Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định, Hiến pháp năm 2013 đã quy định về quyền con người, quyền công dân, trong đó có quyền biểu tình, quyền lập hội. Tuy nhiên, dự án Luật Biểu tình trình lên UBTV Quốc hội chưa đảm bảo chất lượng nên cần phải tiếp tục bổ sung, hoàn thiện.

Luật Biểu tình chưa đạt chất lượng nên chưa thể trình Quốc hội kỳ này

Trí Lâm | 20/05/2017, 11:00

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định, Hiến pháp năm 2013 đã quy định về quyền con người, quyền công dân, trong đó có quyền biểu tình, quyền lập hội. Tuy nhiên, dự án Luật Biểu tình trình lên UBTV Quốc hội chưa đảm bảo chất lượng nên cần phải tiếp tục bổ sung, hoàn thiện.

Chiều 19.5, tại Trung tâm Báo chí- Nhà Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chủ trì Họp báo công bố chương trình Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIV.

Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIV sẽ khai mạc vào ngày 22.5.2017 tại Hội trường Diên Hồng-Nhà Quốc hội. Theo dự kiến chương trình, Quốc hội sẽ làm việc trong thời gian 22,5 ngày và họp phiên bế mạc vào ngày 21.6.2017.

Ông Võ Kim Cự thôi đại biểu, ông Đinh La Thăng chuyển về Thanh Hóa

Trả lời báo chí về việccho thôi nhiệm vụ đại biểu quốc hội đối với ông Võ Kim Cự (Chủ tịch liên minh hợp tác xã Việt Nam), Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, sau khi có thông báokỷ luậtcủa Uỷ ban kiểm tra Trung ương, ông Võ Kim Cự làm đơn xin thôi làm đại biểu vì lý do sức khỏe và Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã nhất trí thông qua.

Theo ông Phúc, sau sự cố Formosa, ông Võ Kim Cự cũng suy sụp cả sức khỏe lân tinh thần, cảm thấy không thể đảm đương được nhiệm vụ đại biểu quốc hội nữa nên đã làm đơn xin thôi nhiệm vụ.

Lý giải về việc ông Võ Kim Cự bị kết luận có những vi phạm, khuyết điểm gây hậu quả rất nghiêm trọng, bị kỷ luật cách mọi chức vụ về Đảng nhưng lại được chấp thuận cho thôinhiệm vụ đại biểu mà không phải bãi nhiệm, ông Nguyễn Hạnh Phúc thông tin, ông Võ Kim Cự sai phạm khi làm Chủ tịch, Bí thư Hà Tĩnh và thôi Bí thư vào năm 2015. Thời điểm này mọi chuyện vẫn bình thường.

Theo ông Phúc, mãi đến cuối năm 2015, ông Cự chuyển lên làm Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam và tháng 4.2016 mới xảy ra vụ việc cá chết hàng loạt tại biển miền Trung. Sau đó ngày 22.5 Việt Nam tiến hành bầu cử Quốc hội. Tại thời điểm bầu cử thì chưa có kết luận nguyên nhân cá chết do Formosa và ông Cự đã trúng cử với tỷ lệ 75% tại Hà Tĩnh.

Ông Võ Kim Cự chính thức rời vị trí đại biểu quốc hội

“Lúc đó Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam giới thiệu ông vào Quốc hội với cương vị Chủ tịch Liên minh hợp tác xã Việt Nam, một thành viên của MTTQ. Gần đây, các cơ quan chức năng xác định trách nhiệm của ông Cự với dự án Formosa và tiến hành kỷ luật, chứ không phải là chúng ta biết ông Cự có khuyết điểm rồi mà vẫn để ông ấy ứng cử", ông Phúc nhấn mạnh.

Báo chí cũng đặt câu hỏi về căn cứ pháp lý khi UBTV Quốc hội đồng ý cho ôngĐinh La Thăng, nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCMchuyển về sinh hoạt tại Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa.

Lý giải điều này, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, tại Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 5 khóa XII vừa qua, trên cơ sở kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban chấp hành Trung ương đã có Nghị quyết thi hành kỷ luật đối với ông Đinh La Thăng là cảnh cáo.

Trong quá trình đó ông Đinh La Thăng thôi Uỷ viên Bộ Chính trị, đồng thời thôi Bí thư Thành ủy TP.HCM cũng như thôi vị trí Trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM.

“Ông Đinh La Thăng có đơn xin chuyển sinh hoạt vào Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa và chính Đoàn ĐBQH Thanh Hóa cũng có đơn xin ông Đinh La Thăng về. Chính vì vậy, UBTV Quốc hội đồng ý”, ông Phúc cho hay.

Tăng thời gian chất vấn lên 3 ngày

Tại kỳ họp này Quốc hội cũng sẽ xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng khác liên quan đến tình hình phát triển kinh tế- xã hội của đất nước. Quốc hội sẽ dành khoảng 13,5 ngày làm việc để tập trung xem xét, thông qua 13 dự án luật, 5 dự thảo nghị quyết. So với kỳ họp trước, số lượng dự án luật được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này tăng 9 dự án luật, số dự thảo nghị quyết tăng 4 văn bản.

Các dự án luật được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này gồm: Luật đường sắt (sửa đổi); Luật quản lý ngoại thương; Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi); Luật thủy lợi; Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi); Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi); Luật cảnh vệ; Luật du lịch (sửa đổi); Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi); Luật quy hoạch; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chủ trì họp báo - ảnh Văn phòng Quốc hội

Các nghị quyết được Quốc hội xem xét, thông qua gồm: Nghị quyết về thi hành Bộ luật hình sự; Nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018; Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng; Nghị quyết phê chuẩn Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào về việc sửa đổi điểm khởi đầu của đường biên giới quốc gia Việt Nam- Lào; Nghị quyết phê chuẩn Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào.

Quốc hội cũng sẽ tiến hành cho ý kiến 05 dự án luật khác gồm: Luật quản lý nợ công (sửa đổi); Luật bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi); Luật thủy sản (sửa đổi); Luật tố cáo (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng.

Tại kỳ họp họp này, Quốc hội dành 3 ngày làm việc để tổ chức hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn.

Liên quan đến dự án Luật Biểu tình vẫn chưa được trình tại kỳ họp lần này, Tổng Thư ký Quốc hội khẳng định, Hiến pháp năm 2013 đã quy định về quyền con người, quyền công dân, trong đó có quyền biểu tình, quyền lập hội. Vừa qua, trong Chương trình xây dựng luật cũng đưa ra dự án Luật Biểu tình nhưng khi trình lên UBTV Quốc hội nhận thấy dự án Luật này chưa đảm bảo chất lượng nên UBTV Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện.

Hoài Phong
Bài liên quan
Chủ tịch Quốc hội dự khai mạc Hội nghị lần thứ 11 của Nghị viện Quốc tế vì Bao dung và Hòa bình
Sáng 24.11, tại Thủ đô Phnom Penh (Campuchia), Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự phiên khai mạc Hội nghị lần thứ 11 của Nghị viện Quốc tế vì Bao dung và Hòa bình (IPTP 11).

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh quản lý nhà nước về thương mại điện tử
một giờ trước Theo dòng thời sự
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 119/CĐ-TTg ngày 25.11.2024 yêu cầu một số bộ liên quan và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Luật Biểu tình chưa đạt chất lượng nên chưa thể trình Quốc hội kỳ này