không cảm nhận được và cũng chẳng cảnh giác được những mâu thuẫn quan trọng đang tỏ rõ giữa họ. Các mâu thuẫn này lại không hề được tranh luận ở cấp cao nhất. Lẽ ra họ phải thảo luận kĩ kia. Về phần Tổng thống, ông cũng đã từng bi quan về hiệu quả của công kích. Ông muốn nhìn thấy nhiều tiến bộ về mặt bộ chiến hơn nữa tại NVN. Chính vì thế, hôm 2/3, ông đã phái Tư lệnh lục quân, tướng Harold K. Wilson, đi Sài Gòn để đánh giá tình hình rồi đề xuất với ông những gì cần làm.
Tướng Wilson nhận được một bản báo cáo thật khắc nghiệt ngay khi đặt chân đến Sài Gòn. Đại sứ Maxwell Taylor bảo với ông rằng vấn đề cơ bản chưa giải quyết được vẫn là không bảo đảm an ninh được cho NVN mà nguồn gốc là do việc chúng ta không có khả năng tạo được một ưu thế về quân số vượt trội hơn VC theo tỉ lệ 5 chống 1, trong khi ở các nơi khác như Phi Luật Tân hoặc Mã Lai Á, nơi mà chiến dịch chống nổi dậy đã thành công, cho thấy ưu thế quân số này lên đến 10 hoặc 20 chống 1. Tướng Westmoreland thì khuyến cáo nên tiến hành “ mọi biện pháp cần thiết để trì hoãn ngày tháng của sụp đổ của NVN”. Thành ra chẳng lấy gì làm ngạc nhiên khi tướng Wilson soạn bản phúc trình của mình với khuyến cáo tăng thêm quân. Trong số các biện pháp đề xuất, ông còn đề nghị mở rộng các cuộc không kích chống lại BVN; thành lập một lực lượng đa quốc gia chống xâm nhập tại khu vực phi quân sự; triển khai một sư đoàn bộ binh gồm 16.000 quân gần Sài Gòn hoặc trên cao nguyên Trung phần về phía bắc Sài gòn.
Tổng thống và tôi gặp tướng Wilson cùng các tướng chỉ huy khác tại tòa Bạch Ốc hôm 15/3 để cùng điểm qua bản phúc trình này. Tại cuộc họp tướng Wilson ước tính cũng sẽ có thể cần đến 500.000 binh sĩ Mỹ trong vòng 5 năm tới để có thể chiến thắng. Các ước tính của ông không những làm cho Tổng thống và tôi bàng hoàng mà cả các tướng lĩnh khác nữa. Chẳng ai trong chúng tôi đã từng nghĩ đến một viễn tưởng như thế.
Các bất đồng quan điểm của chúng tôi về vấn đề VN vẫn cứ sâu đậm. Sẽ là sai lầm nếu đơn giản hóa vấn đề bằng cách phân loại thành từng nhóm ý kiến khác nhau khi mỗi cá nhân cứ thay đổi lập trường tới lui mãi, song sẽ không là sai lầm nếu kết luận rằng Chính phủ Mỹ đã thất bại trong việc bày tỏ các giải pháp cơ bản trong việc giải quyết vấn đề.
Những quyết định của chúng tôi trong mùa xuân và mùa hè năm 65 chứng tỏ điều đó qua việc chúng tôi giải quyết những yêu cầu tăng thêm quân. Ngày 17/3 tướng Westmoreland đòi gửi thêm một tiểu đoàn thủy quân lục chiến đến bảo vệ căn cứ Đà Nẵng. Ngày 19/3 đô đốc Sharp lại yêu cầu thêm một tiểu đoàn nữa. Do sợ thua trận, họ thúc hối gửi sang cả một sư đoàn thủy quân lục chiến đến triển khai ở các tỉnh phía Bắc và một sư đoàn bộ binh đến cao nguyên Trung phận để tổ chức các cuộc hành quân tấn công.