Thực tế hoạt động công tác xã hội trong bệnh viện đang góp phần làm gia tăng sự hài lòng bệnh nhân, thân nhân bệnh nhân nhưng chất lượng, năng lực chuyên môn của những người làm công tác xã hội ở đây còn yếu. Đặc biệt, nhiều cơ sở y tế chưa nhận thức được chức năng, vị trí của nghề công tác xã hội trong việc chăm sóc sức khỏe.

Làm công tác xã hội trong bệnh viện không có nghĩa là làm từ thiện

Hồ Quang | 14/06/2017, 17:51

Thực tế hoạt động công tác xã hội trong bệnh viện đang góp phần làm gia tăng sự hài lòng bệnh nhân, thân nhân bệnh nhân nhưng chất lượng, năng lực chuyên môn của những người làm công tác xã hội ở đây còn yếu. Đặc biệt, nhiều cơ sở y tế chưa nhận thức được chức năng, vị trí của nghề công tác xã hội trong việc chăm sóc sức khỏe.

Hỗ trợ tâm lý cho nhân viên y tế

Thống kê của Bộ Y tế cho biết tính đến nay, cả nước có 80% các bệnh viện tuyến trung ương và cả trăm bệnh viện tuyến tỉnh có thành lập phòng công tác xã hội, bộ phận làm chức năng công tác xã hội. Đó là chưa kể nhiều bệnh viện quận, huyện cũng đã thành lập phòng công tác xã hội.

Nhiều phòng công tác xã hội trong bệnh viện đã triển khai hoạt động tích cực và hiệu quả như: Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM), Bệnh viện Nội tiết Trung ương, Bệnh viện Tim Hà Nội…

Điển hình như Đơn vị y xã hội (Bệnh viện Chợ Rẫy) mỗi tháng đơn vị này hỗ trợ hàng trăm triệu đồng cho những bệnh nhân nghèo,hay Phòng công tác xã hội (Bệnh viện Nguyễn Tri Phương) dù mới thành lập vào cuối thánh 6.2016 nhưng đến nay cũng đã hỗ trợ cho 247 bệnh nhân với số tiền gần 500 triệu đồng…

Các phòng công tác xã hội ở đây đã hỗ trợ, giải quyết những vấn đề tâm lý cho người bệnh và người nhà người bệnh; tổ chức tiếp đón, hướng dẫn người bệnh về quy trình, thủ tục khám chữa bệnh; giải thích, tư vấn về các chế độ chính sách, đặc biệt là chính sách bảo hiểm y tế; vận động các nhà tài trợ hỗ trợ vật chất cho người bệnh có hoàn cảnh khó khăn…

Chia sẻ tại “Hội nghị sơ kết, chia sẻ kinh nghiệm về hoạt động công tác xã hội trong bệnh viện” hôm 14.6, TS Nguyễn Hồng Sơn – Phó vụ trưởng vụ tổ chức cán bộ (Bộ Y tế) nhấn mạnh làm công tác xã hội trong bệnh viện không có nghĩa là làm từ thiện.

Người làm công tác xã hội trong bệnh viện không chỉ vận động tiếp nhận tài trợ, kết nối dịch vụ mà còn là người hỗ trợ tâm lý xã hội cho bệnh nhân; hỗ trợ tâm lý cho nhân viên y tế; hỗ trợ chăm sóc hàng ngày cho người bệnh; hỗ trợ pháp lý cho người bệnh; truyền thông quan hệ cộng đồng…

Ở đây, người làm công tác xã hội còn có một chức năng rất quan trọng là hỗ trợ tâm lý cho nhân viên y tế. Đây là lúc các nhân viên y tế gặp khủng hoảng về tâm lý khi bị sự cố y khoa hay những vấn đề khác liên quan đến chuyên môn của người thầy thuốc. Đặc biệt là vấn đề hỗ trợ chăm sóc hàng ngày cho người bệnh.

Về vấn đề này ông Sơn gợi ý phòng công tác xã hội trong các bệnh viện nên đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ cho những người ở bên ngoài có nhu cầu chăm sóc người bệnh trong bệnh viện để họ trở thành một lực lượng như trợ lý điều dưỡng.

“Thực tế hiện nay, nhiều gia đình thuê người ngoài vào bệnh việnchăm sóc người nhà của mình. Đây là những người có nhu cầu làm công việc chăm sóc bệnh nhân. Phòng công tác xã hội trong các bệnh viện có thể tập hợp những người này để đào tạo, huấn luyện giúp họ có chuyên môn trong việc chăm sóc bệnh nhân. Họ giống như là một trợ lý điều dưỡng”, ông Sơn nói và cho rằng đây là điều góp phần làm gia tăng mức độ hài lòng của bệnh nhân, người nhà bệnh nhân.

Bên cạnh đó, ông Sơn cũng lưu ý phòng công tác xã hội trong các bệnh viện khi thực hiện vận động tiếp nhận tài trợ, kết nối dịch vụ phải khéo léo trong việc hỗ trợ bệnh nhân để tránh gây ra sự thắc mắc không đáng có của người bệnh.

Phải chiếm từ 1 đến 2% tổng số nhân lực của bệnh viện

Theo đánh giá của Bộ Y tế phòng công tác xã hội trong các bệnh viện hiện nay vẫn chưa được đầu tư đúng mức, nhất là các bệnh viện thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính và nhân lực. Trong khi đó, nhân lực làm công tác xã hội còn thiếu và yếu, ít cán bộ có trình độ chuyên môn về triển khai công tác xã hội trong ngành y tế; các cơ sở y tế chưa nhận thức đúng về vai trò, vị trí của nghề công tác xã hội trong việc chăm sóc sức khỏe.

Ông Sơn cho hay nhân lực ở phòng công tác xã hội, bộ phận công tác xã hội trong bệnh viện còn rất khiêm tốn, chưa tương xứng với nhân lực hiện có của bệnh viện.

“Đối với nhân lực làm công tác xã hội, tối thiểu phải chiếm từ 1 đến 2% tổng số nhân lực của bệnh viện”, ông Sơn nói.

Ông Sơn cho rằng công tác xã hội trong bệnh viện có một đặc thù riêng không giống như công tác xã hội ở những lĩnh vực khác. Điều này đòi hỏi phải được đào tạo, bồi dưỡngchuyên môn, nghiệp vụ về công tác xã hội mới có thể đáp ứng được yêu cầu chăm sóc sức khỏe.

Để làm được điều này, ông Sơn cho hay Bộ y tế sẽ xây dựng và hoàn thiện chương trình, tài liệu đào tạo, tài liệu tham khảo vềcông tác xã hội trong ngành y. “Đến năm 2020, Bộ Y tế xây dựng chương trình và hoàn thành tài liệu đào tạo và đào tạo lại về nghề công tác xã hội cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng y dược; bảo đảm 100% cán bộ chuyên trách về công tác xã hội và 60% các cộng tác viên công tác xã hội được tập huấn về kiến thức và kỹ năng thực hiện các hoạt động công tác xã hội trong ngành y”, ông Sơn nói.

Riêng về mở rộng mô hình công tác xã hội trong các bệnh viện, ông Sơn cho biết đến hết năm 2020 phòng công tác xã hội sẽ được thành lập tại 100% bệnh viện tuyến trung ương, 60% bệnh viện tuyến tỉnh và 30% các bệnh viện và trung tâm y tế quận, huyện có thành lập phòng công tác xã hội.

Hồ Quang

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
7 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Làm công tác xã hội trong bệnh viện không có nghĩa là làm từ thiện