Như báo Một Thế Giới đưa tin, đại biểu quốc hội Lê Nam (Thanh Hóa) đề xuất “không cần bắn, chỉ cần nhốt trong lồng đẹp để ở nhà cho vợ nuôi cho đủ… xấu hổ” và nhấn mạnh, theo quan điểm của ông, đó không phải là nhục hình.
Về tội tham nhũng, dự thảo Bộ luật đưa ra quy định, người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản hoặc tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động khắc phục cơ bản hậu quả của tội phạm do mình gây ra, hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn cũng được xem xét không áp dụng án tử hình.
Chia sẻ quan điểm với ông Nam, đại biểu Trần Văn Độ (An Giang, nguyên Phó chánh án TAND tối cao) nhận định, quy định hình phạt tử hình từ lâu nhưng áp dụng không bao nhiêu. Trong khi đó tài sản tham ô, tham nhũng thu hồi được rất ít. Do đó nếu có biện pháp thu hồi tài sản sẽ tốt hơn rất nhiều việc tử hình.
Về vấn đề này, luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội khi trao đổi với báo Đất Việt cho rằng đó cũng là một đề xuất cần nghiên cứu kỹ để có thể giảm gánh nặng cho xã hội
Hiện cũng đang có nhiều luồng ý kiến xung quanh việc bỏ án tử hình chuyển sang chung thân đối với tội danh tham nhũng nếu nhà nước thu hồi triệt được để tài sản bị thất thu. Đây cũng là một hướng đáng suy nghĩ để nhà nước có thể thu hồi được tài sản cao nhất.
"Kể cả việc bỏ án tử hình đối với tội danh tham nhũng và thay thế bằng các hình phạt khác cũng là cách để đòi tiền lại cho nhà nước đều cần có thời gian để cân nhắc và suy nghĩ", ông Thuận nhấn mạnh.
Còn Luật sư Trần Hữu Huỳnh, nguyên Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng mức phạt phải đủ sức răn đe. Trên Đất Việt, ông Huỳnh cho rằng bản chất của tội phạm kinh tế là vì tiền nên nếu dùng án tử hình có tính chất răn đe hay không thì cũng cần phải xem xét.
Tuy nhiên nếu như áp dụng hình phạt là nhốt vào lồng thì có thể nghĩ tới chuyện với những người tham nhũng nếu để như vậy thì họ sẽ xấu hổ làm gương cho người khác.
"Sự xấu hổ, nhục nhã thì không chỉ với tội tham nhũng mà tội gì khi bị phanh phui ra cũng đều nhục cả. Thế nhưng xét cho cùng thì ai làm người đó chịu. Nếu làm như vậy có thể gia đình họ sẽ cảm thấy bị tổn thương. Vì vậy cần nghiên cứu kỹ vì vấn đề không chỉ liên quan đến cá nhân người phạm tội", ông Huỳnh suy nghĩ.
Lôi Phong (tổng hợp)