Nguyễn Văn Thiệu ra về, không bao lâu sau, cũng chính Đỗ Mậu, với tư cách Giám đốc Nha an ninh quân đội, gọi điện thoại bắt Thiệu phải đến trình diện mình gấp. Vội vã và lo lắng, Thiệu rời Bộ Tư lệnh Sư đoàn 5 do mình nắm giữ, về ngay Nha an ninh quân đội vài giờ sau đó.
Lần này, Đỗ Mậu không mở đầu bằng những lời tiên đoán tốt đẹp như trước đây, mà dọa “bắt giam” Thiệu vì tội “âm mưu lật đổ tổng thống” Diệm! Nghe vậy Thiệu thất sắc, chưa biết phải nói năng ra sao, Ông Mậu vội trấn an ngay, bảo mình giả vờ thôi, và bàn vào chuyện…lật đổ Diệm thật!
Vậy là “ông thầy bói” thành “ngài đại tá” vận động làm binh biến và trong đảo chính 1.11.1963 chính Nguyễn Văn Thiệu cầm quân trực tiếp đánh vào thành Cộng hòa và dinh Gia Long, được thăng từ đại tá lên thiếu tướng.
Theo những người thân cận dinh độc lập thì phần việc tham gia đảo chính trên của ông Thiệu do tướng Dương Văn Minh giao.Thăng đến trung tướng. Thiệu chuyển sang vai “quốc trưởng” (Chủ tịch Ủy ban lãnh đạo quốc gia). Năm 1964-1965, Nguyễn Văn Thiệu cùng “nhóm tướng trẻ” đưa “ông thầy bói” Đỗ Mậu ra khỏi Sài Gòn quản thúc. Nguyễn Cao Kỳ cũng vậy, trước được Đỗ Mậu dẫn đi coi bói bởi một “ông thầy” khác để biết chuyện tương lai, sau lên làm “thủ tướng” đã góp tay đẩy ông Mậu về vườn.
Chuyện như sau: Theo Đỗ Mậu, ông và Nguyễn Cao Kỳ có liên hệ “thắm thiết” như anh em, chí lí tình nghĩa đến cả chia nhau chút ruốc mắm, lọn nem, đòn chả, củ hành, dưa kiệu, nhét túi cho Kỳ đôi đồng uống bia là thường. Ngày mẹ mất, Kỳ thống thiết thưa với đàn anh: -“ Buổi sinh tiền, mẹ tôi ngỏ ý muốn khi mất sẽ được chôn cất ở nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi mà tôi thì quá túng thiếu không làm sao báo hiếu được, vậy nhờ đại tá giúp đỡ đàn em”. (Đỗ Mậu).
|
Ảnh tư liệu: Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ (từ trái qua) |
Cám cảnh Kỳ nghèo mà có hiếu, Đỗ Mậu bỏ tiền “mua biếu tặng bà cụ đám đất trong nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi”, giúp Kỳ chôn cất mẹ như ý nguyện. Kỳ dính líu tới nhóm sĩ quan nhảy dù mưu lật đổ Ngô Đình Diệm vào năm 1960; lại buôn lậu hàng hóa rẻ từ Singapore về bị quan thuế bắt; Đỗ Mậu bảo mình đều đứng ra che chở “đàn em”.
Đến ngày vận động lật đổ chế độ Diệm, tuy thân thiết như vậy, Đỗ Mậu vẫn thi triển bài bản có lớp lang chu đáo. Đầu tiên, gọi Kỳ đến, mở miệng là dọa “bắt” (như với Thiệu). Nhưng sau hạ giọng mát mẻ mời “tham gia đại sự”, làm như bộ luôn tiện (thật ra có chủ ý, sắp xếp trước) lôi Kỳ đi coi bói.
Theo lời Kỳ, hai người lên taxi chạy qua những phố vắng vẻ của Sài Gòn, ngừng trước một căn nhà tồi tàn: “Một cụ già đưa chúng tôi vào một gian phòng dơ dáy đầy sách vở, cuộn giấy, biểu đồ thiên văn…Đỗ Mậu đưa cho ông ta những chi tiết về ngày sinh của tôi rồi hỏi ông ta hai câu. Câu thứ nhất: “Người này (chỉ Nguyễn Cao Kỳ) có lương thiện không, có phải là một người tôi có thể tin tưởng, sẽ không bao giờ phản lại tôi hay những người khác không?”
Câu trả lời của cụ già khẳng định là Kỳ không phải loại người “phản trắc”.
Đoạn “mở đầu gieo quẻ” đó, Đỗ Mậu kể sinh động hơn: “Tôi (Đỗ Mậu) bèn kéo Kỳ đến nhà thầy tử vi Minh Lộc ở đường Trần Quý Cáp (nay là Võ Văn Tần, Q.3, TP.HCM) mà tôi đã sắp đặt từ trước. Sau khi gieo quẻ bấm tay, ông Minh Lộc nói rằng số Canh Ngọ này (của Nguyễn Cao Kỳ) làm nghề đi mây về gió (!) tuy nhiên đến thu đông năm nay (nhằm khoảng thời gian áng chừng nổ ra cuộc đảo chính Diệm; sau ấn định vào 1.11) phải làm gì có tính cách bạo động rồi trở thành vương tướng, phú quý song toàn” (!) Câu ấy hàm ý kích động Kỳ tham gia quân đội lật đổ Ngô triều.
Tử vi của ông này (Kỳ) có báo trước là một ngày nào đó ông ta sẽ đi tù không?
Kỳ viết: “Một lần nữa lão thầy bó nghiền ngẫm những biểu đồ và sách vở của ông ta rồi quyết đoán: Không, suốt đời ông này sẽ không bao giờ đi tù cả”.
Câu hỏi đó của Đỗ Mậu là câu trả lời “không bao giờ đi tù” của ông thầy bói nhằm trấn an Kỳ. Vì từ lời “thầy” mà suy ra, đảo chính bị “hụt”, Kỳ vẫn an toàn không bị ở tù chi cả, vì “số” là như thế (!).
Đến câu hỏi này mới thật cột nhau vào thế kẹt: “Số này (của Kỳ) có phản bội tôi (Đỗ Mậu) không?”. Minh Lộc khẳng định: “Không, bởi nếu phản bội sẽ bị chết bất đắc kỳ tử”. Đỗ Mậu thưởng cho thầy tử vi một trăm đồng bạc rồi ra về: “Trước khi chia tay, Kỳ thề suốt đời giữ trọng lòng trung nghĩa đối với tôi. Sau này Kỳ phản tôi, cùng với nhóm tướng trẻ cô lập tôi ở Kon Tum, tại Nha Trang nhưng Kỳ đã không chết bất đắc kỳ tử, vả lại trong thâm tâm tôi cũng thật lòng không muốn ai phải chết bất đắc kỳ tử…”.
Tuy không “bất đắc kỳ tử nhưng tiếng đồn không mấy hay ho về Kỳ (và Thiệu) tăng dần theo số quân Mỹ từng vào VN tham chiến mà đến Giáng sinh năm 1965 đã lên 184.000 (so với tháng 7.1965 chỉ mới 81.400 quân – số liệu dẫn từ Mc Namara).
Giữa năm đó, thuốc phiện cũng được thả dù xuống cao nguyên Trung phần sau khi bí mật đưa lên máy bay gần Savanakhet của Lào. Một số trong đó “lọt” vào chiếc chuyên cơ của Nguyễn Cao Kỳ với sự “hợp tác” của cả Thiệu, Nguyễn Hữu Có, Vĩnh Lộc, Cao Văn Viên.
Khi chuyến bay sắp cất cánh rời Pleiku về Sài Gòn thì bị phát giác và la ầm lên bởi viên Tư lệnh Quân đoàn I vùng I chiến thuật: Nguyễn Chánh Thi! Nguyễn Hữu Có (Tổng ủy viên quốc phòng) chặn không cho Thi tới gần máy bay chở thuốc phiện. Ức khí, Thi gằn giọng:
-Định bán cho ai?
(Còn tiếp…)
Mai Nguyễn