Bị hấp dẫn bởi giá trị kinh tế của cây măng tây mang lại, anh tài xế Nguyễn Ri Bo quyết định nghỉ nghề “ôm vô lăng” và đưa loại cây này về miền Tây gieo trồng. Sự kiên định của anh với cây măng tây đã mang lại hiệu quả vô cùng bất ngờ.

Kỳ công đưa cây măng tây về đất phù sa

Nguyên Việt | 14/05/2021, 17:53

Bị hấp dẫn bởi giá trị kinh tế của cây măng tây mang lại, anh tài xế Nguyễn Ri Bo quyết định nghỉ nghề “ôm vô lăng” và đưa loại cây này về miền Tây gieo trồng. Sự kiên định của anh với cây măng tây đã mang lại hiệu quả vô cùng bất ngờ.

Bỏ ruộng hoang 2 năm để cải tạo đất

Hơn 5 giờ chiều, anh Nguyễn Ri Bo (41 tuổi, ngụ ấp Đông Thạnh, xã Đông Hiệp, H.Cờ Đỏ, TP.Cần Thơ) vừa kết thúc một ngày giao măng tây tới các bạn hàng. Anh kể, hằng ngày, anh phải thức dậy từ 4-5 giờ sáng chạy xe máy hàng trăm cây số để giao măng tây ở TP.Long Xuyên (An Giang) và trung tâm TP.Cần Thơ. Hết một ngày làm việc, anh Bo “nhẹ nhàng” đút túi vài triệu đồng. Làn da ngăm đen vì nắng gió, nụ cười hồn hậu, anh Bo hào hứng kể về kỳ công đưa cây măng tây về trồng trên đất phù sa.

mang-tay-1.jpg
Ruộng măng tây của anh Nguyễn Ri Bo được cho là đầu tiên ở Cần Thơ - Ảnh: Nguyên Việt

Mấy năm trước, anh Bo là tài xế xe tải nhiều lần chở hàng hóa ra tỉnh Ninh Thuận. Thấy cây măng tây giúp người dân ở đây “hái” ra tiền, anh lên mạng mày mò tìm hiểu. Càng hiểu tính ưu việt của loại cây này, anh càng quyết tâm đưa về trồng trên đất ruộng nhà mình. “Măng tây như cây tre vậy, cắt cây này nó nhảy ra cây khác, trồng một lần thu đến 10 năm. Hơn nữa, giá trị dinh dưỡng của loại cây này rất cao, giá bán cũng cao. Không có lý do gì mà mình không trồng thử”, anh Bo kể. Anh tính toán rằng, nếu trồng không thành công như mong đợi thì cũng có thức ăn cho vợ con, người thân mình sử dụng.

Nghĩ là làm, đầu năm 2018, anh lấy lại 15 công ruộng (1,5 hec ta) đang cho người khác thuê trồng lúa. “Phần đất này tôi cho thuê mỗi năm chỉ thu hơn 30 triệu, cảm giác rất phí. Nhưng lấy lại để trồng măng tây thì lại là một cuộc chơi khác. Trúng ăn, trật huề, cùng lắm là tôi đi lái xe trả nợ”, anh Bo cười nói.

mang-tay-3.jpg
Anh Bo dùng những tấm nilong để giữ độ ẩm cho đất, việc này giúp cho măng tây phát triển tốt hơn - Ảnh: Nguyên Việt

Măng tây là một loại cây không hề dễ trồng trên đất phù sa, loại cây này chỉ phù hợp trồng trên đất hữu cơ. Chính vì vậy, việc anh Bo phát triển được loại cây này trên chính mảnh ruộng nhà mình có thể gọi là kỳ công. Để bắt tay vào làm, ban đầu anh Bo để hoang ruộng của mình suốt gần 2 năm trời. Đây là cách mà anh gọi là để đất nghỉ sau một thời gian dài trồng lúa. Thời gian này, anh Bo tìm tòi, tích lũy vốn, kinh nghiệm để lựa chọn giống măng tây phù hợp với thổ nhưỡng nơi mình ở.

Một lần đi du lịch nước ngoài, được tham quan một trang trại măng tây ở nước bạn, anh Bo càng nung nấu quyết tâm của mình. “Đợt đó, tôi cà hết tiền trong thẻ hơn 70 triệu đồng để mua 2 kg hạt giống măng tây về. Tới lúc này rồi, tôi không ngừng lại được nữa”, anh Bo kể lại.

Hồi hộp chăm măng tây như con mọn

Hạt giống măng tây “ngồi” máy bay về nước rồi, anh Bo bắt đầu gieo trồng thử nghiệm. Cũng không ngoài dự kiến, đợt trồng thử nghiệm đầu tiên, anh thất bại do đất chưa “thuần” hữu cơ. Anh lại tiếp tục mày mò cải tạo đất một lần nữa. Anh lên luống, mua hàng trăm tấn phân hữu cơ, rơm ủ mục, phân bò. Đầu tư thêm hệ thống tưới tiêu nhỏ giọt hết hơn 200 triệu đồng. Anh quyết định “tất tay” trong cuộc chơi này. Tổng cộng, anh vay ngân hàng hơn 600 triệu đồng cho “canh bạc” này.

mang-tay-4.jpg
Cỏ dại mọc quanh măng tây giúp giữ ẩm cho đất - Ảnh: Nguyên Việt

Khi mọi thứ đã sẵn sàng, anh hồi hộp chờ cây măng tây phát triển. “Tối ngủ tôi tôi cứ hồi hộp mong cây lớn, ngủ say rồi còn mơ thấy măng tây nữa. Buổi sáng thức giấc phải ra thăm vườn rồi làm gì thì làm”, anh Bo kể. Suốt gần 2 tuần liền, hàng ngàn cây giống măng tây được gieo xuống cũng như trêu đùa anh. Chúng gần như bất di bất dịch khiến anh lo sốt vó. Trong khi đó, trên những luống măng tây cỏ mọc đã quá đầu gối. Anh Bo nhớ lại: “Đất quá tốt, nhiều dinh dưỡng, măng tây chưa mọc thì cỏ dại đã tranh thủ phát triển rồi”.

a63f654b69c4859adcd5.jpg
Anh Bo thu hoạch măng tây, tự tay đi giao cho các đầu mối mua hàng - Ảnh: N.V

Chưa hết, hàng xóm láng giềng, ngay cả người thân trong gia đình không ai hiểu anh đang làm gì. Họ mỉa mai, bỉ bôi anh, mẹ của anh cũng giận không thèm nói chuyện với anh. Hàng xóm nghe anh trồng măng tây, đến tham quan cho biết thì chỉ thấy cỏ không là cỏ, ai cũng cười rồi về. Không ai biết dưới lớp cỏ ấy, hàng ngàn cây măng tây thân bằng cây tăm đang dần trở mình.

Thấy người khác phản ứng như vậy, lòng người đàn ông không chút hoang mang, anh kiên định với cây trồng này. Tám tháng sau, ruộng măng tây anh đã bắt đầu cho thu hoạch mồi được vài ký. Ba tháng cuối năm 2020, anh chính thức thu rộ với tổng sản lượng hơn 5 tấn. Trung bình mỗi ngày anh thu khoảng 50 kg, với giá bán từ 60.000 - 100.000 đồng/kg, tùy từng loại, số tiền anh thu về mỗi ngày không hề nhỏ. Và trong những tháng tiếp theo, anh cho biết số lượng mỗi ngày còn tăng nữa.

mang-tay-2.jpg
Trồng cây măng tây trên đất phù sa được đánh giá là mô hình có hiệu quả kinh tế cao - Ảnh: Nguyên Việt

“Cái đặc biệt của cây măng tây là càng ngày sản lượng sẽ càng cao do cây phát triển và đẻ ra măng. Tôi đang có rất nhiều dự định để phát triển thêm diện tích gieo trồng”, anh Bo tiết lộ. Với thành công bước đầu của mình, măng tây không chỉ giúp anh trả được nợ ngân hàng mà còn tạo việc làm cho 6 lao động ở địa phương ổn định với mức lương 5 triệu đồng/tháng. Người thân, hàng xóm láng giềng nay đã nhìn ruộng măng tây của anh Bo với đôi mắt khác, đầy ngưỡng mộ và khâm phục. Đó là kết quả của sự quyết tâm, kiên trì của anh tài xế Nguyễn Ri Bo.

Để nâng tầm sản phẩm của mình, anh Bo đã nộp hồ sơ xin chứng nhận tiêu chuẩn VietGap. Sau nhiều lần thử nghiệm, sản phẩm măng tây của anh Bo đã đạt tiêu chuẩn. Đây là một trong những bước đi quan trọng để cây măng tây của anh tài xế này vươn ra nhiều thị trường khác.

Anh Đặng Phương Hồng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đông Hiệp cho hay, anh Bo là người đầu tiên mạnh dạn đầu tư trồng cây măng tây ở Cần Thơ. Cây măng tây chỉ phù hợp với đất cát, đất đỏ, nhưng anh Bo đã dám đầu tư. Đến thời điểm này có thể nói đây là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế rất cao, gấp khoảng 3 lần so với trồng lúa, lại thu hoạch quanh năm, không bị gián đoạn.

a-nguyen-ri-bo.jpg
Kết thúc một ngày làm việc, anh Nguyễn Ri Bo "nhẹ nhàng" đút túi vài triệu đồng - Ảnh: Nguyên Việt

Cây măng tây tuy còn xa lạ đối với bà con nông dân miền Tây, nhưng từ nhiều năm trước, ở một số địa phương cũng đã có người trồng thử nghiệm loại cây này. Hiện nay ở một số tỉnh như An Giang, Hậu Giang cũng đã có người đầu tư vốn liếng để trồng nhưng hiệu quả chưa được như kỳ vọng. Anh Bo tiết lộ, giống là một trong những yếu tố quyết định thành bại. Ngoài ra, việc giữ ẩm cho đất và bón phân hữu cơ đúng lúc đúng thời điểm cũng ảnh hưởng nhiều đến năng suất của cây măng tây. Tương lai, anh Bo mong rằng sản phẩm của mình sẽ vào được siêu thị để đến tay nhiều người tiêu dùng hơn nữa. Ngoài ra, bà con nông dân khắp miền Tây có nhu cầu tư vấn kinh nghiệm trồng măng tây, anh cũng sẽ sẵn lòng chia sẻ.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Điểm mới của lễ trao Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 7
1 giờ trước Văn hóa
Ngày 22.11, Ban tổ chức Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 7 tổ chức họp báo thông tin về lễ trao giải sẽ diễn ra vào ngày 29.11 tại Nhà hát lớn Hà Nội.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kỳ công đưa cây măng tây về đất phù sa