Trung Quốc (TQ) là "lái súng" xuất khẩu vũ khí lớn hàng thứ ba thế giới (dù chỉ chiếm 5% thị phần), vượt qua Đức và chỉ xếp sau Nga và Mỹ, theo báo cáo thường niên của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) công bố hôm 16.3
Trong giai đoạn 2010-2014, thị phần khí tài quân sự xuất khẩu của TQ tăng 143%, trong khi tổng số vụ mua bán vũ khí toàn cầu chỉ tăng 16% trong 5 năm trước đó, theo SIPRI.
Thị phần vũ khí xuất khẩu của TQ tăng từ 3% trong giai đoạn 2009-2014, thời điểm TQ xếp hạng 9 trong số các nhà xuất khẩu máy bay chiến đấu, chiến hạm và các loại vũ khí khác, theo SIPRI.
Dữ liệu của SIPRI cũng cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp vũ khí nội địa của TQ.
Nước này hiện sản xuất chiến đấu cơ thế hệ thứ tư, tàu khu trục nhỏ cho hải quân trong khi một loạt vũ khí đáng tin cậy, đơn giản, và tương đối rẻ tiền của TQ được sử dụng ở nhiều cuộc xung đột quanh thế giới.
TQ từ lâu đã là nhà nhập khẩu vũ khí lớn, chủ yếu là từ Nga và Ukraine. Nền kinh tế phát triển và khả năng bắt chước công nghệ nước ngoài đang làm thay đổi mạnh mẽ xu hướng này.
Tuy nhiên, TQ vẫn phải nhập khẩu các thiết kế hiện đại, các bộ phận phức tạp như động cơ máy bay. TQ xuất khẩu vũ khí sang 35 nước, trong đó dẫn đầu là Pakistan, Bangladesh và Myanmar.
Doanh số của TQ gồm các loại xe bọc thép, máy bay vận tải và máy bay huấn luyện cho Venezuela, ba tàu khu trục đến Algeria, tên lửa đối hạm cho Indonesia và máy bay không người lái cho Nigeria dẹp phiến quân nổi dậy Boko Haram đang hoành hành tại phía bắc Nigeria.
Lợi thế cạnh tranh của TQ là giá rẻ, thanh toán dễ dàng và có quan hệ thân thiện với các chính chính quyền mà phương Tây cho là độc tài, theo Philip Saunders, giám đốc Trung tâm nghiên cứu quân sự TQ tại Đại học Quốc phòng Mỹ, cho biết.
"Nói chung, chính sách của TQ là cung cấp các loại vũ khí với chất lượng trung bình, nhắm tới các nước có tài chính hạn hẹp như ở Nam Á, châu Phi và Mỹ Latin”, ông Saunders chia sẻ.
Gần đây, TQ đạt được thành công một thỏa thuận hợp tác với Pakistan, để sản xuất chiến đấu cơ JF-17, bán rộng rãi tên lửa đối hạm hành trình C-802 cơ bản nhưng hiệu quả, và một thỏa thuận bán hệ thống tên lửa phòng thủ HQ-9 sang Thổ Nhĩ Kỳ, việc gây nên tranh cãi vì sự không tương thích của hệ thống này với hệ thống vũ khí NATO.
TQ đã khai thác thị trường bị phương Tây cấm vận như CHDCND Triều Tiên và Iran, và TQ cho thấy được sức hấp dẫn của họ với các nước nghèo và các nước nhỏ khác, theo nhà phân tích quân sự Ian Easton, thuộc tổ chức nghiên cứu an ninh châu Á (Viện Dự án 2049) ở Arlington, Mỹ.
“Tất cả những động thái trên đã làm các nhà hoạch định chính sách quân sự và những nhà lãnh đạo quân đội Mỹ bất ngờ”, Easton nói và báo động, rằng “Lái súng" xuất khẩu vũ khí TQ là sự phát triển đáng lo ngại, đang đe dọa đến an ninh của Mỹ và các đồng minh của Mỹ”.
Hiện máy bay không người lái là sản phẩm mũi nhọn của TQ với giá cạnh tranh. Một kiểu có tên khác nhau là Yilong, Wing Loong hoặc Pterodactyl trở nên đặc biệt phổ biến với khách hàng nước ngoài, dù TQ giữ kín thông tin doanh số, khiến những vụ mua bán này khó biết được có bao nhiêu món đang được sử dụng và ở đâu.
Đài truyền hình trung ương TQ CCTV dẫn lời cựu tướng Xu Guangyu tại một triển lãm hàng không hai năm trước, rằng các máy bay không người lái, có thể được trang bị hai tên lửa dẫn đường, chỉ tốn khoảng 1 triệu USD.
Giá này thấp hơn khoảng 10 đến 20 % so với chiếc MQ-1 Predator của Mỹ. Có tin nơi mua loại này gồm Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất Uzbekistan và Saudi Arabia.
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng lớn của TQ trong nền công nghiệp vũ khí vẫn còn là một khoảng cách lớn, so với các nước dẫn đầu nền công nghiệp này là Mỹ và Nga, đã cho thấy những giới hạn trong khát vọng của TQ.
Mỹ chiếm 31% thị phần vũ khí toàn cầu, xuất khẩu ít nhất cho 94 quốc gia. Các quốc gia trong khu vực châu Á và châu Đại Dương chiếm 48% thị phần xuất khẩu của Mỹ, tiếp theo là Trung Đông với 32% và 11% ở Châu Âu, theo tài liệu của SIPRI.
Nga đứng thứ nhì với 27% thị phần, 39% xuất cho Ấn Độ - nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới. TQ chiếm 11% xuất khẩu của Nga, tiếp theo là Algeria.
SIPRI sử dụng số lượng giao dịch vũ khí trung bình từng năm của các nước trong vòng 5 năm, và không cung cấp số tiền giao dịch vốn thường bị các chính phủ cung cấp vũ khí nêu là quà tặng có giá trị dưới giá trị thật.
Tuấn Anh (theo AP)