Trên chuyến máy bay sang Thái Lan vào năm 1964, Nguyễn Cao Kỳ bị hớp hồn bởi “một sắc đẹp cổ kính nhất” của cô tiếp viên hàng không Đặng Tuyết Mai 20 tuổi mà ông ta “chưa thấy bao giờ”. 

Kỳ 2: Cao Kỳ - Tuyết Mai: Một thời để yêu và một thời… đảo chính!

Một Thế Giới | 29/08/2015, 09:00

Trên chuyến máy bay sang Thái Lan vào năm 1964, Nguyễn Cao Kỳ bị hớp hồn bởi “một sắc đẹp cổ kính nhất” của cô tiếp viên hàng không Đặng Tuyết Mai 20 tuổi mà ông ta “chưa thấy bao giờ”. 

Xuống phi trường Băng-cốc, Kỳ tìm cách mời cho được Mai dùng cơm với mình chiều hôm đó và” qua sáng hôm sau biết được nàng sẽ rời Băng-cốc sớm trong chuyến bay trở về Việt Nam, tôi cảm thấy là phải đến chào từ giã nàng. Nhưng thông thường đàn ông không đường đột vào phòng ngủ đàn bà lúc 6 giờ sáng. Tuy nhiên tôi cũng đã tìm ra được cách để vào phòng nàng.
Mặc xong bộ quân phục thiếu tướng không quân màu trắng có hồ bột cứng sẵn sàng để đi dự cuộc diễu hành chính thức, tôi kín đáo đứng chờ người phục dịch khách sạn mang điểm tâm lên phòng nàng và tôi dúi cho người này mấy đồng bạc (do người phục dịch “nhường” lại) đến gõ nhè nhẹ cửa phòng của Mai. Nàng đang đứng nhìn ra ngoài cửa sổ và gần như không ngó đến tôi khi nàng bảo để mâm điểm tâm xuống bàn…”.
Kỳ kể về lần đầu gặp Mai như vậy. Đến tháng 9-1, khi Mai đã trở thành cô vợ sắp cưới của mình, lần đầu tiên Kỳ lái xe chở Mai đi chơi ra khỏi Sài gòn vào sáng chủ nhật ngày 13. Nơi họ muốn đến thăm là sân bay Biên Hòa và vùng phụ cận nằm cách 35 dặm phía Bắc. Trên đường, viên sĩ quan cận vệ lưu ý về số đông binh lính đang di chuyển khác thường theo hướng ngược lại họ, nhưng Kỳ không để tâm lắm vì mải trò chuyện với Mai. Tới Biên Hòa, Kỳ biết chắc cuộc chuyển quân nói trên nằm trong âm mưu đảo chính mới của viên tướng tư lệnh vùng sông Cửu Long và Dương Văn Đức.
Dương Văn Đức làm đại sứ tại Séoul thời ông Diệm và đã yêu một cô gái Đức làm việc trong sứ quán Tây Đức ở Hàn Quốc hồi đó. Mặc dầu ông Diệm tỏ ý không bằng lòng nhưng Đức vẫn cưới người mình yêu và bị cách chức, đưa qua Mỹ học.
Về sau, ông Đức ở Pháp hoạt động chống Diệm, thường uống rượu say, sống túng thiếu, sau ngày 1.11.1963 được trở về Việt Nam. Nay thì ông Đức quay sang chống lại sự kềm siết của Nguyễn Khánh và đang kéo quân uy hiếp Sài Gòn, trong lúc Khánh vừa bay lên Đà Lạt, còn Kỳ đi chơi với người đẹp Tuyết Mai ở Biên Hòa.
Rõ ràng Đức đang nắm ưu thế ngay giờ đầu của mưu toan lật đổ, và nếu căn cứ không quân rơi vào tay Đức, lực lượng đảo chính sẽ có thêm phương tiện để có thể hành động phiêu lưu và nguy hiểm. Do vậy Kỳ phải lập tức quay về Tân Sơn Nhất trước khi quân của Dương Văn Đức tràn đến. Không thể để Mai ở lại Biên Hòa một mình, Kỳ điện Bộ Tư Lệnh cấp tốc đưa trực thăng đến đón hai người. Cuộc du ngoạn ngắn ngủi bằng đường bộ chuyện sang chuyến bay chiến thuật song song với cuộc tiến quân đang diễn ra dưới đất.
Rất nhanh, khi trực thăng đưa Kỳ và Mai đáp xuống “ngôi nhà có giàn hoa tím” của họ tại Tân Sơn Nhất, Sư đoàn bộ của tướng Dương Văn Đức với xe tăng yểm trợ đã kiểm soát gần hết Sài Gòn, kể cả Bộ Tổng tham mưu và Đài phát thanh. Qua làn sóng điện, tướng Lâm Văn Phát lên tiếng mạt sát Nguyễn Khánh thậm tệ.
Từ Đà Lạt, Khánh nghe được giọng hậm hực của Phát đã tái mặt bảo Trần Văn Đôn và Trần Thiện Khiêm (lúc đó giữ chức Tổng tư lệnh quân đội, cũng đang có mặt ở cao nguyên và bỏ trống Sài Gòn):

-Nếu thằng Kỳ mà theo bọn ấy, nó sẽ cho phi cơ dội bom tụi mình ở đây…

Nên gia đình Khánh và Khiêm dời chỗ ở đi nơi khác và cho đặt súng phòng không ở Dinh số 2. Nhưng họ quá lo xa, vì Kỳ vốn không ưa Lâm Văn Phát, nay nghe Phát lên đài phát thanh với “nhiều lời tuyên bố mà tôi (Nguyễn Cao Kỳ) chẳng thích. Mục đích được ông ta đưa ra là nhằm phục hồi lại triết thuyết của Diệm (?)”. Không ăn cánh với Phát nhưng lại có quan hệ không căng thẳng mấy với tướng Đức, nên Kỳ gọi điện nhắn Dương Văn Đức là “nên quay trở về”.

Nhưng Đức vẫn tiến quân, đưa xe tăng áp sát căn cứ không quân Tân Sơn Nhất và đến gần vị trí Bộ Tư lệnh của Kỳ chập tối ngày hôm đó. Để dễ “nhận mặt nhau”, hỏa châu được bắn sáng cả bầu trời và Kỳ đích thân ra khỏi vành đai phòng thủ gặp người chỉ huy các toán xe tăng.
Giữa hai binh chủng không quân và thiết giáp trong quá khứ vẫn chưa có gì hiềm khích nhau nên việc dàn xếp để tránh đụng độ khá thuận lợi. Ra về, Kỳ nhắn nhe: “Nếu các anh cho xe tăng tiến lên một bước nữa là tôi sẽ cho ném bom”. Đêm đó, xe tăng án binh bất động.
Sáng ra Kỳ điện cho Dương Văn Đức: “Đã đến lúc trung tướng nên từ bỏ ý định… Đây là lời nói sau cùng của tôi. Nếu trung tướng không rút lui, tôi sẽ ném bom, xuống bộ chỉ huy của trung tướng”. Xét nhiều yếu tố bất lợi, trong đó có sự bất hợp tác của lực lượng không quân nên Dương Văn Đức bỏ cuộc. Sau lần ấy, theo lời Kỳ, ông ta nổi bật lên như “một lãnh tụ không chính thức của nhóm sĩ quan trẻ” mà Kỳ ưa nhắc đến trong hồi ký với tên gọi “nhóm tướng trẻ”.
Quà cưới: Chiếc Ford Facon lộng lẫy và bộ đồ trà chân quê
Nguyen Cao Ky - Dang Tuyet Mai
 Nguyễn Cao Kỳ - Đặng Tuyết Mai thuở mặn nồng
Vài tháng sau cuộc đảo chính trên, Kỳ và Mai gửi thiệp hồng đến hàng ngàn quan khách gồm toàn bộ nhân viên chính phủ, tư lệnh và chỉ huy trưởng các đơn vị hải, lục, không quân, ngoại giao đoàn, cùng nhân vật cao cấp Việt – Mỹ có thế lực tại Sài Gòn mời dự đám cưới.
Khánh lúc ấy với tư cách là “sếp bự” và là bạn cố tri của Kỳ đã tặng vợ chồng Kỳ món quà lộng lẫy là chiếc xe Ford Falcon mà Khánh đang đi. Đó là chiếc xe hơi đầu tiên Kỳ được làm chủ trong đời. Trước đó Kỳ chỉ luôn lái chiếc xe jeep của quân đội cấp cho.
Kỳ viết: “Hương (Trần Văn Hương), lúc bấy giờ còn là thủ tướng đã gửi đến chúng tôi một món quà mừng đám cưới sang trọng là 200.000 đồng, số tiền này đã hết sức tiện lợi cho tôi để trang trải phí tổn tiệc cưới tại nhà hàng Caravelle mà “ai ai” cũng đều được mời dự”.
Theo lời kể của dân Sài Gòn và báo chí thời đó, đêm cử hành hôn lễ của Kỳ - Mai tại khách sạn Caravelle “quả là một đại dạ hội tưng bừng hiếm có giữa Sài Gòn xáo trộn, báo hiệu cái thế giá đang lên của một nhân vật gặp thời”. Kỳ và Mai, một  bên là tư lệnh không quân, một bên là nữ tiếp viên hàng không xinh đẹp, họ đã thật sự “bay lên mây” theo nghĩa bóng  lẫn nghĩa đen, và làm đám cưới vào độ đậm đà nhất của cuộc tình.
Người Mỹ đang cần đến “ lãnh tụ nhóm tướng trẻ” để ủng hộ việc tăng 180.000 quân Mỹ ở VN năm đó. Chính khách Sài Gòn cần có chỗ dựa để khỏi lạnh gáy giữa thời buổi “đảo chính xảy ra như cơm bữa”. Nên quà cưới của hai phía Mỹ - Việt gửi đến họ khá hào phóng, đắt tiền; trừ một món quà chân quê, đó là bộ đồ trà đơn sơ nằm cứ như một dấu chấm than trêu ngươi giữa các tặng vật hào nhoáng. Kỳ có hơi chột dạ chưa dám giới thiệu với Mai chủ nhân vắng mặt của món quà đó: thiếu tướng Đỗ Mậu.
Đỗ Mậu viết:” Mùa xuân năm 1965, thiếu tướng tư lệnh không quân Nguyễn Cao Kỳ làm lễ thành hôn với người đẹp nữ tiếp viên phi hành Đặng Tuyết  Mai. Đám cưới Kỳ - Mai là một trong những đám cưới linh đình nhất Việt Nam từ mấy chục năm qua, chỉ thua đám cưới ông Trần Trung Dung, cháu rể của Tổng Thống Diệm (trước kia), và dĩ nhiên phải thua đám cưới ái nữ Tổng Thống Thiệu và con trai ông Nguyễn Tấn Trung (sau này)”.
Ngoài đại tiệc ở Caravelle, một đại tiệc khác dành riêng cho hai họ và bà con thân thuộc được mở tại Chợ Lớn. Lễ tơ hồng:” tân lang trong chiếc áo dạ hội màu đỏ đã tặng giai nhân chiếc nhẫn to bằng đầu ngón tay”! Đây là cuộc hôn nhân lần thứ hai của Kỳ; ông viết:” Cuộc hôn nhân đầu tiên của tôi với một phụ nữ Pháp – và chúng tôi đã có 5 đứa con với nhau – đã kết thúc bằng ly thân và tiếp đó chúng tôi đã ly dị”.
Đời vợ trước của Kỳ, theo lời tướng Đỗ Mậu, không được hanh thông dư dả lắm. Hàng năm cứ vào mùng một Tết, Kỳ thường dẫn vợ con đến nhà Đỗ Mậu mừng tuổi và lạy bàn thờ gia tiên vì xem Đỗ Mậu” như người anh trưởng của gia đình Kỳ’. Đến cuộc hôn nhân với Mai, Kỳ đích thân đến nhà mời vợ chồng  Đỗ Mậu dự tiệc, nhưng ông Mậu đã quá “chán chường không muốn chen lấn vào những nơi tụ họp đông đảo của hạng người trưởng giả nữa” nên không dự đại tiệc của Kỳ ở Caravelle. Có lẽ vì vậy đã dẫn đến thái độ cao ngạo đáp trả của Kỳ đối với Đỗ Mậu khi Kỳ lên làm thủ tướng vào khoảng nửa năm sau ngày cưới Mai. Chuyện như sau:

Kỳ phái viên thiếu tá chánh văn phòng của mình mời Đỗ Mậu đến dinh thủ tướng, đợi hơn một tiếng đồng hồ mới tới. Tới rồi, Kỳ đi thẳng vào phòng làm việc bắt Đỗ Mậu chờ thêm một tiếng nữa rồi mới ra tiếp. Sau hai giờ chờ chực, tưởng Kỳ nói chuyện chi quan trọng lắm, ai dè chỉ buông một câu trống không: “Lâu ngày không gặp nên tôi chỉ mời thiếu tướng vào thăm thế thôi”. Đỗ Mẫu “cám ơn” rồi ra về, buồn bực vì cuộc gặp mặt lãng nhách đó. Chắc Kỳ không mời đến để “thăm” vì thâm tình, bởi nếu vậy Kỳ đã tìm đến nhà riêng tướng Mậu, người mà Kỳ từng tôn xưng là “đàn anh” trước kia.

Đỗ Mậu chẳng buồn vì cách đối xử quá “hỗn” của Kỳ làm chi, mà nhớ đến “lá số tử vi” của một nhân vật “khắc tinh” của Kỳ và đang có mặt bên cạnh Kỳ là Nguyễn Văn Thiệu. Hồi ký Đỗ Mậu viết: “Thiệu có đến 4 chữ Tý: Tuổi Giáp Tý 1924, sinh vào giờ Tý (nửa đêm), tháng Tý (11 âm lịch) và cung Mệnh viên cũng nằm ở Tý”.

Dựa vào “lá số” đó, trước kia Đỗ Mậu xui Thiệu “làm cách mệnh” chống lại chế độ Diệm. Thiệu hoảng sợ năn nỉ Đỗ Mậu là “ông Cụ” (tức  Ngô Đình Diệm) cũng tin tử vi lắm, đừng nói với “ông cụ” về lá số quá tốt của Thiệu, sợ “cụ” nghi kỵ:

-Ông cụ biết được ông sẽ chặt đầu cả hai đứa mình!

( Còn nữa….)

Mai Nguyễn

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 4: Những con số biết nói
Các con số thống kê cho thấy kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát phù hợp; cung cầu hàng hóa thiết yếu được bảo đảm, hoạt động mua sắm hàng hóa, tiêu dùng nội địa duy trì mức gia tăng khá; đời sống của nhân dân đã được cải thiện, công tác an sinh xã hội được các cấp quan tâm thực hiện kịp thời, thiết thực.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kỳ 2: Cao Kỳ - Tuyết Mai: Một thời để yêu và một thời… đảo chính!