Chuyên gia Nguyễn Văn Đỉnh cho rằng pháp luật về đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản hiện nay có “xung đột” về quyền sử dụng đất của cá nhân nước ngoài với quyền sở hữu nhà ở của cá nhân nước ngoài.

Luật "vênh" nhau về quyền sở hữu nhà-đất của người nước ngoài, gỡ nút thắt ở đâu?

Hoài Lam | 02/09/2022, 14:15

Chuyên gia Nguyễn Văn Đỉnh cho rằng pháp luật về đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản hiện nay có “xung đột” về quyền sử dụng đất của cá nhân nước ngoài với quyền sở hữu nhà ở của cá nhân nước ngoài.

Điều 6 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) chỉ thống kê “tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài” và “tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao” là chủ thể sử dụng đất, không bao gồm cá nhân nước ngoài.

Góp ý cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng theo quy định tại điều 6 dự thảo thì “cá nhân người nước ngoài” không được xem là người sử dụng đất, không được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất, thuê lại đất trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao.

Quy định này cần được xem xét lại để bảo đảm tính thống nhất với quy định của Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở hiện hành.

Theo quy định tại Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014, Luật Nhà ở năm 2014 thì người nước ngoài được thừa nhận quyền sở hữu nhà ở, nhưng theo dự thảo thì lại không được thừa nhận quyền sử dụng đất. Điều này dường như chưa phù hợp với quy định tại khoản 1 điều 19 Luật Kinh doanh bất động sản 2014 “việc mua bán nhà, công trình xây dựng phải gắn với quyền sử dụng đất”.

Mặt khác, nếu người nước ngoài bán nhà cho người Việt Nam thì người mua có được thừa nhận quyền sử dụng đất không? Vô hình trung, quyền của người mua là người Việt Nam sẽ không được đảm bảo.

Do đó, VCCI đề nghị xem xét lại quy định về người sử dụng đất đối với người nước ngoài để đảm bảo tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật.

nha.jpg
Luật "vênh" nhau về quyền sở hữu nhà-đất của người nước ngoài

Chuyên gia Nguyễn Văn Đỉnh cho rằng pháp luật về đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản hiện nay có “xung đột” về quyền sử dụng đất của cá nhân nước ngoài với quyền sở hữu nhà ở của cá nhân nước ngoài.

“Pháp luật nhà ở thừa nhận người nước ngoài có quyền sở hữu nhà ở nhưng pháp luật đất đai không thừa nhận người nước ngoài có quyền sử dụng đất tại Việt Nam”, ông Đỉnh nêu.

Cụ thể, điều 159 Luật Nhà ở năm 2014 quy định cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở thông qua mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế nhà ở thương mại trong dự án nhà ở. Điều 14 Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 cũng quy định cá nhân nước ngoài được mua, thuê, thuê mua nhà ở theo pháp luật về nhà ở.

Tuy nhiên điều 5 Luật Đất đai năm 2013 cũng như điều 6 dự thảo Luật Đất đai sửa đổi không thống kê “người nước ngoài” thuộc đối tượng có quyền sử dụng đất tại Việt Nam.

Như vậy, chuyên gia Đỉnh cho rằng các cá nhân nước ngoài được thừa nhận quyền sở hữu nhà ở trong dự án thông qua các giao dịch nhưng lại không được thừa nhận quyền sử dụng đất, trái với nguyên tắc tại điều 19 Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014: “Việc mua bán nhà, công trình xây dựng phải gắn với quyền sử dụng đất”.

Theo ông Đỉnh, nếu cá nhân nước ngoài mua nhà ở thương mại trong dự án nhà ở theo điều 159 Luật Nhà ở, do không có quyền sử dụng đất nên giao dịch mua bán nhà ở này không “gắn với quyền sử dụng đất” như Luật Kinh doanh bất động sản quy định. Nếu chủ sở hữu bán lại nhà ở này (chẳng hạn cho người Việt Nam) thì giao dịch mua bán liệu có “gắn với quyền sử dụng đất” hay không?

Về mặt logic, người bán (người nước ngoài) không có quyền sử dụng đất thì đương nhiên người mua cũng không có quyền sử dụng đất (bởi không được nhận chuyển giao quyền này từ người bán). Vô hình trung người Việt Nam mua nhà ở của người nước ngoài chịu quy chế pháp lý như người nước ngoài (chỉ có quyền sở hữu nhà ở mà không gắn với quyền sử dụng đất).

Trong tờ trình đề nghị xây dựng Luật Nhà ở sửa đổi (dự kiến thông qua cùng thời điểm với Luật Đất đai sửa đổi), Bộ Xây dựng đề xuất tập trung giải quyết 8 nhóm chính sách lớn. Đầu tiên là chính sách về sở hữu nhà ở: “Tiếp tục chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam phù hợp với thông lệ quốc tế, thu hút đầu tư đồng thời vẫn bảo đảm an ninh quốc phòng”.

Tuy nhiên, ông Đỉnh cho rằng chính sách khuyến khích cá nhân nước ngoài mua nhà ở sẽ không thể thực hiện trọn vẹn nếu không giải quyết được tận gốc vấn đề chứng nhận quyền sở hữu. Để giải quyết tận gốc, Luật Đất đai sửa đổi cần thiết phải ghi nhận quyền sử dụng đất của cá nhân nước ngoài.

Về tiếp cận đất đai của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, Nghị quyết số 111/NQ-CP ngày 30.8.2022 của Chính phủ về phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 8.2022 cũng cho rằng đây là vấn đề nhạy cảm, liên quan đến an ninh, quốc phòng.

Vì vậy, Chính phủ đề nghị Bộ Tài nguyên - Môi trường phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch - Đầu tư tiếp tục làm rõ, hoàn thiện nội dung này bảo đảm tính kế thừa các quy định hợp lý hiện hành, phù hợp, không có vướng mắc về tiếp cận đất đai, nhà ở của tổ chức, cá nhân nước ngoài; bảo đảm đồng bộ với quy định của pháp luật đầu tư, nhà ở và pháp luật liên quan.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh quản lý nhà nước về thương mại điện tử
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 119/CĐ-TTg ngày 25.11.2024 yêu cầu một số bộ liên quan và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Luật "vênh" nhau về quyền sở hữu nhà-đất của người nước ngoài, gỡ nút thắt ở đâu?