Ngân hàng Nhà nước đã chuẩn bị phương án can thiệp bình ổn thị trường vàng thông qua việc tăng cung vàng miếng SJC ra thị trường, đánh giá việc triển khai Nghị định 24.
Kinh tế - đầu tư - dự án

Lãnh đạo NHNN khẳng định sẽ can thiệp bình ổn thị trường vàng

Tuyết Nhung 30/12/2023 09:32

Ngân hàng Nhà nước đã chuẩn bị phương án can thiệp bình ổn thị trường vàng thông qua việc tăng cung vàng miếng SJC ra thị trường, đánh giá việc triển khai Nghị định 24.

anh-tuan-vu-qlnh-8001.jpg
Ông Đào Xuân Tuấn - Vụ Trưởng Vụ Quản lý ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước)

Trước tình hình giá vàng tăng cao liên tục, đổ xô mọi kỷ lục những ngày qua, trao đổi với báo giới, ông Đào Xuân Tuấn - Vụ Trưởng Vụ Quản lý ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước) cho biết năm 2023, do căng thẳng địa chính trị, ngoại giao, xung đột vũ trang tại một số khu vực trên thế giới chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, kinh tế toàn cầu có dấu hiệu tăng chậm khiến giá vàng quốc tế biến động mạnh theo hướng tăng là chủ đạo.

Tại thị trường Việt Nam, mặc dù nhu cầu vàng miếng SJC đã giảm so với giai đoạn trước khi Nghị định 24 được ban hành nhưng tâm lý thị trường vẫn chưa hoàn toàn ổn định. Vì vậy, có thể thấy nguyên nhân chính khiến giá vàng miếng SJC trong nước tăng trong thời gian qua là do yếu tố tâm lý trước đà biến động tăng của giá vàng thế giới.

Tuy nhiên, qua theo dõi thị trường trong những ngày giá vàng miếng SJC biến động tăng, khối lượng giao dịch mua, bán vàng miếng SJC có tăng nhẹ nhưng không có hiện tượng người dân đổ xô đi mua vàng như giai đoạn trước đây. Sau khi tăng cao, giá vàng miếng SJC có chiều hướng giảm dần từ chiều 28.12 và xuất hiện tình trạng nhiều khách hàng xu hướng bán ròng vàng miếng SJC.

Giá vàng trong những ngày qua biến động rất mạnh, có thời điểm đã lên đến 83 triệu đồng/lượng, cao hơn thế giới gần 20 triệu đồng. Đặc biệt, các doanh nghiệp đã kéo giãn khoảng cách giữa mua và bán lên tới 4 - 5 triệu đồng và đẩy rủi ro về phía người mua. Vàng là tài sản có giá trị cao và giá vàng thường biến động mạnh và khó lường, vừa qua lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đã có thông điệp cảnh báo người dân nên thận trọng trong giao dịch đầu tư vàng.

"Ngân hàng Nhà nước đã chuẩn bị sẵn sàng để triển khai phương án can thiệp bình ổn thị trường vàng thông qua việc tăng cung vàng miếng SJC ra thị trường, đồng thời đang tổng kết, đánh giá việc triển khai Nghị định 24, trong đó sẽ đề xuất giải pháp quản lý thị trường vàng phù hợp, đề xuất sửa đổi, bổ sung một số cơ chế quản lý thị trường vàng để phù hợp với bối cảnh mới của thị trường", ông Đào Xuân Tuấn khẳng định.

Khoản 1 Điều 15 Luật giá số 11/2012/QH13 ngày 20.6.2012 quy định: "1. Hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá là hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cho sản xuất, đời sống. Vàng là hàng hóa có giá trị cao, nhưng không phải là sản phẩm thiết yếu cho sản xuất, đời sống. Căn cứ quy định hiện hành, vàng không nằm trong danh mục hàng hóa, dịch vụ Nhà nước cần bình ổn giá".

"Ngân hàng Nhà nước luôn theo dõi sát diễn biến thị trường vàng, chúng tôi đã sẵn sàng có giải pháp can thiệp bình ổn thị trường nhằm hạn chế ảnh hưởng của biến động giá vàng đến tỷ giá, lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô", ông Tuấn nói.

Theo Vụ Trưởng Vụ Quản lý ngoại hối, mục tiêu xuyên suốt của Nghị định 24 là quản lý thị trường vàng nhằm hạn chế ảnh hưởng của biến động giá vàng đến tỷ giá, lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô; hạn chế tình trạng "vàng hóa" trong nền kinh tế.

Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Công an và các Bộ, ban ngành có liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trong hoạt động kinh doanh vàng. "Từ khi Nghị định 24 được ban hành, Công ty SJC không được sản xuất vàng miếng, Ngân hàng Nhà nước chỉ thuê Công ty gia công vàng miếng khi có nhu cầu và hoạt động này được thực hiện dưới sự giám sát của Ngân hàng Nhà nước", ông Tuấn cho hay.

Giá vàng trong những ngày qua biến động rất mạnh, có thời điểm đã lên đến 80,3 triệu đồng mỗi lượng, cao hơn thế giới gần 20 triệu đồng. Đặc biệt các doanh nghiệp đã kéo giãn khoảng cách giữa mua và bán lên tới 4-5 triệu đồng và đẩy rủi ro về phía người mua.

Trao đổi về vấn đề này chiều 29.12, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương nhìn nhận, vấn đề tài chính toàn cầu là nhức nhối. Nhiều tổ chức quốc tế lo lắng khi mà số liệu GDP khó khăn, kéo theo vấn đề tài chính sẽ gặp khó khăn. Bên cạnh đó, dự báo biến động giá vàng, USD càng khó khăn, khi người ta không tìm hướng đầu tư sẽ neo giá trị thực như vàng, giảm thiểu nguồn cung vốn cho sản xuất. "Đây là điều lưu ý, làm sao để gia tăng niềm tin, tránh dự trữ quá mức cần thiết vào kênh trú ẩn mà tập trung vào sản xuất kinh doanh", bà Hương nhấn mạnh.

Còn theo bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê), thời điểm vừa qua, giá vàng tăng cao, biến động mạnh là do phụ thuộc vào các yếu tố: Giá vàng thế giới tăng cao, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cho biết sẽ có 3 lần cắt giảm lãi suất vào năm 2024 với kỳ vọng đưa lãi suất quỹ liên bang xuống 2% - 2,25% vào năm 2026; cùng với đó là khó khăn của thị trường chứng khoán, dự trữ vàng của châu Âu tăng...

Theo bà Oanh, nguyên nhân giá vàng tăng là do lãi suất tiết kiệm thấp, thị trường bất động sản khó khăn dẫn đến vàng trở thành kênh trú ẩn mà nhiều người lựa chọn.

Đến chiều 28.12, giá vàng đã giảm mạnh ngay sau chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Công điện số 1426 về các giải pháp quản lý thị trường vàng. Công điện nêu, thời gian vừa qua, thị trường vàng thế giới và trong nước diễn biến phức tạp, giá vàng trong nước biến động mạnh, tăng nhanh, tác động tiêu cực đến an toàn thị trường tài chính, tiền tệ và tâm lý xã hội.

Để ổn định và phát triển thị trường vàng an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước theo dõi sát diễn biến giá vàng thế giới và trong nước để khẩn trương thực hiện ngay các giải pháp theo quy định để bình ổn thị trường vàng.

"Chủ động xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó với biến động của giá vàng thế giới và trong nước để sẵn sàng các biện pháp xử lý, sử dụng các công cụ theo thẩm quyền phù hợp, hiệu quả, kịp thời, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô, dứt khoát không để tình trạng "vàng hóa" nền kinh tế, không để tác động tiêu cực đến tỷ giá, lãi suất, thị trường tiền tệ, ngoại hối và an toàn, an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia", chỉ đạo của Thủ tướng tới Ngân hàng Nhà nước.

Thủ tướng cũng lưu ý việc xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định pháp luật, nhất là các hành vi buôn lậu, trục lợi, đầu cơ, thao túng, lợi dụng chính sách đẩy giá của các tổ chức, cá nhân... gây mất ổn định, an toàn thị trường vàng.

Sau chỉ đạo của Thủ tướng, Ngân hàng Nhà nước cũng phát đi thông báo về việc quản lý thị trường vàng. Cơ quan này cho biết sẽ trình báo cáo tổng kết Nghị định 24, trong đó có đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định quản lý thị trường vàng để phù hợp với bối cảnh mới của thị trường.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy
một giờ trước Theo dòng thời sự
Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết cán bộ đảng viên và nhân dân, trong đó có cả các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều đồng thuận ủng hộ mạnh mẽ và mong muốn tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lãnh đạo NHNN khẳng định sẽ can thiệp bình ổn thị trường vàng