Bình luận về Dự thảo Nghị định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp (sửa đổi), luật sư Kiều Anh Vũ thuộc Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng về mặt kỹ thuật, dự thảo vẫn còn hạn chế, thiếu thống nhất, chưa phù hợp với các quy định của luật liên quan.

LS. Kiều Anh Vũ: Dự thảo nghị định Phát hành trái phiếu DN còn nhiều hạn chế

03/01/2018, 14:50

Bình luận về Dự thảo Nghị định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp (sửa đổi), luật sư Kiều Anh Vũ thuộc Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng về mặt kỹ thuật, dự thảo vẫn còn hạn chế, thiếu thống nhất, chưa phù hợp với các quy định của luật liên quan.

Luật sư Kiều Anh Vũ (Đoàn Luật sư TP.HCM) - Ảnh Internet

Mệnh giá quá lớn, khó huy động vốn

LS. Kiều Anh Vũ ví dụ tại khoản 1 Điều 4 Dự thảo định nghĩa “Trái phiếu doanh nghiệp” là loại chứng khoán có kỳ hạn từ một năm trở lên do doanh nghiệp phát hành, xác nhận nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi và các nghĩa vụ khác (nếu có) của doanh nghiệp đối với nhà đầu tư sở hữu trái phiếu”. Trong khi đó, khoản 3 Điều 6 Luật Chứng khoán lại quy định “Trái phiếu là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần vốn nợ của tổ chức phát hành”. Như vậy chưa có sự thống nhất về mặt định nghĩa giữa quy định của luật và dự thảo nghị định.

Ngoài ra, khoản 8 Điều 4 Dự thảo Nghị định giải thích: “Giấy phép hoạt động của doanh nghiệp là Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo quy định của luật Doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật chuyên ngành” cũng không thật sự chuẩn xác.

Bên cạnh đó, Điểm b Khoản 1 Điều 11 Dự thảo quy định về điều kiện phát hành trái phiếu yêu cầu doanh nghiệp phải có thời gian hoạt động tối thiểu từ 1 năm kể từ ngày được cấp lần đầu Giấy phép kinh doanh là không phù hợp, chỉ cần quy định theo Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho thống nhất hoặc không cần quy định này vì đã có điều kiện kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh năm trước liền kề của năm phát hành phải có lãi theo báo cáo tài chính được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán đủ điều kiện theo quy định.

Về mệnh giá trái phiếu: Khoản 2 Điều 7 Dự thảo Nghị định quy định mệnh giá trái phiếu là 1 tỉ đồng Việt Nam hoặc bội số của 1 tỉ đồng Việt Nam. So với quy định cũ tại Nghị định 90/2011/NĐ-CP, mệnh giá tối thiểu của trái phiếu là 100 nghìn đồng, các mệnh giá khác là bội số của 100 nghìn đồng (Điều 9). Đây là một sự thay đổi quá lớn và mệnh giá trái phiếu quá lớn, khó đáp ứng mục tiêu huy động vốn.

“Mệnh giá quá lớn sẽ hạn chế khả năng huy động vốn của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, luật Chứng khoán hiện hành cũng chỉ quy định “Mệnh giá của trái phiếu chào bán ra công chúng là một trăm nghìn đồng Việt Nam và bội số của một trăm nghìn đồng Việt Nam”, LS. Vũ nói.

Theo ông, nếu pháp luật còn những hạn chế, bất cập thì sẽ ảnh hưởng đến việc thực thi trên thực tế. Các doanh nghiệp sẽ gặp thêm khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, không đáp ứng được mục tiêu, kỳ vọng của doanh nghiệp trong việc huy động vốn thông qua việc phát hành trái phiếu.

Không đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư

Trong khi đó theo góp ý của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), dự thảo nghị định này yêu cầu doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải có kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh năm trước liền kề của năm phát hành phải có lãi là chưa hợp lý.

Lý do là quy định có lãi được suy đoán rằng để bảo đảm tín nhiệm tài chính, khả năng trả nợ của doanh nghiệp phát hành. Tuy nhiên, trong nền kinh tế hiện nay, yếu tố có lãi trong 1 năm không có ý nghĩa đáng kể trong việc bảo đảm tín nhiệm tài chính. Trong khi đó, quy định này có thể loại một số lượng lớn các doanh nghiệp có nhu cầu phát hành trái phiếu, đặc biệt trong những trường hợp doanh nghiệp đang trong giai đoạn đầu kinh doanh, cần đầu tư mạnh để mở rộng quy mô.

Bên cạnh đó, nghị định đã xác định nguyên tắc tự chịu trách nhiệm của cả doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư, miễn là phải công bố thông tin đầy đủ, trung thực, kịp thời. Do đó, việc đặt điều kiện doanh nghiệp phát hành phải có lãi không thực sự phản ánh nguyên tắc này.

Về mặt kế toán, trong một mức độ nhất định, doanh nghiệp có thể biến lỗ thành lãi và ngược lại. Nếu đặt ra điều kiện này sẽ tạo áp lực khiến các doanh nghiệp có nhu cầu phát hành trái phiếu sẽ tìm cách can thiệp vào số liệu kế toán để có thể đáp ứng điều kiện. Việc này lại trái với nguyên tắc công bố thông tin đầy đủ, trung thực, kịp thời, tự chịu trách nhiệm.

Do đó, chỉ cần có báo cáo tài chính được kiểm toán độc lập là đủ. Nhà đầu tư sẽ nghiên cứu báo cáo tài chính để tự quyết định việc mua hay không mua trái phiếu của doanh nghiệp đó.

Về thẩm quyền phê duyệt và chấp thuận phương án phát hành trái phiếu thuộc về đại hội đồng cổ đông, hội đồng quản trị, hội đồng thành viên, chủ tịch công ty, quy định này đã can thiệp vào quyền tổ chức nội bộ của doanh nghiệp, và có nguy cơ gây rủi ro cho quyền lợi của nhà đầu tư. Bởi vì trong một doanh nghiệp, việc phân chia thẩm quyền giữa hội đồng thành viên, giám đốc, đại hội đồng cổ đông, hội đồng quản trị, ban giám đốc… là vấn đề nội bộ. Pháp luật chỉ can thiệp để bảo vệ cổ đông thiểu số hoặc để tránh những tranh chấp trong nội bộ công ty và thường được thể hiện trong điều lệ.

Về quyền lợi của nhà đầu tư mua trái phiếu, VCCI cho rằng quy định trên không những không có tác dụng bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư mà thậm chí còn có thể đặt nhà đầu tư mua trái phiếu vào vị trí rủi ro. Giả sử một doanh nghiệp phát hành trái phiếu mà không đúng trình tự, thẩm quyền quy định tại Nghị định này thì được xem là hợp đồng vô hiệu do không đúng thẩm quyền. Theo pháp luật dân sự, các bên phải trả lại cho nhau những gì đã nhận, nhà đầu tư trả lại trái phiếu, còn doanh nghiệp trả lại tiền (chỉ là tiền gốc, không có lãi) cho nhà đầu tư. Như vậy, quyền lợi của nhà đầu tư không được bảo đảm.

"Nếu không có quy định này, giả sử một doanh nghiệp phát hành trái phiếu không đúng trình tự, thẩm quyền theo Điều lệ công ty thì giao dịch đó vẫn có thể có hiệu lực nếu nhà đầu tư không biết và không thể biết về việc không đúng thẩm quyền đó. Đây là trường hợp đại diện bề mặt mới được bổ sung vào Bộ luật Dân sự", văn bản của VCCI nêu.

Như vậy, việc duy trì quy định về thẩm quyền phê duyệt, chấp thuận phương án phát hành trái phiếu tưởng như để bảo đảm quyền lợi cho nhà đầu tư, nhưng vô hình chung lại có tác động ngược lại.

Hoài Phong

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
5 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
LS. Kiều Anh Vũ: Dự thảo nghị định Phát hành trái phiếu DN còn nhiều hạn chế