Các thành viên của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) không thể đi đến thống nhất để đưa ra một thông cáo chung.
Khi được hỏi là quốc gia nào không đồng ý, Thủ tướng Peter O’Neill của Papua New Guinea cho biết đó là “hai ông lớn trong phòng họp”. Một trong hai quốc gia (được cho là Mỹ) kiên quyết muốn thông cáo chung phải nhắc đến sự cần thiết phải cải tổ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), nhưng quốc gia còn lại phản đối.
Thủ tướng O’Neill nói rằng: “Có một thực tế là APEC không có điều lệ nào về WTO. Chuyện này nên được phản ánh tại WTO”.
Một vấn đề với tên gọi “Mục tiêu Bogor” yêu cầu các nền kinh tế đang phát triển phải đạt thương mại tự do - cởi mở vào năm 2020 cũng gây ra bất đồng trong APEC, nhưng được giải quyết sau đó. Vấn đề WTO không được may mắn như vậy, theo Thủ tướng O’Neill.
Thay vì ra thông cáo chung, nhà lãnh đạo Papua New Guinea đã ban hành tuyên bố của chủ tọa phản ảnh những vấn đề đã đạt được đồng thuận.
Từ khi được tổ chức từ năm 1993 đến nay, hội nghị cấp cao APEC sau khi kết thúc đều ban hành Tuyên bố của các nhà lãnh đạo. Đây là lần đầu tiên truyền thống này bị phá vỡ.
Hai quốc gia Mỹ - Trung ngay từ ngày 17.11 đã đối đầu nhau tại APEC năm nay. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chỉ trích chủ nghĩa bảo hộ, còn Phó tổng thống Mỹ Mike Pence cáo buộc Bắc Kinh khiến các nhiều nước “chìm trong biển nợ”.
Đối đầu kéo dài đến ngày 18.11 khi Washington cùng ba đồng minh Nhật Bản, Úc với New Zealand công bố chương trình 1,7 tỉ USD cung cấp điện và mạng internet cho Papua New Guinea, bước đầu tiên trong kế hoạch đối phó với Vành đai và Con đường (BRI) mà Trung Quốc đang thực hiện.
Phía Bắc Kinh cũng ký kết một bản ghi nhớ về BRI với Tonga đồng thời chấp thuận kéo dài thời gian trả nợ cho đảo quốc này.
Trước khi hội nghị cấp cao APEC 2018 kết thúc, có thông tin quan chức Trung Quốc xông vào văn phòng Ngoại trưởng Papua New Guinea Rimbink Pato vì muốn thảo luận thông cáo chung APEC. Đại diện phái đoàn Trung Quốc đã tổ chức họp báo phủ nhận.
Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều lần chỉ trích WTO với lý do nhiều quy định của tổ chức thương mại bất công với Washington nhưng lại có lợi với Bắc Kinh. Ông còn dọa rút khỏi nếu WTO không cải tổ.
Liên minh châu Âu (EU) cũng bất mãn với nhiều hành vi thương mại không công bằng của cường quốc châu Á nên đã dẫn dắt nỗ lực cải tổ Tổ chức Thương mại thế giới. Vấn đề này dự kiến sẽ làm nóng hội nghị G-20 sắp tới tại Argentina.
Cẩm Bình (theo SCMP, Reuters)